Mùa mưa này TP HCM có giảm ngập úng?

(PLVN) - Cứ mỗi lần mưa lớn hoặc thủy triều lên, người dân ở TP HCM lại khổ sở vì nạn ngập lụt. Nhiều tuyến đường trung tâm TP biến thành sông, nước lên ngập cả yên xe máy như đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, quận 1), Phan Huy Ích (Gò Vấp)… Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của UBND TP, địa phương đang dần thoát ngập…
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Hàng loạt dự án chống ngập

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho hay, để từng bước xóa, giảm ngập trên địa bàn thành phố, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, thành phố tập trung triển khai các dự án thuộc 2 quy hoạch chính.

Thứ nhất, Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020, tập trung đầu tư, nâng cấp và phát triển hệ thống cống đạt 6.000km và cải tạo, nạo vét 4.369km kênh, rạch thoát nước; xây dựng hệ thống hồ điều tiết để hỗ trợ cho hệ thống thoát nước khi xảy ra những trận mưa cực đoan (TP đang hoàn thiện quy hoạch và sơ bộ xác định được 103 vị trí dự kiến xây dựng hồ điều tiết).

Thứ hai, Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP, với tổng diện tích vùng nghiên cứu là 968.500 ha, bao gồm: Xây dựng tuyến đê bao dọc Sông Sài Gòn; Xây dựng hơn 20 cống kiểm soát triều; Nạo vét, cải tạo 8 trục tiêu thoát nước chính với tổng chiều dài 50,14km.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị đang triển khai 99 dự án và chương trình với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 32.000 tỉ đồng, bao gồm 90 dự án, 2 chương trình giải quyết ngập do mưa, 6 dự án giảm ngập nước do triều, 1 công trình kết hợp thu gom, xử lý nước thải. Các quận, huyện làm Chủ đầu tư các dự án giải quyết các tuyến hẻm ở địa phương...

Ngoài ra, có 19/27 dự án chuyển tiếp đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả chống, giảm ngập cho các khu vực như quận 5, 9, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Hóc Môn, Củ Chi. Tổng mức đầu tư các dự án là 1.843 tỉ đồng. Các dự án nạo vét kênh rạch thuộc Chương trình đầu tư công “Cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét kênh rạch” cũng đã được triển khai. 

Về nhóm các công trình chống ngập triều, ông Hoan cho biết, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đã thi công được 75% khối lượng dự án Giải quyết ngập do triều khu vực có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). TP hiện đang triển khai thi công, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020 hai dự án chuyển tiếp ở Bờ tả sông Sài Gòn. Dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi, đã được HĐND TP thông qua, dự kiến triển khai thi công vào Quý II/2020... 

Giảm các tuyến đường ngập

Cũng theo ông Võ Văn Hoan, năm 2008, trên địa bàn thành phố tồn tại 126 điểm ngập do mưa, trong đó có 85 điểm ngập vùng trung tâm và 41 điểm ngập vùng ngoại vi. Cuối năm 2015, thành phố còn 40 tuyến đường ngập, trong đó có 17 tuyến đường thường xuyên ngập mỗi khi mưa và 23 tuyến đường ngập được xử lý bằng giải pháp cấp bách trước đây, cần tiếp tục đầu tư để hoàn chỉnh. Đến cuối năm 2018, địa bàn chỉ còn 18 tuyến đường trục chính bị ngập (giảm 85,71%).

Về ngập do triều, năm 2008, trên địa bàn tồn tại 95 tuyến đường trục chính bị ngập. Đến cuối năm 2018 (đầu năm 2019), TP HCM chỉ còn còn 5 tuyến đường trục chính bị ngập (giảm 94,73%).

Ông Võ Văn Hoan đánh giá, Chương trình giảm ngập nước của thành phố trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần cải thiện bộ mặt của thành phố. Cụ thể đã hạn chế tình trạng ngập nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; đảm bảo lưu thông cho các phương tiện.

Tính đến thời điểm hiện nay các tuyến đường mà trước đây được xem là “rốn ngập” của thành phố như Khu vực Vòng xoay Cây Gõ, đường 3 tháng 2, Lê Hồng Phong, Kỳ Đồng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chân, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Xích Long, Đinh Tiên Hoàng, Bình Thới, Bến xe Chợ Lớn, Nơ Trang Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Hàng Xanh đến cầu Thị Nghè), Kinh Dương Vương, Lê Lai (quận 1), Nguyễn Biểu, Nguyễn Văn Cừ, Cách Mạng Tháng 8, Lý Thường Kiệt... đã không còn xuất hiện tình trạng ngập nước.

Đọc thêm