Hội chữ Xuân Kỷ Hợi có còn cảnh 'vàng thau lẫn lộn'?

(PLVN) - Hội chữ xuân Kỷ Hợi liệu còn có cảnh các ông đồ không biết chữ, “vàng thau lẫn lộn” trong chất lượng “múa bút” của các “ông đồ”? liệu còn cảnh một số ông đồ bỏ cả chỗ ngồi có “sổ đỏ” Hồ Văn để sang vỉa hè Văn Miếu “làm chui”... Đó là những lo ngại của rất nhiều người trong mùa xin chữ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm nay.
Xin chữ đầu xuân là nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam.
Xin chữ đầu xuân là nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam.

Một trong tứ trụ thư pháp Việt Nam sẽ “múa bút”

Hội chữ Xuân Kỷ Hợi bắt đầu từ ngày 29/1 - 17/2/2019 (tức 24 tháng Chạp năm Mậu Tuất đến 13 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại khu vực Hồ Văn, thuộc khuôn viên di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Không gian chính của Hội chữ Xuân Kỷ Hợi gồm các hoạt động thư pháp và không gian viết chữ.

Điểm nhấn là ngoài khu vực cổng chính, đối diện sẽ có nhà 3 gian, các lều bằng tre. Hội chữ năm nay sẽ tái hiện khung cảnh trường thi, với nhà Thập đạo, chòi canh, lều chõng… nhằm giúp khách tham quan hiểu thêm về hoạt động thi cử thời xưa.

Theo Ban Tổ chức, hoạt động nổi bật tại Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 là triển lãm Thư pháp với chủ đề “Văn hiến”, trưng bày 30 bức thư pháp chữ Hán - Nôm và chữ Quốc ngữ. Triển lãm nhằm phát huy truyền thống văn hiến nghìn năm, khích lệ các thế hệ trẻ Thủ đô không ngừng nỗ lực vươn lên.

Không gian của Hồ Văn nói riêng và Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói chung còn đậm sắc màu dân tộc với nhiều hoạt động văn hóa phong phú. Nổi bật trong số đó phải kể đến không gian giới thiệu làng nghề, với các gian hàng trưng bày giấy dó, tranh dân gian, gốm sứ…

Ban Tổ chức cũng dành khu vực cho các trò chơi dân gian (nặn tò he, vẽ tranh, ô ăn quan…); chợ phiên và ẩm thực dân gian. Tới Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019, du khách còn được trải nghiệm hoạt động lễ hội thả đèn hoa đăng, các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống như: quan họ, ca trù, hát xẩm, chầu văn…

Đặc biệt, năm nay sẽ có ông đồ - TS Cung Khắc Lược - một trong tứ trụ thư pháp Việt Nam (bao gồm Thanh hoằng khê Lê Xuân Hòa, Lỗ công Nguyễn Văn Bách, Vĩnh nguyên Lại Cao Nguyện và Nam ba cầm văn Cung Khắc Lược).

Vì tuổi cao sức yếu, trong số bốn “tứ trụ múa bút”, giờ chỉ còn mình ông đồ Cung Khắc Lược đủ sức “Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”/ “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay” (trích bài thơ “Ông đồ”, tác giả Vũ Đình Liên). Với sự tham gia của ông đồ Cung Khắc Lợi, rất nhiều người háo hức, mong chờ được diện kiến và xin chữ quý.

Mạnh tay trục xuất ông đồ “rởm”

Trước câu hỏi: “Liệu  năm Kỷ Hợi còn có tình trạng một số ông đồ bỏ cả chỗ ngồi có “sổ đỏ chính chủ” tại Hồ Văn để sang vỉa hè Văn Miếu “làm chui”?”, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho hay: “Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay, Ban Tổ chức sẽ mạnh tay hơn, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lấn chiếm hè Văn Miếu để viết chữ và dùng loa đài quảng cáo cho chữ. Nếu ông đồ nào ra ngoài, sẽ dừng hoạt động ngay lập tức, sang năm không cho tham gia nữa”.

Năm nay, không chỉ có các ông đồ Hà Nội tham gia mà còn có các ông đồ đến từ nhiều tỉnh, thành như Bắc Ninh, Hưng Yên, Huế… Thế nên, vấn đề “vàng thau lẫn lộn” trong chất lượng của các ông đồ khiến nhiều người lo ngại.

Để tìm ra “ông đồ Việt Nam chất lượng cao”, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với Câu lạc bộ Thư pháp Việt Nam tổ chức khảo hạch. Năm 2019 có 68 người tham gia kỳ khảo tuyển thẩm định trình độ thư pháp, lựa chọn được 39 người. 

“Tránh tình trạng như những năm trước, người cho chữ không hiểu và giải thích được nghĩa của chữ họ viết, Ban Tổ chức đã biên soạn một cuốn sách gồm 200 thành ngữ, từ cố định biên soạn và dịch ra tiếng Việt để người cho chữ có thể tìm hiểu và giải thích cặn kẽ nội dung cho du khách”, đại diện Ban Tổ chức Hội chữ cho hay.

Các ông đồ phải đeo thẻ của Ban Tổ chức cấp phát trong suốt thời gian tham gia viết chữ. Để tránh kiện cáo chỗ ngồi mặt tiền hay góc khuất, Ban Tổ chức  sẽ ưu tiên cho những người cao niên. Đặc biệt, trong quá trình tham gia, những trường hợp vi phạm của ông đồ làm ảnh hưởng đến mỹ quan, văn minh sẽ bị đình chỉ tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Năm 2018 có một ông đồ đến từ chùa Hương (Mỹ Đức) đã có hành động dẫn khách, gây mất đoàn kết giữa các ông đồ tại Hội chữ Xuân và từ năm 2019, ông đồ này đã bị cấm  hoạt động vĩnh viễn.

Được biết, Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội phối hợp với Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải, UBND quận Đống Đa, Công an quận Đống Đa… đã có phương án đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết ùn tắc giao thông, chống cháy nổ tại Hồ Văn và toàn bộ khu vực Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong dịp Tết Nguyên đán 2019 để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân tham gia Hội chữ.

Đọc thêm