Văn hóa doanh nghiệp thời kỳ 4.0: Công nghệ càng phát triển, văn hóa càng phải cao

(PLO) - Theo TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đối thủ cạnh tranh có thể sao chép tất cả mọi thứ, chỉ trừ một thứ duy nhất không thể sao chép hay vay mượn được, đó chính là văn hóa doanh nghiệp (VHDN). Do vậy, công nghệ càng phát triển thì VH càng phải cao.
Cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho cả DN và người tiêu dùng và VHDN giúp DN giữ chân được khác hàng
Cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho cả DN và người tiêu dùng và VHDN giúp DN giữ chân được khác hàng

Văn hóa doanh nghiệp là sự hài lòng của khách hàng

Lý giải cho sự phát triển của các thương hiệu lớn vươn tầm quốc tế như Viettel, Vinamilk hay FPT, Thế Giới Di Động…, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh các yếu tố về chiến lược, quản trị, bí quyết kinh doanh… thì VHDN giữ vai trò rất quan trọng. Có nhiều cách hiểu về VHDN song dưới góc độ người tiêu dùng, cảm giác thiện cảm, thoải mái và tin tưởng sẽ khiến họ ấn tượng trở lại DN đó những lần sau.

Trong một lần chia sẻ về bí quyết xây dựng VHDN, ông Nguyễn Đức Tài, CEO Thế Giới Di Động thừa nhận, lúc mới lập Thế Giới Di Động, ông chịu áp lực phải kiếm tiền. Lúc đó, ông cũng như bao người khác, chỉ “chăm chăm vào túi tiền của khách hàng”. Nhưng càng làm ông càng thấy cách thức ấy ngắn hạn. “Muốn bền vững, quan trọng là phải làm hài lòng khách hàng. Khách hàng hài lòng thì sẽ trở nên gắn bó và giới thiệu thêm khách hàng mới…” - ông Tài đúc rút kinh nghiệm.

Định hướng của Thế Giới Di Động thực ra không mới. Hàng trăm, hàng ngàn DN vẫn lấy câu “Khách hàng là thượng đế” làm tôn chỉ nhưng họ đã không thành công. Vấn đề nằm ở khoảng cách giữa nói với làm. Theo ông Tài, mọi DN đều có thể nói, thậm chí còn nói lời cao siêu, hoa mỹ, hùng hồn. Nhưng để các giá trị, định hướng ấy được “sống”, được thực hiện nhất quán là cả quá trình. Thế Giới Di Động đã cụ thể hóa các yếu tố làm nên sự hài lòng khách hàng theo hướng dễ hiểu, đơn giản, để mỗi nhân viên hiểu đúng. Công ty cũng nghĩ cách sao cho mọi nhân viên đều nhận thức, suy nghĩ giống với quan điểm của Công ty…

Với FPT, khởi điểm là những nhà khoa học trở về từ nước ngoài, chưa có nhiều kiến thức về quản trị kinh doanh. Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên, những người sáng lập đã có những ước mơ và định hướng cho FPT rất rõ ràng. “Khoa học công nghệ phải thay đổi được quốc gia và đem đến sự hưng thịnh cho đất nước” là ước mơ của ông Trương Gia Bình cùng những cộng sự. Từ đây cũng chính là khởi đầu cho một “nền VH FPT” với phong cách làm việc phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, tiền đề cho một tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm tại Việt Nam…

Đầu tư văn hóa doanh nghiệp - Thời gian hay tiền bạc?

Để có một Viettel, FPT hay Thế Giới Di Động,... là cả một quá trình và bản thân DN đã định hướng từ đầu. 

Ông Phạm Đức Bình, CEO Công ty CP Công nghệ BNC Việt Nam lý giải: “Có một câu nói về VHDN là: "Đừng nghĩ khi có tiền mới làm thương hiệu". Trên thực tế, trên 80% các DN khởi nghiệp ở nước ta nghĩ rằng họ chưa có tiền nên chưa làm thương hiệu. Đó là cách nghĩ chưa đúng, bởi họ hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động hàng ngày của tổ chức, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm của họ, về sự độc đáo trong VH của họ tới khách hàng và công chúng…”.

Đề cập đến vai trò của VHDN, Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc đưa ra hình ảnh ví von: Nếu coi DN như ngôi nhà, tinh thần thì VHDN và CMCN 4.0 đều là những trụ cột. Nếu coi DN là một cỗ xe thì động cơ chắc chắn là tinh thần DN, tay lái là VHDN và bánh xe là CMCN 4.0. Nếu VH là ngọn đuốc soi đường thì xây dựng VHDN là hành trình thắp lửa, không ai khác chính là các doanh nhân, nhà lãnh đạo DN phải là người thắp lửa. Thiếu VH thì DN như ngôi nhà thiếu trụ cột, như cỗ xe không có tay lái, như hành trình thiếu ngọn đuốc soi đường. Bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các DN cho thấy không thể có một thương hiệu mạnh và bền vững nếu thiếu một nền tảng VHDN mạnh.

Theo PGS, TS Đỗ Minh Cương, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển VHDN Việt Nam: “Nếu biết tận dụng cơ sở hạ tầng và nhu cầu của CMCN 4.0, nhiều DN startup non trẻ có thể được trả giá ngang với giá trị của nhiều tập đoàn kinh doanh truyền thống có tuổi đời gấp vài lần tuổi người sáng lập. Đây chính là điều mà các nhà lãnh đạo, doanh nhân và chuyên gia nói về lợi thế đặc biệt của Việt Nam, có thể lên tàu 4.0 nhanh nhẹn, gọn gàng vì là nước đi sau, phát triển chậm so với thế giới…”. Vấn đề đặt ra là việc xây dựng và quản trị VHDN của Việt Nam trong tương lai sẽ như thế nào? Theo PGS, TS Đỗ Minh Cương, ngoài 4 nguyên tắc: Tăng cường giao tiếp, tương tác; Minh bạch thông tin; Công nghệ hỗ trợ; Phân quyền ra quyết định thì sự phát triển các công nghệ và mô hình kinh doanh mới phải tuân thủ các nguyên tắc và nghĩa vụ đạo đức, nhân văn…

Theo Chủ tịch VCCI, VHDN có giá trị vĩnh hằng và phải luôn được thăng hoa. “Công nghệ càng phát triển thì VH càng phải cao. VHDN là “cái neo” nhân văn trong thời CMCN 4.0 đang diễn ra như vũ bão. VH phải dung hòa mới phát huy được sức mạnh của một thế giới đa chiều cạnh và siêu kết nối…”. 

Đọc thêm