Dự luật Mỹ ngăn chặn công nghệ nhận diện khuôn mặt của Trung Quốc

(PLVN) - Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của Mỹ, ông Brian Schatz, đang đề xuất dự luật ngăn các công ty của những quốc gia như Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, Iran... tham gia chương trình Kiểm tra Công nghệ Nhận diện Khuôn mặt của Nhà cung cấp (FRVT) thuộc Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST). 
Công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ sớm được phổ biến ở Trung Quốc trong tương lai
Công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ sớm được phổ biến ở Trung Quốc trong tương lai

FRVT được xem là tiêu chuẩn vàng để quyết định độ tin cậy của các phần mềm nhận diện khuôn mặt. Kết quả thẩm định từ FRVT thường xuyên được các công ty trích dẫn như thước đo độ tin cậy của họ và được các doanh nghiệp cũng như nhà hoạch định chính sách khuyến nghị khi mua công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Nguy cơ “làm suy yếu các quy định bảo vệ quyền dân sự và riêng tư”

Còn nhiều bước trước khi dự luật của Schatz được đưa ra bỏ phiếu tại quốc hội Mỹ và chỉ 5% dự luật do các nghị sĩ đề xuất được lưỡng viện thông qua, song sáng kiến của Schatz đã phản ánh một xu thế đang diễn ra ở Mỹ nhằm kiểm soát việc phổ biến công nghệ Trung Quốc do những lo ngại về an ninh quốc gia.

Theo Timothy Heath, nhà nghiên cứu từ tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu Rand Corporation, dự luật do Schatz đề xuất cho thấy rõ ràng mối quan tâm của chính quyền Mỹ xung quanh việc chính phủ Trung Quốc sử dụng các công nghệ số hóa để giám sát người dân.

"Dự luật cũng phản ánh mối lo lắng ở Washington về xu hướng phổ biến các công nghệ như vậy trên khắp thế giới, có thể làm suy yếu các quy định bảo vệ quyền dân sự và riêng tư của người dân trên toàn cầu", Health nói.

Một trong những dẫn chứng “làm suy yếu các quy định bảo vệ quyền dân sự và riêng tư của người dân”, có thể nói tới việc Trung tâm quản lý công viên thành phố Bắc Kinh mới đây cho biết lượng khách nội địa tới thủ đô trong ba ngày nghỉ lễ tết Thanh Minh (5-7/4) tăng cao, dẫn tới những "hành vi du lịch kém văn minh" như trèo cây hoa đào, hái hoa, bẻ cành, câu cá, bán đồ trái phép.

Cơ quan này đang cân nhắc lập danh sách đen những khách có hành vi xấu bằng cách sử dụng phần mềm nhận dạng gương mặt và các công nghệ giám sát khác để theo dõi và ngăn chặn họ tái phạm.

Năm 2017, công viên Thiên Đàn ở Bắc Kinh cũng đã lắp máy quét nhận dạng khuôn mặt trong nhà vệ sinh để ngăn nạn trộm cắp giấy. Khách đến công viên phải soi mắt vào thiết bị đọc mới được giấy ra, ai cần nhiều giấy hơn sẽ phải đợi đến… 9 phút.

Trung Quốc gần đây tăng cường quản lý và giám sát khách du lịch. Năm 2016, Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã đưa 20 người có tiền sử hành vi xấu vào danh sách đen cần bị hạn chế di chuyển. Hai trong số những người bị liệt vào danh sách đen này từng khiến một máy bay từ Bangkok tới Nam Kinh, Trung Quốc phải quay đầu giữa hành trình vì cãi nhau với tiếp viên, một người từng ngăn máy bay cất cánh bằng cách mở cửa thoát hiểm.

Một người dân ở Tô Châu trình “điểm số tín nhiệm công dân” của mình để được mượn sách nhiều hơn và nhanh hơn
Một người dân ở Tô Châu trình “điểm số tín nhiệm công dân” của mình để được mượn sách nhiều hơn và nhanh hơn

Năm ngoái, danh sách đen tăng lên tới hơn 670 người, trong đó có những người làm gián đoạn chuyến bay, hút thuốc trên tàu hỏa, không trả lời yêu cầu của tòa án hoặc tham gia giao dịch chứng khoán trái phép. Những người trong danh sách đen có thể bị cấm lên một số hoặc tất cả các chuyến bay và tàu hỏa trong tối đa 12 tháng. 

Danh sách này được coi là bước khởi đầu của "hệ thống tín nhiệm xã hội" được đề xuất áp dụng trên toàn quốc nhằm giám sát và theo dõi hành vi công dân. Những người có điểm tín nhiệm kém có thể bị hạn chế di chuyển, vay tiền từ ngân hàng hoặc bị cấm tham gia một số ngành nghề kinh doanh.

“Mục tiêu ngăn chặn mới” của Mỹ

Hồi tháng 5/2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen, khiến họ không thể mua linh kiện và công nghệ của công ty Mỹ. Washington cũng gây sức ép buộc các đồng minh hạn chế hoặc cấm Huawei tham gia triển khai mạng lưới 5G trên đất nước họ.

Trong cuộc "chiến tranh công nghệ" đang ngày càng trở nên căng thẳng giữa hai nước, các công ty công nghệ nhận diện khuôn mặt Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của đòn triệt hạ tương tự từ Mỹ.

Những công ty này vài năm gần đây được FRVT đánh giá với điểm số rất tốt. Hàng chục nước như Singapore, Thái Lan, Philippines, Pakistan, Zimbabwe hay Ecuador đã mua sản phẩm của họ để sử dụng cho nhiều mục đích, từ trang bị camera gắn trên người cảnh sát, đến lắp đặt mạng lưới camera giám sát an toàn, an ninh trên đường phố.

Năm 2018, có 5 công ty Trung Quốc, trong đó có YITU Technology ở Thượng Hải và SenseTime ở Bắc Kinh, đã chiếm 5 vị trí dẫn đầu trong bảng đánh giá thuật toán nhận diện khuôn mặt của FRVT. Các nhà cung cấp công nghệ nhận diện khuôn mặt và truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi kết quả trên là “minh chứng cho sức mạnh vượt trội của Trung Quốc trong lĩnh vực này”.

Dù vậy, gần đây, truyền thông Mỹ đăng các bản tin cho rằng chính quyền Tổng thống Trump có thể áp đặt các biện pháp hạn chế đối với những nhà phát triển sản phẩm nhận diện khuôn mặt Trung Quốc, giống như đã làm với Huawei.

Hôm 12/6, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, một trong những người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc và có tầm ảnh hưởng ở quốc hội Mỹ, đã gửi thư cho công ty MSCI, nhà cung cấp các chỉ số chứng khoán toàn cầu có trụ sở ở New York, yêu cầu họ giải thích về những khoản đầu tư ở một số công ty Trung Quốc, bao gồm cả Hikvision, nhà cung cấp phần mềm nhận diện khuôn mặt.

Khách tham quan bị ghi hình bằng camera an ninh Trí tuệ Nhân tạo (AI) trang bị công nghệ nhận diện gương mặt tại triển lãm quốc tế về An ninh và An toàn Công cộng ở Trung tâm Triển lãm Quốc tế Bắc Kinh hồi tháng 10/2018
Khách tham quan bị ghi hình bằng camera an ninh Trí tuệ Nhân tạo (AI) trang bị công nghệ nhận diện gương mặt tại triển lãm quốc tế về An ninh và An toàn Công cộng ở Trung tâm Triển lãm Quốc tế Bắc Kinh hồi tháng 10/2018

Hikvision, công ty sản xuất thiết bị giám sát thuộc sở hữu nhà nước, có trụ sở ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, đã xuất khẩu công nghệ nhận diện khuôn mặt cho nhiều nước, trong đó có Singapore và Zimbabwe. Công ty này bị cáo buộc đã hỗ trợ chính quyền Trung Quốc thực hiện các hoạt động giám sát với cộng đồng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc này.

Dự luật do Schatz khởi xướng có một điều khoản yêu cầu Ngoại trưởng và Bộ trưởng Thương mại Mỹ trong vòng 12 tháng phải nộp báo cáo đánh giá tình hình sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và công nghệ trí tuệ nhân tạo khác bị cho là được các chính phủ nước ngoài sử dụng cho mục đích "quản lý độc đoán".

Yun Sun, học giả cao cấp từ Trung tâm Stimson, nhận định Washington giờ đây gần như đã đồng thuận tuyệt đối trước những nghi ngờ về công nghệ nhận diện khuôn mặt của Trung Quốc. "Thực sự đáng lo ngại khi Trung Quốc đang xuất khẩu các công nghệ và thiết bị này đến nhiều nước khác. Tôi nhận định chắc chắn dự luật của Schatz sẽ được ủng hộ rộng rãi", Sun đánh giá.

"Bầu không khí ở Washington về các vấn đề riêng tư trên không gian số, mối quan hệ và hợp tác khoa học - công nghệ với Trung Quốc đang chuyển biến xấu. Với ba yếu tố trên, dự luật này nhiều khả năng sẽ được thông qua", Sourabh Gupta, học giả cấp cao từ Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung ở Washington, bình luận.

Hệ thống chấm điểm công dân của Trung Quốc, trong đó công nghệ nhận diện khuôn mặt là một công cụ thu thập dữ liệu, lâu nay làm dấy lên lo ngại về tự do cá nhân. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hồi tháng 10/2018 từng gọi đây là "hệ thống tập trung vào việc kiểm soát hoàn toàn mọi mặt đời sống của con người".

Những cơ quan kiểm soát việc chấm điểm có thể lạm dụng quyền lực và "trừ điểm oan" công dân. Ngoài ra, hệ thống này đòi hỏi xây dựng một hệ thống dữ liệu lớn. Và việc đảm bảo an toàn dữ liệu cũng là một vấn đề "đau đầu" bởi những hệ thống dữ liệu tập trung luôn là "mồi ngon" của tin tặc. 

Đọc thêm