Hà Nội sẽ không để chính quyền đô thị cạnh chính quyền nông thôn?

(PLO) - Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội nếu được thông qua thì phạm vi thí điểm sẽ là toàn thành phố (TP); coi cả Hà Nội là một thực thể chính quyền đô thị chứ không có chính quyền đô thị ở nội thành bên cạnh một chính quyền nông thôn TP Hà Nội.
Hà Nội đang xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Hà Nội đang xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Đẩy mạnh phân cấp giữa TƯ và Hà Nội

Sáng 8/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội và các bộ, ban, ngành Trung ương vào dự thảo “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội”.

Tại Hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo - Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án - đã trình bày những vấn đề cần xin ý kiến, bao gồm việc quản lý mô hình chính quyền theo hướng đẩy mạnh phân cấp giữa Chính phủ, bộ, ngành TƯ với chính quyền TP Hà Nội; giữa TP với quận, huyện, thị xã và vấn đề thứ 2 là về thí điểm mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị.

Đối với vấn đề thứ 2 cần xin ý kiến, theo ông Vũ Đức Bảo, dự thảo Đề án đề xuất 2 phương án định hướng thiết kế thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Phương án 1 là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã); một cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn).

Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn). Tổ soạn thảo đề nghị, trong thời điểm hiện nay, việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội theo phương án 1.

Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản đánh giá, với gần 1 năm xây dựng, đây là đề án công phu và khó, nội dung đề án lớn và chưa có tiền lệ. Các đại biểu cho rằng, việc xây dựng đề án thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội là cơ hội tiếp theo để Thủ đô phát triển, đồng thời phù hợp với yêu cầu thực tiễn để phát triển TP.

Đi sâu vào vấn đề phân cấp, phân quyền, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhất trí với đề xuất đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền cho chính quyền TP trong lĩnh vực môi trường và đất đai như việc ủy quyền cho TP thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với một số dự án tại Nghị định 18 ngày 14/2/2015 của Chính phủ; cho phép áp dụng cơ chế về thẩm định, phê duyệt quy hoạch đất cấp huyện đối với các địa phương thí điểm chính quyền đô thị theo hướng không thông qua HĐND cấp huyện trước khi trình UBND TP phê duyệt…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng lưu ý, hiện nay, Bộ Nội vụ đang triển khai việc sáp nhập các xã. Do đó, dự thảo Đề án nên tính đến việc này. Ông cũng đề nghị, dự thảo Đề án nên đánh giá sâu hơn về việc phân cấp, phân quyền giữa cấp trên và cấp dưới. Nhấn mạnh đến vấn đề công tác cán bộ, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng mô hình hay đến mấy mà đội ngũ cán bộ yếu thì cũng không đạt được mục tiêu. Do đó, dự thảo Đề án phải nghiên cứu, viết kỹ hơn về công tác cán bộ, lượng hoá để bảo đảm mô hình chính quyền đô thị được thực hiện hiệu lực, hiệu quả.

Tránh thực hiện “thí điểm trong thí điểm”

Tại Hội thảo, các phương án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội cũng nhận được sự quan tâm cho ý kiến của các đại biểu. Trong đó, phương án 1 mà Hà Nội đề xuất được hầu hết các ý kiến phát biểu đồng tình và cho rằng việc Hà Nội mạnh dạn xây dựng Đề án để triển khai thí điểm sẽ là cơ sở để TƯ nghiên cứu, tổng kết, xây dựng thành chính sách, pháp luật triển khai trên cả nước.

 Về lộ trình thực hiện, có ý kiến cho rằng đến năm 2021 là muộn, cần chọn một số đơn vị hành chính để triển khai thí điểm ngay từ giai đoạn 2018-2020 nhưng cũng có những đại biểu cho rằng thời điểm bắt đầu thí điểm từ năm 2021 là phù hợp, bảo đảm sự thận trọng. Về phạm vi thí điểm, có ý kiến cho rằng nên thí điểm từng bước, ban đầu là các quận, phường sau đó đến các huyện, xã lân cận nội thành cuối cùng mới tiến hành ở tất cả các địa phương còn lại. Ngược lại, một số ý kiến lại đề nghị nên làm đồng bộ cả TP, vừa tránh thực hiện “thí điểm trong thí điểm”, vừa bảo đảm tính đại diện cao. 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết chính quyền đô thị là khái niệm đã có từ lâu, nhiều nhiệm kỳ TP đã đặt ra việc thực hiện với mong muốn hệ thống chính quyền thực sự tinh gọn hiệu quả, minh bạch, tăng giám sát của người dân, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và đặc biệt để đáp ứng năng lực cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới.

Đối với việc thí điểm tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phân cấp bởi chính việc phân cấp cũng sẽ giúp đánh giá được cán bộ, khơi thông nguồn lực, giúp cơ sở phát triển, tăng thu ngân sách. Bí thư Hà Nội cũng cho hay, Đề án nếu được thông qua thì phạm vi thí điểm sẽ là toàn TP; coi cả Hà Nội là một thực thể chính quyền đô thị chứ không có chính quyền đô thị ở nội thành bên cạnh một chính quyền nông thôn TP Hà Nội. 

Đọc thêm