Chuyện của “phố đi bộ”

(PLVN) - Phố đi bộ từ lâu đã trở thành “linh hồn” của nhiều thành phố. Không đơn thuần chỉ là nơi giải trí hấp dẫn mà phố đi bộ còn thể hiện dấu ấn văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Bởi vậy, những năm gần đây, liên tiếp xuất hiện những con phố đi bộ khác nhau. Tuy nhiên, với những lợi thế riêng biệt về vị trí, đặc điểm và chính sách đầu tư khác nhau của từng phố đi bộ mà có những con phố thu hút du khách, nhưng vẫn có con phố phải đối mặt với tình trạng “đìu hiu” khách thăm quan.
Phố đi bộ Hồ Gươm có lợi thế về không gian thoáng đãng thu hút du khách mọi lứa tuổi
Phố đi bộ Hồ Gươm có lợi thế về không gian thoáng đãng thu hút du khách mọi lứa tuổi

Những “số phận” khác nhau

Nhắc đến Hà Nội, người ta biết đến con phố đi bộ Hồ Gươm (Hoàn Kiếm) vốn được coi là “biểu tượng” của Thủ đô, ít ai đến Hà Nội mà chưa từng ghé thăm con phố này. Phố đi bộ Hồ Gươm có diện tích rộng, nằm giữa trung tâm thành phố, bên cạnh những công trình văn hóa lớn của quốc gia như: Nhà hát lớn Hà Nội, Hồ Gươm, cầu Thê Húc là những di tích lịch sử vượt thời gian đem lại cho con phố vẻ đẹp cổ xưa.

Nằm trong tuyến giao thông huyết mạch, nối những con phố mang màu hổ phách đẹp như mơ như phố “Phan Đình Phùng, Đinh Tiên Hoàng, phố Bà Triệu...”, không gian quanh phố trang hoàng bởi những cung đường thoáng đãng, hàng cây cổ thụ đem lại cho nơi này không khí trong lành, hấp dẫn.

Đặc biệt, nhờ lợi thế về không gian rộng rãi, cảnh đẹp “mê đắm”  lòng người mà nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đường phố, trò chơi dân gian và các hình thức vui chơi giải trí thường xuyên được tổ chức phục vụ cho nhu cầu thưởng ngoạn của du khách mọi lứa tuổi, góp phần không nhỏ khi mang đến những điểm nhấn văn hóa hàng tuần, thu hút  đông đảo người dân và du khách tham quan. 

Cũng là một trong những con phố thu hút khách, nếu như Hồ Gươm là biểu tượng của Hà Nội, thì phố đi bộ Nguyễn Huệ lại được mệnh danh là “thiên đường của các hoạt động giải trí” tại phố Sài thành hoa lệ.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ tọa lạc tại trung tâm hoa lệ bậc nhất Sài thành
Phố đi bộ Nguyễn Huệ tọa lạc tại trung tâm hoa lệ bậc nhất Sài thành

Con phố đi bộ sôi động này nằm trên đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP Hồ Chí Minh), với chiều dài 670 m, rộng 64m phố từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn giữa lòng thành phố. Nơi đây là điểm nhấn quan trọng về mỹ quan đô thị, kiến trúc của khu vực trung tâm thành phố, nhờ sự đầu tư bài bản, các công trình hạng mục hiện đại, tổ hợp vui chơi giải trí được mở ra phù hợp với không gian của con phố, hệ thống phun sương kín đáo trên cây xanh, hai hồ phun nước là điểm đặc trưng, thu hút mọi người vui chơi, chụp hình kỷ niệm.

Tại các ven phố đi bộ Nguyễn Huệ được kết hợp với các trung tâm thương mại, dịch vụ mua sắm, các nhà hàng và quán ăn để thu hút du khách và tạo dấu ấn riêng về phố đi bộ của vùng đất Sài Thành này.

Trái ngược với phố đi bộ Hồ Gươm, con phố Trịnh Công Sơn (Tây Hồ - Hà Nội) đang đối mặt với cảnh tượng “đìu hiu” khách thăm quan chỉ sau 3 tuần khai trương. Chính thức mở cửa từ tháng 5/2018 nhưng con phố này cho đến nay vẫn không được nhiều người “mảy may” biết đến. Không thể phủ nhận, các kế hoạch triển khai để đầu tư, đổi mới con phố luôn trong tình trạng “ấp ủ” khiến nơi này trở thành “phố đi bộ ế khách”.

Khuôn viên hồ Tây khá đẹp tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn nhưng vẫn đìu hiu khách do thiếu hoạt động thu hút
Khuôn viên hồ Tây khá đẹp tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn nhưng vẫn đìu hiu khách do thiếu hoạt động thu hút

Cùng cảnh ngộ, phố bích họa Phùng Hưng chỉ nổi tiếng ở điểm đến check in bởi những bức tranh sơn vẽ mô tả cảnh vật, con người, là nơi “nối dài ký ức”. Vì vậy, du khách đến đây cũng chỉ có nhu cầu chụp vài tấm ảnh kỉ niệm rồi “lẳng lặng” rời đi. Ngỡ tưởng phố bích họa sẽ được khai thác để trở thành con phố độc đáo mà du khách đến đây vừa có thể tìm hiểu về lịch sử qua mỗi bức vẽ tinh tế vừa được trải nghiệm những hoạt động văn hóa ẩm thực nghệ thuật độc đáo. Nhưng có lẽ sự “mong chờ” ấy đã bị làm mờ bởi những bãi đỗ xe tự phát mọc lên quanh phố đi bộ. Dòng xe lộn xộn, ngổn ngang che lấp đi bức tranh đầy nghệ thuật ở phía sau, con phố đi bộ bị thay thế và trở thành phố để xe cho các hàng quán xung quanh.

Lời giải cho những phố đi bộ “đắt khách” 

Phố đi bộ Hồ Gươm hay phố đi bộ Nguyễn Huệ đều thu hút du khách nhờ danh tiếng lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, để có thể khiến du khách thập phương biết đến cũng là cả một quá trình xây dựng, sự chung tay của các cấp chính quyền đến cơ quan quản lý. Từ việc tu bổ, cải tạo, thiết kế phố đi bộ cho đến các đề án đổi mới sáng tạo chương trình nghệ thuật, giao lưu văn hóa, mở rộng các hoạt động giải trí tổ hợp vui chơi quanh phố đi bộ. Việc xây dựng không gian văn hóa bên cạnh những lợi thế về cảnh quan là “chìa khóa” quan trọng để “nối dài” sức hút để khách đến đây. Đây là kết quả đáng ghi nhận mà phố đi bộ Hồ Gươm và phố đi bộ Nguyễn Huệ đã làm được.

Quay trở lại với câu chuyện “đìu hiu” du khách của phố Trịnh Công Sơn và phố bích họa Phùng Hưng, để duy trì một phố đi bộ tốt cần có nỗ lực đổi mới liên tục. Đặc biệt, với việc quy hoạch con phố đi bộ ở nhiều địa điểm khác nhau là phù hợp với thực tiễn, bởi mỗi địa điểm khác nhau sẽ có những lợi thế riêng về không gian, cảnh vật để phát triển các chính sách đầu tư với mô hình vui chơi giải trí phù hợp, tạo nên điểm khác lạ với phố đi bộ còn lại. Để làm sao khi nhắc về những con phố khác nhau du khách sẽ ấn tượng và ghi nhớ rằng ở mỗi một con phố có những “đặc trưng” ấn tượng nào.

Phố đi bộ Phùng Hưng xấu xí do dòng xe ngổn ngang lấn chiếm vỉa hè
Phố đi bộ Phùng Hưng xấu xí do dòng xe ngổn ngang lấn chiếm vỉa hè

Mới đây, theo báo Thanh Niên, KTS Trần Huy Ánh (Hội kiến trúc sư Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Sáng kiến phố đi bộ nghe thì dễ, nhưng nó phải đặt trên nền tảng sáng tạo. Trong công nghiệp giải trí thì sáng tạo là không ngừng nghỉ. Ở Hồ Gươm các sự kiện thay đổi liên tục, có không gian quảng trường để có thể tổ chức các hoạt động từ quảng cáo bán hàng đến ngoại giao, văn hóa... Điều này ở phố Trịnh Công Sơn chưa có”. 

Tại một số nước tiến bộ trên thế giới, phố đi bộ được xây dựng bài bản với các chiến lược phát triển tối ưu. Đơn cử, tại nước Mỹ năng động, ở đây tọa lạc một khu phố đi bộ nổi tiếng có cái tên khá ngồ ngộ “Phố thứ ba” (Third Street). Bên cạnh việc sở hữu những đặc điểm vốn có của một phố đi bộ kiểu mẫu: sạch sẽ, không khí trong lành… khu phố này là nơi quy tụ nhiều bảo tàng nhỏ, các nhà hát, nhà hàng cùng một khu chợ nhỏ chuyên bán hàng hóa phương Đông nên rất hút khách du lịch, hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên đường phố đã tạo nên thương hiệu cho nơi đây. Con phố từ lâu đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khách du lịch bởi các đặc trưng có một không hai của mình. 

Hay con phố đi bộ Clarke Street – Singapore, đây từng là bến cảng có lịch sử lâu đời nằm cạnh và trải dài bên bờ sông Singapore, sau phục hồi khu vực này đã trở nên đầy màu sắc và sống động, trở thành một địa điểm thú vị để viếng thăm. KTS Alsop đã đưa ra một quy trình kiến trúc quốc tế áp dụng để thiết kế lại mặt tiền của dãy khu nhà ở cửa hiệu, mái che mưa, bể phun nước, quang cảnh đường phố và khu vực ăn uống ngoài bờ sông. Dự án này điều chỉnh khéo léo vì khí hậu thông qua hệ thống che nắng và làm mát tinh vi khiến nhiệt độ xung quanh khu vực giảm xuống đến 4°C. Từ lâu phố Clarke đã trở thành biểu tượng của đất nước Singapore xinh đẹp.

Nhiều hoạt động vui chơi giải trí được diễn ra tại Hồ Gươm do không gian phố đi bộ Hồ Gươm rộng rãi
Nhiều hoạt động vui chơi giải trí được diễn ra tại Hồ Gươm do không gian phố đi bộ Hồ Gươm rộng rãi

Nhận thấy sự khác nhau ở các con phố đi bộ từ những vẻ đẹp đặc trưng, chính sách quản lý song điểm chung toát lên từ những con phố là sự phù hợp, nét nổi bật riêng biệt và vẻ đẹp tương lai. Bởi vậy, việc xây dựng phố đi bộ để thu hút du khách nhất thiết phải có một kế hoạch phù hợp, gồm chính sách đầu tư sáng tạo và cơ chế quản lý sát sao hiệu quả. Thiết lập khu phố du lịch phù hợp cũng là một bước gìn giữ bản sắc nền văn hóa truyền thống, quảng bá du lịch địa phương. Mặt khác, đây cũng là cách để phát triển, xây dựng đô thị của tương lai, hài hòa vẻ đẹp công nghiệp với bảo vệ môi trường xanh. 

Đọc thêm