Giấc mơ người lang thang đêm cuối năm

(PLVN) - Họ là những người lang thang khắp đường phố, đêm xuống tiện đâu ngủ đó, ở lề đường, dưới mái hiên hoặc gà gật cạnh chiếc xe đạp. Đêm cuối năm, ai cũng thầm ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn, đủ đầy hơn.
Ba người đàn ông, hai già bệnh tật quê Bến Tre, cùng một thanh niên gầy ốm chờ tới giờ nhặt ve chai.
Ba người đàn ông, hai già bệnh tật quê Bến Tre, cùng một thanh niên gầy ốm chờ tới giờ nhặt ve chai.

“Sài Gòn tình cảm, chắc sẽ có người giúp mình” 

Đêm những ngày cuối năm, dọc tuyến đường 3/2 (quận 10, quận 11, TP HCM), khi những cửa hàng sập cửa, là lúc những người lang thang tụ về. Già, trẻ, gái trai, người lành lặn, người khuyết tật, có cả trẻ em đôi ba tuổi. Người đi bộ, kẻ xe đạp, lặng lẽ nhìn dòng người ngoài kia lướt qua.

Họ ngồi bệt xuống lề đường, đợi giấc ngủ nhọc nhằn, đợi người qua lại dúi cho vài đồng lẻ. Họ lựa những mái hiên rộng có thể che mưa, che sương rồi trải tấm bạt nhỏ hoặc đôi tấm bìa giấy làm nơi ngả lưng qua đêm.

Có người che thân bằng tấm mền mỏng bớt đi cái lạnh khi trời về khuya. Có người che hờ mặt bằng chiếc mũ rách nát tránh ánh đèn đường, ánh đèn xe. Mặc kệ bụi bẩn, mặc kệ tiếng muỗi vo ve...

Mấy đêm trước, ngay vòng xoay ngã sáu Dân Chủ, chúng tôi gặp ba người đàn ông, hai già, một trung niên. Ông cụ gãy chân, ngồi xe lăn, ông cụ khác ngồi bệt dưới đất, tựa lưng vào gốc cây. Người trung niên gầy teo, quần đùi áo cộc.

Giấc ngủ nhọc nhằn của hai mẹ con trên lề đường
Giấc ngủ nhọc nhằn của hai mẹ con trên lề đường

Hai người già quê ở Bến Tre lên Sài Gòn xin tiền, không mướn phòng. Ban ngày họ lang thang khắp nơi, đêm đến lại tụ tập về đây nằm ngủ cùng nhau. Một ông bị xe đụng gãy chân gần hai tháng qua, một ông bệnh tiểu đường, đi xin tiền để “mua bảo hiểm y tế”.

Người trung niên nhà ở Bình Chánh, mỗi đêm đạp xe gần 20km đến đây chờ đêm khuya, mọi người ít đi lại, để nhặt ve chai. Chiếc xe đạp thủ sẵn hai bao tải lớn. Anh cười: “Nhà tui khổ lắm mới đi làm nghề này. Nhặt ve chai tới sáng mới về”.

Nhiều người lang thang ở TP HCM thường chọn đường 3/2 làm nơi qua đêm, có lẽ vì vỉa hè rộng, các cửa hàng đóng cửa sớm. Đến sáng, họ dậy thật sớm, dọn dẹp chỗ mình ngủ cho thật sạch, rồi tiếp tục ngày mới bằng việc lang thang khắp nẻo đường. 

Anh Hùng, quê Bến Tre, cụt một chân từ năm 14 tuổi vì bị máy cày xén phải, kể: “Mình mới lên Sài Gòn được một tháng. Lang thang kiếm việc làm nhưng chưa được. Đêm đến, gặp chỗ nào thì ngủ chỗ đó. Mình mới lại đường 3/2 mấy hôm. Ngủ ở đây, chủ nhà không nói gì. Sáng, họ mở cửa hàng thì gọi mình dậy, vui vẻ chứ không sao cả”.

Hỏi anh Hùng, chỉ còn một chân, ở Sài Gòn ai mướn ai thuê? Anh cười: “Dù gì ở Sài Gòn dễ kiếm sống hơn. Sài Gòn tình cảm, chắc sẽ có người giúp mình. Chứ ở quê, sống thế nào được. Không xin được việc, tui sẽ đi bán vé số. Bán vé số ở Sài Gòn ổn hơn là ở quê ăn bám”.

Vậy đó, Sài Gòn, không bỏ ai. Dù một người khuyết tật như anh Hùng, Sài Gòn cũng tạo được kế sinh nhai cho họ. Một công việc dù không giàu có nhưng vẫn hơn nơi quê nghèo.

Giấc mơ cho năm mới

Đêm cuối năm, những xe máy ô tô lướt qua, như cố gắng chạy thật nhanh về nhà để quây quần cùng gia đình. Còn những người lang thang nằm vỉa hè, cuộc sống vẫn bất định như ngày hôm qua, như ngày mai. Thế nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, họ vẫn thầm ước mơ…

Ông lão ngả lưng trên một chiếc xe xích lô.
Ông lão ngả lưng trên một chiếc xe xích lô.

Dưới vỉa hè, trên một tấm bạt trải đỡ, có hai mẹ con. Người mẹ khá trẻ, đứa con thơ khoảng hai tuổi đang nằm co ro trong chiếc chăn mỏng với lỉnh kỉnh đồ đạc xung quanh. Chị là người ở huyện Củ Chi. Ban ngày chị làm lao công, đứa trẻ gửi cho bà ngoại. Ban đêm, mẹ chị nhặt ve chai, chị ôm con ngủ dưới mái hiên bên đường. Giấc mơ của chị là đứa con đang ôm trong lòng. Chị mơ con chị được đến trường, có tri thức và thoát khỏi nghèo khó như chị.

Một người đàn ông khác đang nằm ngủ ngon lành dưới mái hiên, trên bậc tam cấp chỉ vừa tấm lưng. Nghe tiếng sột soạt bên mình, anh chợt tỉnh giấc. Thấy người lạ và một túi đồ ăn bên người, anh cười: “Ngày xưa tôi có nhà nhưng vì nợ nần phải bán nhà lang thang kiếm sống. Công việc chính là nhặt ve chai, đêm lại quay về đường 3/2 tá túc. Cuối năm rồi, tôi cũng mong nhặt được nhiều ve chai hơn. Có vậy, tôi có thêm chút tiền. Tết sẽ đỡ tủi…”.

Ngồi bệt trên tấm bìa giấy trước cổng nhà hát Hòa Bình (quận 10), ông Nam (60 tuổi) kể chuyện sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng nghèo khổ, không nhà cửa, không hộ khẩu. Vợ chồng ông mướn nhà trọ ở quận 8.

Mỗi đêm, ông ngồi ở đây, chờ người qua lại, xin ít tiền. Đến khuya, ông lại dạo bộ khắp các hang cùng ngõ hẻm, nhặt ve chai. Sáng mai, ông về phòng trọ với vài ba chục ngàn đồng. Vợ chồng ông sống nhờ vào số tiền ấy. 

“Tôi mơ một mái nhà, một bữa cơm không cần ngon lắm. Vợ chồng tôi có thể uống một ly cà phê cóc nơi góc phố...”, ông Nam vừa nói vừa rưng rưng khi chúng tôi hỏi về mong ước của ông. 

Một bạn trẻ tặng quà cho người lang thang trong đêm
Một bạn trẻ tặng quà cho người lang thang trong đêm

Những người lang thang khác chia sẻ, họ cũng mong nhanh đến giao thừa, bởi vừa nghe xong tiếng pháo, họ có thể sẽ được tặng quà, dù chỉ là dăm hộp sữa, vài chiếc bánh.  

Đêm Sài Gòn cuối năm, ngậm ngùi nhìn những thân phận người cơ nhỡ, vẫn là những người thiếu cái ăn, thiếu cái mặc, thiếu cả một chỗ ngả lưng sau một ngày mệt nhọc.

Chỉ mong rằng, sớm mai, người chủ nhà lặng lẽ nhẹ nhàng mở cánh cửa, thấy người lang thang nằm ngủ, đừng vội bực mình, đừng vội cáu gắt. Nếu sáng mai hiên nhà, cánh cửa có một vết bẩn người lang thang quên lau chùi, xin hãy cảm thông, đừng than phiền….  

Đọc thêm