Quyết tâm đưa Tây Đô trở thành “điểm sáng” về thu hút đầu tư

(PLO) - Đó là khẳng định đầy tâm huyết của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống khi trao đổi với Pháp luật Việt Nam đầu xuân mới về những triển vọng, cơ hội hợp tác đầu tư vào TP sau hai năm TP thực hiện Chủ đề “Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế”.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống

Ông Thống cho biết thêm, qua 2 năm triển khai thực hiện Chủ đề “Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế”, có thể nhận thấy kinh tế TP Cần Thơ được duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, GRDP (giá so sánh 2010) năm 2017 ước đạt trên 66.627 tỷ đồng, tăng 7,83% so với năm 2016; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,07%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,23%; dịch vụ tăng 8,71%. GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 72,6 triệu đồng, tăng 11,2% (tương đương tăng 7,3 triệu đồng) so với năm 2016.

Kế đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP xếp thứ 11/63 tỉnh, TP trên cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2016 và tăng 4 bậc so với năm 2015, xếp TP vào nhóm có chỉ số chất lượng điều hành tốt, có môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện được cộng đồng doanh nghiệp công nhận.

TP cũng tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách; kịp thời xử lý những rào cản, kiến nghị, tạo thuận lợi tối đa, tiết kiệm giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công. Năm 2017, tổng vốn đầu tư trên địa bàn là 55.860 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2016. 

Có thể nói, TP đã đạt được những thành tựu quan trọng trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện. Trong 2 năm (2016 - 2017), TP cấp mới 2.618 doanh nghiệp các loại hình, với tổng vốn đăng ký đạt 10.989,619 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP lên 7.213 doanh nghiệp; Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2017 tăng 7,25% so với năm 2016; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt 106.041 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2016; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 1.768,9 triệu USD, tăng 13,9% so với năm 2016; dịch vụ thu ngoại tệ 369,9 triệu USD, tăng 5,7% so với năm 2016.

Bên cạnh đó, TP triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức như: Hội nghị xúc tiến đầu tư, tọa đàm đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, hội thảo, sách giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư, qua đó thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến TP tìm hiểu tiềm năng thế mạnh, chính sách và cơ hội đầu tư.

Năm 2017, TP đón 426 đoàn với 2.433 lượt khách nước ngoài (tăng 53 đoàn với 663 lượt người so với cùng kỳ năm 2016); trong đó, tiếp và làm việc 90 đoàn khách cấp cao nước ngoài, các tổ chức quốc tế; tổ chức 90 cuộc hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài, tăng 17%; cho phép 107 đoàn với 416 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài (tăng 25 đoàn so cùng kỳ 2016) với 416 lượt (tăng 182 lượt so cùng kỳ 2016).

Tổ chức Hội thảo khởi động thực hiện Chương trình 100 TP có khả năng chống chịu tại TP Cần Thơ. Đặc biệt các hoạt động bên lề Hội nghị năm APEC 2017 tại TP Cần Thơ, Hội nghị phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thích ứng biến đổi khí hậu. Duy trì thông tin và văn hóa đối ngoại với các nước...

Với quyết tâm của lãnh đạo TP và các ngành, các cấp đã từng bước đưa vùng đất “Tây Đô” trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư, kinh doanh, sức cạnh tranh từng bước được nâng lên, hợp tác quốc tế được tăng cường. 

Từ những kết quả nổi bật qua hai năm thực hiện chủ đề năm và cùng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, theo ông, đến nay TP Cần Thơ đã thật sự trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước?

- Thực hiện chủ trương kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh và phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thông thoáng và minh bạch, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn TP ngày càng phát triển, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, có tiềm năng và nội lực cấp vùng.

Cùng với đó, Chính quyền TP luôn khuyến khích và “đồng hành cùng doanh nghiệp” trong quá trình sản xuất kinh doanh trên địa bàn thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường khởi nghiệp, đầu tư ngày càng thông thoáng và thuận lợi, hướng đến mục tiêu tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp vào năm 2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Cần Thơ đã và đang là một trong những điểm sáng về thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với TP. Môi trường đầu tư, kinh doanh tại Cần Thơ luôn được đánh giá cao, được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước ghi nhận.

Có thể khẳng định, việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XII đã góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo sức bậc mới cho TP. Các ngành thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, đa dạng, mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống và hội nhập quốc tế. Cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn chỉnh, các quy hoạch phát triển ngành lĩnh vực được phê duyệt bước đầu đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư.

Mặc dù chưa phải là các ngành có tính cạnh tranh tuyệt đối so với các địa phương trong cả nước, nhưng có thể khẳng định thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin, y tế,… là những ngành có tính cạnh tranh của TP. Với sự quyết liệt của chính quyền TP và sự đầu tư phù hợp, trong thời gian tới, các ngành này hoàn toàn có thể trở thành các ngành có tính cạnh tranh thực sự của TP không chỉ trong cả nước mà còn so với khu vực ASEAN.

Tiếp nối những thành công trong năm 2017, năm 2018 TP tiếp tục đề ra những khâu đột phá nào nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định trên địa bàn, cũng như làm cơ sở mời gọi thu hút đầu tư cho TP?

- Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm 2018 TP Cần Thơ triển khai đồng bộ có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế nhanh, bền vững; đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; xây dựng và phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại; thực hiện tốt giải quyết việc làm, an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; trong đó, tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm:

Đó là việc thúc đẩy kinh tế phát triển qua việc hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp mới theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ; thu hút đầu tư  và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, duy trì trong top 10 trong cả nước và nhóm 3 của các tỉnh khu vực ĐBSCL về Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI. Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp; thực hiện chuyển đơn vị sự công lập đủ điều kiện thành công ty cổ phần có hiệu quả. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư thương mại ở nước ngoài, chú trọng thị trường mục tiêu như: Campuchia, Lào, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, đưa các quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, các biên bản thỏa thuận đã được ký kết đi vào thực tế, đạt hiệu quả.

Thứ hai là xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; thực hiện có hiệu quả việc cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, triển khai đăng ký doanh nghiệp qua mạng theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tiếp tục rút ngắn thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đồng thời đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, thực sự trở thành động lực phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tập trung nghiên cứu các ứng dụng công nghệ ưu tiên như: Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ chế tạo và các lĩnh vực có liên quan phục vụ kinh tế - xã hội của TP.

Bên cạnh đó, TP sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tập trung nguồn lực xây dựng các công trěnh trọng điểm, thiết yếu. Phối hợp với các Bộ ngành trung ương và các địa phương trong vùng triển khai thực hiện các dự án, chương trình của vùng đã được quy hoạch, nhất là các dự án giao thông; tăng cường hoạt động hệ thống cảng biển; đề xuất mở các tuyến hàng không quốc tế đến Cần Thơ, các tuyến lộ liên tỉnh, liên vùng để kết nối Cần Thơ với các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước, khu vực và quốc tế. Tiếp tục vận động tài trợ cho các dự án ưu tiên đầu tư, tập trung chủ yếu vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, du lịch, logistic, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin...; các dự án trong kế hoạch kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Ông có thể cho biết trong năm 2018, Cần Thơ ưu tiên tập trung kêu gọi đầu tư những dự án trọng điểm nào nhằm phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP? 

- Bên cạnh tập trung kêu gọi đầu tư các dự án theo danh mục đã được thông qua. Cùng với đó, TP đẩy mạnh kêu gọi xúc tiến đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao Cần Thơ; các dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (Xây dựng đường 918 với diện tích 23,93 ha, dự kiến vốn đầu tư 1.026 tỷ đồng; nâng cấp cải tạo đường tỉnh 923 với diện tích 38,5ha, dự kiến vốn đầu tư 1.104,8 tỷ đồng…); khu du lịch Cồn Sơn (diện tích 74,4 ha, dự kiến vốn đầu tư 1.125 tỷ đồng). 

Ngoài ra, TP đang xúc tiến thu hút, kêu gọi đầu tư nhà đầu tư Nhật Bản vào khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản (khoảng 30ha) thuộc Khu Công nghiệp Hưng Phú I; Dự án Trung tâm Logistics nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu (giai đoạn 1: khoảng 70ha).

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm