Niềm đam mê kỳ lạ của giám đốc nuôi heo

(PLO) -Với sức trẻ đầy nhiệt huyết, anh Đoàn Phan Dinh (sinh năm 1991) ở ấp An Hòa, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã năng động, sáng tạo và tiên phong trên con đường khởi nghiệp để làm giàu chính đáng bằng tài năng, trí tuệ và niềm đam mê của mình. 
Kỹ sư Đoàn Phan Dinh (trái) và tác  giả.
Kỹ sư Đoàn Phan Dinh (trái) và tác giả.

Tôi gặp Đoàn Phan Dinh vào giữa năm 2018, trong dịp họp mặt kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tại thành phố Cần Thơ. Anh là người rất vui tính, nhiệt tình và đam mê, hết lòng trong công việc… Chia sẻ về mối duyên khởi nghiệp của mình, anh cho biết:

“Tôi bắt đầu có cảm hứng với con heo rừng từ năm thứ nhất Đại học Cần Thơ. Lúc đầu cũng vì mục tiêu làm để kiếm tiền ăn học, nhưng càng làm tôi càng đam mê và có thể nói là nghiện với công việc nuôi heo rừng luôn. Để có vốn mua heo rừng giống, tôi vừa học, vừa phải đi làm thêm nhiều việc... Đến cuối năm nhất, tôi dành dụm được 2 chỉ vàng,  bán làm vốn lên tận tỉnh Đồng Nai mua 4 con heo rừng giống đem về thả vào chuồng nuôi thử nghiệm.

Đến năm cuối Đại học, đàn heo rừng của tôi nuôi tăng lên hàng chục con. Và tới nay, đàn heo đã phát triển lên rất nhiều… Từ đó, tôi đã mở được 02 trang trại nuôi heo rừng, vừa cung cấp heo rừng giống cho những người có nhu cầu nuôi, vừa bán heo rừng thịt cho các nhà hàng, quán ăn ở các nơi…”   

Tại trang trại chính ở ấp An Hòa, xã An Khánh, huyện Châu Thành của anh Dinh, với quy mô 2.000 m2 có 4 khu biệt lập phù hợp cho từng giai đoạn heo tăng trưởng. Trang trại đang nuôi cả ngàn con heo rừng từ heo giống nái, heo thương phẩm và heo con. Trung bình mỗi tháng anh Dinh có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc cung cấp sản phẩm heo rừng các loại. 

Công ty TNHH sản xuất, thương mại dịch vụ (SX, TM, DV) Heo Rừng của anh Dinh cũng đã mở được 07 cửa hàng, đại lý ở các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Phú Quốc… để cung cấp sản phẩm heo rừng. Trung bình mỗi tháng, Công ty đã xuất từ 1 - 2 tấn heo rừng thương phẩm cho 02 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai…

Kỹ sư, Giám đốc Đoàn Phan Dinh cho biết: “Heo rừng là loài động vật hoang dã, rất quý hiếm. Khi nuôi phải đăng ký với cơ quan Kiểm lâm, tốn chi phí đầu tư mua con giống và xây dựng chuồng nuôi ban đầu rất cao… Nhưng heo là loài ăn tạp, thức ăn rất dễ tìm nên khâu chăm sóc và theo dõi cũng không khó, heo rừng ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp; nếu được chăm sóc tốt-cho ăn đầy đủ, vệ sinh chuồng sạch sẽ... heo rất mau lớn…”.

Trang trại nuôi và sản xuất heo rừng của anh Dinh được xây theo mô hình bán hoang dã, nhưng đảm bảo tuyệt đối điều kiện vệ sinh môi trường bên trong và bên ngoài xung quanh trang trại. Các chuồng nuôi heo rừng có sử dụng đệm lót sinh học với lớp dưới cùng là đất mặt, lớp giữa là 20cm cát, phía trên là 20cm trấu để làm giảm mùi hôi, hạn chế dịch bệnh cho heo…

Chuồng nuôi heo rừng được anh Dinh thiết kế, xây dựng rất khoa học. Heo từ 3 - 4 tháng tuổi được nuôi trong ô có chiều ngang khoảng 2m, chiều dài từ 5 - 6m, thả nuôi 10 con. Heo trên 6 tháng được anh Dinh đưa vào ô trống ngoài trời có chiều ngang 10m, chiều dài 17m và thả thành đàn từ 40 - 50 con (bán hoang dã) nhằm để chúng cạnh tranh thức ăn, giúp thịt săn chắc. Chuồng nuôi heo nái mang bầu được thiết kế, xây dựng có vách chắn gió và mái che mưa...

 Anh Dinh chia sẻ kinh nghiệm: “Mỗi giai đoạn, heo đều phải có môi trường phù hợp nên tôi đã áp dụng công nghệ công nghiệp vi sinh và sinh học hữu cơ kết hợp thuốc thảo dược. Từ đó, con heo rừng khi cung cấp ra thị trường luôn được đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm, không chất gây hại…”.

Sau gần 10 năm chăm sóc, đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ ngành Nông nghiệp, đàn heo rừng của anh Dinh tăng trưởng rất nhanh, sản phẩm heo rừng đạt chất lượng tốt, bán được giá và luôn được khách hàng ưa chuộng. Chỉ tính riêng trong năm 2016, gần 20 tấn heo giống và heo thịt đã đem lại cho Công ty anh Dinh lợi nhuận 3 tỷ đồng và năm 2017, đạt tổng thu nhập toàn hệ thống trang trại liên kết hàng chục tỷ đồng.

Bên cạnh đó, anh Dinh còn hợp tác làm ăn với những hộ chăn nuôi khác với hình thức nuôi gia công hưởng phần trăm, bán heo giống và bao tiêu kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra, theo tiêu chí heo phải đạt chất lượng là: Lúc nhỏ có sọc dưa, lớn lên có màu nâu bò; dáng thon, lưng thẳng; nạc tới da, lông 3 chân, thịt đỏ… Đặc biệt là phải được nuôi bằng thức ăn tự nhiên hoặc cho heo ăn bằng thảo dược càng tốt. 

Giám đốc Đoàn Phan Dinh cho biết: “Văn hóa ẩm thực của Việt Nam mình có rất nhiều món ăn chế biến từ thịt heo. Do đó tôi thấy con heo là một loài động vật rất gần gũi với bà con nông dân mình, thế thì không có lý do gì mà lại không tận dụng khoa học kỹ thuật để giúp đỡ bà con tăng thu nhập góp phần phát triển kinh tế cho quê hương.

Vì bản thân tôi là một kỹ sư trong lĩnh vực này nên tôi hoàn toàn có thể hỗ trợ cho bà con quê hương mình. Mong muốn cuối cùng của tôi là mang lại giá trị thịt heo an toàn cho tất cả mọi người, có thể đến một lúc nào đó món thịt heo rừng sẽ trở thành món ăn chủ đạo trong mỗi bữa ăn và thay thế dần thịt heo trắng truyền thống”.

Định hướng sắp tới của kỹ sư Dinh là triển khai thực hiện Dự án “nuôi heo rừng theo hướng bản địa”, tiếp tục mở rộng mô hình trang trại nuôi “heo rừng sạch, an toàn, chất lượng” khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi để tìm thêm nguồn hỗ trợ phát triển kinh tế của Nhà nước và tạo chất lượng đồng loạt cho heo rừng ở miền Tây Nam bộ.

Công ty TNHH SX, TM, DV Heo rừng đang có kế hoạch mở các lớp chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp nguồn giống và bao tiêu kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra… nhằm tiếp tục đưa ra sản phẩm “heo rừng sạch, an toàn, chất lượng”… đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mang đến lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Không chỉ chú tâm phát triển chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, kỹ sư Đoàn Phan Dinh - Giám đốc Công ty TNHH SX, TM, DV Heo Rừng còn thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật để phát triển bền vững thông qua việc thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế Nhà nước kịp thời, đầy đủ… đúng luật định

Đọc thêm