Sau một năm Hà Nội lập lại trật tự vỉa hè: Vẫn tồn tại nhiều vi phạm

(PLO) - Sau 1 năm thực hiện chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ (tháng 3/2017 đến nay), bên cạnh những chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành thì một bộ phận người dân Thủ đô vẫn thờ ơ, thản nhiên tái vi phạm, còn lực lượng chức năng dường như đang buông lỏng.
Sau một năm Hà Nội lập lại trật tự vỉa hè:  Vẫn tồn tại nhiều vi phạm

Người đi bộ vẫn bị “đẩy” xuống lòng đường

Ghi nhận thực tế sau khi TP Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý vi phạm về an toàn giao thông, lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường là nhiều tuyến đường trên địa bàn Thủ đô đã giảm thiểu tình trạng “biến vỉa hè thành của riêng”. Tại các tuyến phố như: Trần Phú (quận Hà Đông), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Nguyễn Cơ Thạch (quận Nam Từ Liêm), Khâm Thiên (quận Đống Đa) Tân Mai (quận Hoàng Mai)… nếu như trước kia thường xuyên xuất hiện cảnh vỉa hè bị lấn chiếm, xe đỗ bừa bãi dưới lòng đường thì nay cơ bản đã được chấn chỉnh. 

Tuy nhiên, nhiều khu vực sau khi những chiến dịch rầm rộ lắng xuống, không ít con đường, tuyến phố tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tái diễn. Cụ thể, theo khảo sát tại các tuyến phố như: Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Đặng Tiến Đông đoạn ven hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa)…, ngoài tình trạng dừng đỗ lộn xộn, do vỉa hè chật hẹp lại được “trưng dụng” thành điểm đỗ xe khiến người đi bộ bị “đẩy” xuống lòng đường. 

Tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm hàng quán, làm nơi để xe, kinh doanh… còn đặc biệt “nở rộ” vào thời điểm tan tầm và các buổi chiều tối. Cụ thể, trên phố Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm) thường xuyên tái diễn cảnh các phương tiện giao thông xếp chật kín trên vỉa hè. Tình cảnh xe cộ đỗ kín dưới lòng đường còn tái diễn ở đoạn nhà số 1, khu vực phố Đa Sỹ (quận Hà Đông). Tại đây, để mở rộng không gian kinh doanh, chủ cơ sở này còn xếp bàn ghế “lấn” toàn bộ phần vỉa hè, dưới lòng đường cũng được tận dụng làm nơi đỗ xe. 

Liên quan đến việc người đi bộ vẫn bị “đẩy” xuống lòng đường sau các đợt ra quân rầm rộ của các cơ quan chức năng, anh Phạm Đức Dương (quận Cầu Giấy) bức xúc: “Có lẽ thói quen coi vỉa hè, lề đường là bãi để xe và là đất kinh doanh của nhà mình đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Để giành lại được vỉa hè chỉ khi nào làm thay đổi được nhận thức của người dân và có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền”. 

Cần quyết liệt hơn

Khách quan nhìn nhận, chủ trương lập lại trật tự vỉa hè của thành phố là hết sức đúng đắn. Chủ trương này hoàn toàn phát huy hiệu quả bền vững nếu có sự vào cuộc bài bản và duy trì thường xuyên của các cấp quản lý cơ sở.

Theo ông Triệu Như Long – Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), năm 2017, sau các đợt ra quân, UBND phường đã xử phạt 395 trường hợp vi phạm liên quan đến trật tự đô thị. Triển khai tháo dỡ 287 bane và 126 biển quảng cáo rao vặt vi phạm. Đầu năm 2018 đến nay, UBND phường ngoài việc triển khai xây dựng kế hoạch để đảm bảo trật tự đô thị tại các tuyến phố trên địa bàn thì thứ ba, năm phường đều duy trì công tác ra quân xử lý vi phạm. Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn cho rằng, việc duy trì các đợt ra quân là biện pháp hữu hiệu, góp phần nâng cao, cải thiện ý thức người dân. 

Tương tự, tại phường Tân Mai (quận Hoàng Mai), theo ông Nguyễn Văn Huy – Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai, việc triển khai lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường qua các kế hoạch bài bản, cụ thể là hết sức cần thiết. Theo đó, từ đầu năm 2017, UBND phường đã phát trên 1.000 thư ngỏ. Triển khai ký cam kết không lấn chiếm với trên 700 hộ dân có kinh doanh ở mặt đường. Tích cực ra quân, kẻ vạch sơn ở phố chính, thành lập tổ vận động ở 11 khu dân cư… “Tôi đánh giá, đây là 1 chủ chương hợp lý, Hà Nội cũng thực hiện khá bài bản với nòng cốt là tuyên truyền vận động. Nên mang lại những hiệu quả nhất định, cải thiện rõ nét qua ý thức của người dân. Tại một số tuyến phố chính các biển quảng cáo quá khổ, bục bệ lấn chiếm vỉa hè sau các đợt ra quân thì tình trạng cơ bản đã được xử lý” - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai chia sẻ. 

Trở lại câu chuyện vỉa hè vẫn bị tái lấn chiếm sau quá trình ra quân ráo riết của các lực lượng, nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề thì cần tạo ra hạ tầng, cơ sở vật chất. Nói cách khác, cần có một không gian riêng dành cho những người bán hàng rong về một khu vực để tránh tình trạng lấn chiếm tràn lan. Tiếp đến, trong các con phố cần phải có những bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe thông minh để phục vụ sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Không kiên quyết và đồng bộ như vậy thì sớm muộn tình trạng phạt thì cứ phạt mà vi phạm thì vẫn cứ vi phạm.

Đọc thêm