Ổn định sản xuất từ… suất cơm công nhân

(PLO) - Đằng sau các cuộc lãn công, đình công là một cuộc sống còn quá nhiều kham khổ của anh chị em công nhân từ bữa cơm, chén nước. Chăm lo cho đời sống của người lao động mới chính là sự ổn định từ “gốc”. 
Anh Ngô Văn Đ. công nhân KCN Phố Nối A (Hưng Yên): “Ăn cho qua bữa, chứ sức thanh niên phải ăn gấp 3 lần thế này mới đủ…”
Anh Ngô Văn Đ. công nhân KCN Phố Nối A (Hưng Yên): “Ăn cho qua bữa, chứ sức thanh niên phải ăn gấp 3 lần thế này mới đủ…”
7 – 15 nghìn đồng một suất cơm
Một vài khu công nghiệp (KCN) trên một số tỉnh, thành hiện nay có thể nói chưa thực sự chú trọng đến vấn đề ăn uống của công nhân. Trò chuyện với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, T.H - một công nhân tại Nhà máy Sumiden thuộc KCN Phố Nối B giãi bày: “Chúng em làm ở đây lương không cao, lại hay bị tăng ca. Còn cơm ở trong công ty thì chán lắm, mỗi bữa có 2, 3 miếng thịt toàn mỡ, một quả trứng và nước rau. 15 nghìn một suất chắc chỉ thế thôi chị ạ”.
T.H còn cho biết thêm: “Cách đây vài năm, cơm trong công ty có 7.000 đồng một suất. Nói chung đã là kiếp đi làm thuê, chỉ cần ăn chứ không cần ngon, rẻ là được”. Nói thì nói vậy nhưng chắc chắn rằng chẳng ai không muốn được “ăn ngon, mặc đẹp” cả. 
Người viết được bạn mời vào “ăn” một suất cơm tại Công ty Việt Hưng thuộc KCN Như Quỳnh (Hưng Yên). Suất cơm trưa hôm đó gồm có 4 miếng cà muối bổ ngang, một miếng chả lá lốt bên trong toàn mỳ tôm và thịt “lằng nhằng”, vài miếng đậu phụ rán và một cốc canh rau loãng. Hàng trăm công nhân ngồi ăn trong cái nóng hầm hập tại tầng trên cùng của Công ty.
“Phải làm việc 8 tiếng/ngày trong môi trường toàn bụi, khói và tiếng ồn, trưa nào cũng nhắm mắt nhắm mũi vào căng-tin của công ty ăn cơm đến nghẹt thở. Nói là ăn chứ thực chất là nuốt chửng. Ăn cho qua bữa, chứ sức thanh niên phải ăn gấp 3 lần thế này mới đủ…”,  - anh Ngô Văn Đô, một công nhân có tuổi nghề ngót 6 năm tại KCN Phố Nối A chia sẻ.
Không chỉ là bữa ăn
Đã có không ít cuộc đình công liên quan đến phần ăn trưa, cùng đó là hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, tuy nhiên vấn đề có vẻ như vẫn chậm được cải thiện, trong khi rõ ràng là khó có thể nâng cao năng suất, gia tăng năng lực cạnh tranh khi không chăm lo đúng mức cho nguồn nhân lực, từ những nhu cầu cơ bản nhất như ăn uống. 
Nhà máy Canon thuộc KCN Thăng Long (Đông Anh) được các công nhân “đầu quân” đông đảo mà một trong những lý do là đảm bảo tốt nhu cầu ăn uống của người lao động. Tại nhà máy này, mỗi một suất cơm công nhân được định mức là 23 nghìn đồng với đủ 4 món. Hoàng Văn Thủy - sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đang thực tập tại đây cho biết: “Trời nóng ăn gì cũng chán, nhưng phải nói là đồ ăn tại công ty ngon, đủ món, hơn hẳn mấy công ty bên cạnh. Em thấy bên công ty khác, các anh chị trong xóm trọ kêu ca lắm”.
Những ai có dịp ghé thăm Nhà máy Samsung cũng bất ngờ trước sự mát mẻ, sạch sẽ và lịch sự của căng-tin công nhân. Mỗi người một khay, thức ăn phục vụ theo yêu cầu, có đủ sữa đậu nành, nước ngọt và trái cây tráng miệng. Công nhân ăn trưa tất cả đều miễn phí. Chỉ nhìn qua hệ thống thu nhận khay, cốc nước, thìa, đũa, thức ăn thừa sau khi ăn cũng đã thấy sự hiện đại và tiện ích đến từng chi tiết nhỏ. 
Nhưng cả hai ví dụ trên đều là nhà máy của các thương hiệu lớn. Những đơn vị  đối xử “đẹp” với công nhân như vậy có thể thấy là không nhiều. “Cần thấy rằng chăm lo chén cơm, ly nước cho người lao động không chỉ góp phần nâng cao năng suất mà còn biểu thị cho một mối quan hệ sản xuất văn minh, là “viên gạch” đầu tiên xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững” – TS.Nguyễn Văn Vịnh, một nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ.
Thị trường tiềm năng
Riêng căng-tin tại Nhà máy Samsung mỗi ngày sử dụng hết 9 tấn gạo, 20.000 quả dưa hấu, 10.000 quả trứng… Thực sự thì thị trường cung cấp suất ăn cho các KCN là một thị trường hết sức màu mỡ nhưng chưa được đầu tư, khai thác đúng mức.
Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, đa phần các bếp ăn tập thể đều được cung cấp nguyên liệu bởi những thương nhân địa phương. Gặp người trọng chữ tín thì coi như công nhân có thể gặp may, bởi trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm lộn xộn hiện nay, khó ai có thể đảm bảo được nguồn gốc thực phẩm như thế nào. 
Đã có nhiều ý kiến phân tích, một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến vụ việc xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng vừa qua có phần xuất phát từ đời sống còn kham khổ của người lao động. Đó chính là điều kiện để kẻ xấu lợi dụng kích động công nhân biểu tình, gây rối. Một tiếng chuông cảnh tỉnh các doanh nghiệp, nhà quản lý đảm bảo nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống công nhân, không chỉ là bữa ăn. Mặt khác, cũng đến lúc chú trọng, xây dựng và vận hành một thị trường xứng tầm cung cấp suất ăn cho các nhà máy, KCN.

Đọc thêm