Bí ẩn hành trình tìm lại gốm Chu Đậu

(PLO) - Nghề gốm Chu Đậu (Hải Dương) là nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam có từ thế kỷ 14 – 15 nhưng bị thất truyền do chiến tranh loạn lạc. Hành trình tìm lại và khôi phục làng gốm được coi là “tinh hoa văn hóa Việt” này là một quá trình gian nan và chứa đựng nhiều bí ẩn. 
Gốm cổ
Gốm cổ
Bí ẩn gốm Chu Đậu
Câu chuyện bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước. Thời bấy giờ, ông Nguyễn Văn Lưu (Giám đốc Xí nghiệp Gốm Chu Đậu) nói, thông tin về làng gốm cổ truyền vẫn đang còn là một bí ẩn. Trước đó, làng gốm cổ chỉ đang là “nghi vấn” với những sản phẩm tìm thấy được ở đây. Rồi một ngày, cả tỉnh Hải Hưng (cũ) xôn xao vì một bức thư của ông Makoto Anabuki, quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản. 
Qua thư, ông nhờ ông Ngô Duy Đông (nguyên Bí thư Tỉnh ủy) xác minh về một cổ vật ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Món đồ đó là một chiếc bình gốm cổ mà ông Anabuki thấy ở Bảo tàng Topkapi Saray. Chú thích của chiếc bình là “Bình gốm Trung Hoa”, một trong bộ “Tứ bảo quốc” của Thổ Nhĩ Kỳ. 
Điều đặc biệt là trên chiếc bình gốm có dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”. Vốn am hiểu về Hán Nôm, ông Anabuki dịch được dòng chữ đại ý là : “Năm Thái Hòa thứ 8 (1450), tại châu Nam Sách, nghệ nhân Bùi Thị Hý viết (vẽ)”.
Nhận thấy đó là một chiếc bình gốm của Việt Nam sản xuất, lại có những đường nét hết sức độc đáo, tinh xảo, ông Anabuki đã gửi một bức thư đến chính quyền tỉnh Hải Hưng. Nhận được bức thư, Tỉnh ủy Hải Hưng lập tức tổ chức nghiên cứu về dòng chữ trên chiếc bình cổ. Nhưng đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Trong đoạn “Bùi Thị Hý bút”, hầu hết các ý kiến đều cho rằng dòng chữ đó dịch là ông họ Bùi viết chơi (hý có nghĩa là chơi). Vào thế kỷ 15, không có chuyện người phụ nữ được khắc tên trên các tác phẩm thủ công.
Một khâu trong quy trình sản xuất gốm.
Một khâu trong quy trình sản xuất gốm.
Câu chuyện nóng lên khi có một người khi ngồi nghỉ ở một bờ ao ở trong làng thì bị trượt chân phải bám vào vách đất, không ngờ vách đất lở ra để lộ rất nhiều sản phẩm gốm cổ đã bị chôn vùi từ rất lâu. Nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương cho rằng nơi này rất có thể ngày xưa đã từng là một làng nghề gốm thủ công. 
Đến năm 1986, việc khai quật được tiến hành. Khi khai quật, người ta đã phát hiện ra hàng ngàn cổ vật gốm vô giá ở dưới độ sâu khoảng 2m. Từ đó đến năm 1991, nhiều cuộc khai quật nữa đã lại được tiến hành và rất, rất nhiều những sản phẩm gốm độc đáo, đặc sắc tiếp tục được tìm thấy. Đến khi đó người dân Chu Đậu mới biết rằng từ xa xưa, trên vùng đất này đã hình thành nên một thương hiệu gốm cổ nổi tiếng. 
Theo tư liệu nghiên cứu của nhiều nhà sử học, trước đây Chu Đậu là làng sản xuất gốm đại trà, nhưng sau đó do cuộc chiến Lê – Mạc, cả làng bị san phẳng và nghề gốm ở nơi đây đã bị thất truyền.
Sau đó một thời gian, ông Bùi Bích Lợi (Gia Lộc, Hải Dương) đã đưa cuốn gia phả của dòng họ đến gặp nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành và cho biết, trong gia phả của gia đình có một người tên là Bùi Thị Hý. Qua cuốn gia phả chữ Hán, bà Bùi Thị Hý là con của cụ Bùi Đình Nghĩa, cháu của cụ Bùi Quốc Hưng. 
Cụ Bùi Quốc Hưng là 1 trong 18 người ở hội thể Lũng Nhai. Cụ tham gia cuộc chiến chống quân Minh cùng với Lê Lợi và đã được phong tướng, cấp đất. Còn bà Bùi Thị Hý vốn là một người con gái có trí tuệ tuyệt vời. Bà từng giả trai thi đỗ Tam Trường. Giả trai đi thi đến tiến sỹ thì thân phận phụ nữ của bà bị phát hiện và bà bị đuổi khỏi trường thi.
Sau khi bị đuổi khỏi trường thi, bà Bùi Thị Hý có lấy một thương nhân làm gốm người Chu Đậu tên là Đặng Sỹ. Ông Đặng Sỹ mất, bà lấy ông Đặng Phúc, chính là người đã viết cuốn gia phả trên. Trong cuốn gia phả của ông Đặng Phúc còn miêu tả chuyện bà Bùi Thị Hý và ông Đặng Sỹ đã từng vận chuyển gốm giao thương qua đường biển và đã không ít lần gặp bọn cướp biển. 
Bà Bùi Thị Hý cũng đã từng vẽ một chiếc đĩa gốm hình 2 chiếc thuyền buồm giáp nhau, gươm giáo tua tủa, phía dưới là những con cá mập. Bà Hý là người sản xuất ra sản phẩm và tự chở ra nước ngoài tiêu thụ. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng đã có một con đường gốm sứ trên biển từ Chu Đậu đi.
Người ta đã tìm được nhiều vật dụng đáng giá của bà, trong đó nổi bật là cái la bàn có chữ “Chu Hải Thứ”. Cuốn gia phả ghi chiếc la bàn đó là do cháu của nhà hàng hải nổi tiếng Trịnh Hòa của Trung Quốc tặng. Hiện nay phần mộ của bà Bùi Thị Hý cũng đã được xác định, làm sáng tỏ hoàn toàn về “tổ sư” của làng gốm Chu Đậu nức tiếng một thời. 
Bình hoa lam.
 Bình hoa lam.
Phục dựng làng nghề từ con tàu đắm
Ông Nguyễn Hữu Hiệp (Xí nghiệp Gốm Chu Đậu) kể lại: Vào những năm 1992, phong trào đồ cổ rộ lên ở Hội An (Đà Nẵng). Người thì đến đây nghiên cứu cổ vật. Kẻ mong kiếm được những báu vật có giá trị để kinh doanh. Nhiều khách nước ngoài cũng đến đây tìm hiểu, giao thương. Các đồ cổ trên được ước đoán được sản xuất khoảng thế kỷ 14, 15. Ban đầu người ta nghi các món đồ trên do các tay ăn trộm đồ cổ đã ăn trộm ở các chùa chiền… nhưng với hoa văn tinh xảo và đặc sắc trên những sản phẩm đó đã khiến không ít người đam mê cổ vật tò mò muốn tìm hiểu lai lịch.
Một cuộc “điều tra” diễn ra. Thì ra các tay bán đồ cổ mua lại các món hàng từ dân chài lưới, đánh cá. Người dân đánh cá thường quăng lưới ở vùng biển Cù Lao Chàm cho biết thỉnh thoảng những chiếc bát, đĩa, chén, bình, lọ… bị mắc vào lưới. Đinh ninh là đồ cổ, họ đem bán ở các chợ đồ cổ mà không nghĩ rằng đó là những tài sản có giá trị vô cùng lớn về vật chất cũng như giá trị văn hóa.  
Giới thạo đồ cổ từ trong nước và từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Nhật, Anh đã có mặt. Họ nhanh chóng xác định những đồ gốm trên từ làng gốm Chu Đậu cổ. Tọa độ khu vực được khoanh vùng, cách phía đông cửa biển Hội An chừng 45km và cách Cù Lao Chàm 20km. 
Vẽ bình tì bà.
 Vẽ bình tì bà.
Sau hai năm khảo sát, người ta mới phát hiện được vị trí của một trong những con tàu đắm. Đó là con tàu đóng bằng gỗ tếch, dài 30,19m, rộng 7m và có 19 khoang, nằm sâu cách mặt nước chừng 70m. Đến tháng 6/1999, con tàu mới được khai quật hầu hết. Người ta đưa được lên hơn 400 ngàn đồ gốm chủ yếu là của Chu Đậu. 
Giới chuyên môn đánh giá cuộc khai quật con tàu đắm ở Hội An là cuộc khai quật vĩ đại và hoàn hảo nhất từ trước đến nay. Cũng từ các sản phẩm đó, các nhà nghiên cứu đã mô phỏng khôi phục lại và tạo nên một thương hiệu gốm Chu Đậu như ngày nay.