Thành phố trăm tên

(PLO) - Trước khi có được tên gọi Leeuwarden như ngày nay, thành phố của đất nước Hà Lan này đã phải trải qua 225 lần thay đổi tên gọi khác nhau trong suốt cả nghìn năm qua. 
Một góc yên bình “thành phố trăm tên” Leeuwarden
Một góc yên bình “thành phố trăm tên” Leeuwarden

Thành phố Leeuwarden nằm ở phía Bắc của tỉnh Friesland, Hà Lan. Năm 1901, thành phố có số dân 32.203 người, đến nay dân số đã tăng lên khoảng 100.000 người, nhưng trong đó du học sinh chiếm tới tận 20.000 người. Bao quanh ba mặt thành phố là các bãi bùn, vùng đất ngập nước và biển Wadden. 

Phù hiệu của Leeuwarden là một con sư tử vàng, phía trên là hình vương miện, nổi bật trên nền xanh da trời, thường xuất hiện trên những lá cờ và các tòa nhà chính phủ của thành phố. 

Những ngọn đồi nhỏ không có gió

Từ giữa thế kỷ 11 đến 19, nơi bắt đầu thay đổi tên liên tục. Do vậy, người ta gọi nó là “Thành phố trăm tên”. Trong sách Kỷ lục Guinness ghi chép, nó đã thay tên 225 lần, chứ không chỉ 100 lần như biệt danh của thành phố. Những cái tên gần đây nhất được biết đến như Leeuwarden, Ljouwert, Liwwadden, Leewadden, Luwt, Leaward hay Leoardia…

Một trong những nguyên nhân của việc này bắt nguồn từ việc Friesland là một tỉnh song ngữ, người dân có thể nói cả tiếng Frisia và Hà Lan. Do vậy, Leeuwarden sẽ có hai cách gọi là Ljouwerd (theo tiếng của người Frisia) và Leeuwarden (tiếng Hà Lan).

Một hoạt động văn hóa tại Leeuwarden
Một hoạt động văn hóa tại Leeuwarden

Ngoài ra, trong thành phố có hai ngôn ngữ địa phương, nên sẽ có tên gọi khác là Leewwadden và Liwwadden. Bên cạnh đó, nơi đây còn có sự đa dạng vùng miền, khi có tới 128 quốc tịch khác nhau tụ hội tại nơi đây, thúc đẩy sự đa dạng ngôn ngữ.

Nhà sử học Henk Oly (Trung tâm lịch sử Leeuwarden), cho biết, “Trước năm 1804, Leeuwarden không có một cái tên chính thức nào. Nó biến đổi chủ yếu thông qua cách viết và cách phát âm riêng. Ví dụ, một số người có thể viết Ljouwerd hoặc Ljouwert, vì cách phát âm chữ “d” và “t” ở Hà Lan không khác nhau nhiều. Hoặc Lyouwerd, Ljouwerd hoặc Liouwerd đều phát âm theo cùng một cách. Khi người ta kết hợp các biến thể trong cách viết, tên gọi của Leeuwarden bỗng trở nên vô tận”. 

Vì lý do trên, Leeuwarden đã “tích lũy” được rất nhiều tên gọi qua các thế kỷ. Ví dụ như trong vòng 20 năm, từ 1500 - 1520, cách đánh vần tên thành phố đã thay đổi 10 lần, cứ hai năm một lần. 

Năm 1838, Wopke Eekhoff, con trai của một thợ bạc, làm công việc chuyên viên lưu trữ của thành phố, đã quyết tâm ghi chép lại sự thay đổi trong tên gọi của thành phố này. Anh đã làm việc không biết mệt mỏi và ghi chép 400 trang về lịch sử nơi mình sinh sống. Theo cuốn sổ của Wopke Eekhoff, vào năm 1039, Leeuwarden bắt đầu có tên chính thức là Livnvert. Đến năm 1846, nó được đổi lại thành Luweden. 

Năm 1864 và 1884, Viện Khoa học Hoàng gia Hà Lan và Viện Địa lý Xã hội Hoàng gia Hà Lan xuất bản một danh sách về cách viết các địa danh của đất nước, dựa theo đúng chuẩn chính tả hiện đại. Tuy nhiên, theo lý giải của người dân bản địa, đến nay chính phủ Hà Lan vẫn chưa bao giờ ban hành một cách chính thức về cách viết tên chuẩn hóa của thành phố này.

Vì vậy, kể từ đầu thế kỷ 20, người dân đã ngầm coi tên thành phố chuẩn là Leeuwarden theo tiếng Hà Lan và Ljouwert theo tiếng Frisia. Và không chỉ Leeuwarden, nhiều tên của nhiều thị trấn và khu làng tại Hà Lan cũng chưa được chính phủ chính thức chuẩn hóa. 

“Hầu hết du khách đều nghĩ Leeu có nghĩa là sư tử, và cái tên Leeuwarden nghĩa là “thành phố sư tử”. Nhưng điều này không đúng”, một hướng dẫn viên du lịch địa phương cho biết. Trên thực tế, tên gọi hiện tại xuất phát từ “Leeu”, có nghĩa là không có gió và “warden” - những ngọn đồi nhỏ. Một ngọn đồi không nổi gió thể hiện rằng nó là vùng đất yên bình. 

Du khách thích thú với những nét đặc trưng của Leeuwarden
Du khách thích thú với những nét đặc trưng của Leeuwarden

Và đúng như ý nghĩa tên gọi, Leeuwarden tuy giống nhiều địa điểm khác tại Hà Lan, quốc gia sở hữu những ngôi nhà có mái đầu hồi, con kênh uốn khúc và làn đường dành cho xe đạp trải đầy dây thường xuân. Tuy vậy, cuộc sống ở Leeuwarden lại chậm hơn. Người dân sống một cuộc sống không hối hả. Họ cũng ý tứ và ít thẳng tính hơn những người đồng bào sống ở phía nam đất nước.  

“Thủ đô Văn hóa châu Âu” 

Leeuwarden được nhiều người nhận xét là “mớ hỗn độn nổi bật, kỳ lạ và tuyệt vời”. Nơi đây có quảng trường lịch sử Oldehoofsterkerkhof, “tòa tháp dang dở” De Oldehove từ hồi thế kỷ 16, có độ nghiêng hơn cả tháp nghiêng Pisa. Hay bảo tàng gốm sứ quốc gia Princessehof rực rỡ, nơi từng được trang hoàng các tác phẩm của nhà Minh (Trung Quốc).

Tòa thị chính, nơi người Hà Lan lần đầu tiên nghe nói về truyền thuyết về Grutte Pier, một tên cướp biển khổng lồ với sức mạnh siêu phàm. Hay các trung tâm văn hóa, rạp phim cũng là nơi du khách có thể lắng nghe câu chuyện về nhà điêu khắc nổi tiếng Hà Lan M.C.Escher (sinh ra tại Leeuwarden năm 1898). Và nữ điệp viên huyền thoại Mata Hari trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, cái tên quen thuộc với nhiều bộ phim, cũng xuất thân từ thành phố này.

Thành phố nổi tiếng này còn được ví von “Amsterdam thu nhỏ”, bởi ở đây cũng có dòng kênh thơ mộng, hai ven bờ là các dãy nhà san sát đặc trưng của lối kiến trúc cổ kính đặc trưng của xứ sở hoa tulip. 

Năm 2008, nơi này được bình chọn là Thủ đô Văn hóa châu Âu và tiếp tục đạt được danh hiệu này vào năm 2018. Leeuwarden  hứa hẹn nhiều lễ hội, nhiều bữa tiệc, nhiều hoạt động văn hóa để quảng bá văn hóa vùng đất phía Bắc này nói riêng cũng như toàn Hà Lan nói chung.

Thành phố đã từng có 225 cái tên
Thành phố đã từng có 225 cái tên

Một trong số đó không thể không nhắc tới hoạt động do chính quyền thành phố tiến hành, đó là xây dựng một tòa nhà dành riêng để triển lãm 6.720 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới như Thụy Điển, Swabian, Suwawa, Suruí do Pará… và dĩ nhiên không thể thiếu chữ Frisia bản địa. 

“Chúng tôi đang cố gắng đem lại sự cân bằng cho ngôn ngữ, và có lẽ trên thế giới không có nơi nào làm tốt việc này hơn ở Leeuwarden”, giám đốc dự án về ngôn ngữ, nói về việc thay đổi tên quá nhiều lần của thành phố, “Đây là một tỉnh song ngữ, bao gồm người Frisia, Hà Lan và 128 quốc tịch sống ở Leeuwarden. Vì vậy, Leeuwarden xứng đáng được tôn vinh về sự đa dạng, cũng như thúc đẩy đa ngôn ngữ”. 

Hiện nay, gần một nửa số ngôn ngữ trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng tại đây, gần như toàn bộ ngôn ngữ trên thế giới đều được sưu tầm và bảng chữ cái của mỗi ngôn ngữ còn được khắc trên một tấm gỗ. 

Ông Ferd Crone, Thị trưởng Thành phố Leeuwarden, cho biết: “Chúng tôi muốn giao lưu văn hóa với những nơi khác của châu Âu để có thể cùng nói về các vấn đề chung như biến đổi khí hậu, nghèo đói, thất nghiệp, đa ngôn ngữ. Hãy cùng là một châu Âu thống nhất và hướng về tương lai”.

Theo đúng tinh thần đó, lãnh đạo cùng người dân Leeuwarden đã cùng rung chuông khởi động các chương trình văn hóa của năm 2018. Xuyên suốt chương trình sẽ có khoảng 800 dự án hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao.

Thủ đô Văn hóa châu Âu là thành phố được Liên minh châu Âu lựa chọn tổ chức một chuỗi các sự kiện văn hóa đa dạng trong thời gian một năm. Theo đó, Ủy ban của Liên minh châu Âu điều hành danh hiệu này và mỗi năm Hội đồng Bộ trưởng của Liên minh châu Âu chọn một Thủ đô Văn hóa châu Âu. Một ủy ban gồm các nhà chuyên gia về văn hóa có nhiệm vụ đánh giá đề cử của các thành phố tuân theo tiêu chuẩn đề ra bởi Liên minh châu Âu.

Sáng kiến bầu chọn Thủ đô Văn hóa Châu Âu do cựu Bộ trưởng Văn hóa Hy Lạp Melina Mercouri phát động năm 1985 và đến nay vẫn là một ý tưởng về văn hóa châu Âu thành công nhất.

Việc được chọn là Thủ đô Văn hóa châu Âu là cơ hội để tạo ra lợi nhuận về kinh tế, văn hóa, xã hội đồng thời giúp nâng cao và quảng bá hình ảnh thành phố đó trên bình diện quốc tế. Một nghiên cứu năm 2004 cho thấy việc được chọn là Thủ đô Văn hóa châu Âu là chất xúc tác cho sự phát triển văn hóa và biến đổi của thành phố đó. 

Đọc thêm