Đánh đổi cuộc đời thật lấy cuộc đời ảo?

(PLO) - Mỗi ngày, người Việt Nam dành đến 2 tiếng rưỡi đồng hồ để truy cập mạng xã hội; 43% người được khảo sát không thể dừng sử dụng facebook trong 6 giờ…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó  là những thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội thảo “Tác động của Mạng xã hội tới tâm lý người dùng 2017” do Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức.

Lợi - hại đều có

Với đa số người dân Việt Nam, các trang mạng xã hội từ lâu đã không còn là khái niệm mới mẻ. Theo nghiên cứu của We are social media, với dân số gần 95 triệu người, Việt Nam hiện có hơn 50 triệu người sử dụng internet, chiếm 53% số dân. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, số lượng người sử dụng mạng xã hội của Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng. Tính đến tháng 5/2017, số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là khoảng 47 triệu người, đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người dùng mạng xã hội nhiều nhất. Chỉ tính từ tháng 1/2016 đến tháng 5/2017, tại Việt Nam đã có thêm 11 triệu tài khoản mạng xã hội mới được lập ra, tăng 31%.

Trong đó, facebook được xem là ví dụ điển hình. Xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2009, đến nay đây đã là mạng xã hội phổ biến nhất ở nước ta. Việt Nam cũng được facebook xếp vào nhóm top 10 nước có số lượng người sử dụng mạng xã hội tăng nhanh nhất thế giới. Xét về mặt công việc, facebook nói riêng và các trang mạng xã hội nói chung rất hữu ích, giúp người dùng có thể thể hiện được tính cách, cá tính của bản thân; trao đổi công việc dễ dàng qua tin nhắn, cuộc gọi thoại…, qua đó tiết kiệm được một khoản đáng kể chi phí liên lạc. Các trang mạng xã hội ở khía cạnh nào đó cũng góp phần tăng cường kết nối giữa những người sử dụng với nhau. Theo thống kê, thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình mỗi ngày của người Việt Nam là khoảng 2 giờ 33 phút.

Tuy nhiên, tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra nhiều mặt trái của việc sử dụng quá đà các trang mạng xã hội. Theo một giảng viên tại Trường Đại học Ngoại thương, bà thường xuyên bắt gặp cảnh tượng sinh viên chăm chú vào điện thoại để truy cập mạng xã hội. “Mặt trái của việc sử dụng mạng xã hội thể hiện ở những trường hợp nửa đêm vẫn hoạt động trên mạng xã hội để chia sẻ những vấn đề vô thưởng vô phạt. Qua quan sát, tôi nhận thấy dường như những người có nhiều mối quan tâm trong đời thực thì cuộc sống trên mạng xã hội lành mạnh. Ngược lại, những người có ít mối quan tâm ở đời thực sẽ đánh đổi cuộc đời thực bằng cuộc đời ảo”, bà nhận xét. 

Không chỉ vậy, nhiều nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra có nhiều mối liên hệ giữa internet và mạng xã hội tới sức khỏe như ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ cũng như tác động tới tâm lý và hành vi của người dùng. Còn tại Việt Nam, TS. BS. Dương Minh Tâm - Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai – cho biết, ông đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ 16 tuổi, là con cả trong 2 người con của một gia đình trung lưu, có bố mẹ đều là công chức nhà nước. Khi còn nhỏ, bé gái có tính tình hài hòa, ít nói, học lực trung bình; quá trình phát triển thể chất và tinh thần tương đương các trẻ cùng khu vực.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, bệnh nhân sử dụng nhiều trang mạng xã hội như facebook, blog, các diễn đàn... Cha mẹ bệnh nhân cho biết bệnh nhân đã sử dụng mạng xã hội nhiều giờ trong ngày, chia làm nhiều lần, “cứ có thời gian là sử dụng điện thoại hoặc máy tính” và đăng nhập hết facebook lại chuyển sang các diễn đàn. 

Điều đáng nói là, cùng với việc tham gia các mạng xã hội, bệnh nhân dần trở lên mất tập trung hơn, giảm việc học, hay khóc, nói năng giao tiếp với người thân thiếu thân thiện, câu từ cộc lốc... Thỉnh thoảng, bệnh nhân còn bị đau đầu, ngủ ít ngon giấc, khả năng tập trung và mức độ buồn chán nhiều hơn, lơ là việc học nhiều hơn. Khi thấy kết quả học tập của con giảm sút mạnh, dễ buồn khóc, bố mẹ đã đưa bệnh nhân tới bệnh viện khám. 

Tại bệnh viện, qua thăm khám, các bác sỹ nhận thấy bệnh nhân dễ buồn, dễ khóc vì mất định hướng, không biết phải làm gì và cần làm gì. Việc ngủ của bệnh nhân trở nên thất thường vì em vừa muốn ngủ nhưng đồng thời cũng muốn ngồi dậy để sử dụng mạng xã hội, dẫn tới khó ngủ. Sau đó, các bác sỹ đã quyết định can thiệp bằng cách nhấn mạnh cho bệnh nhân hiểu những tác động tiêu cực của lạm dụng mạng xã hội đến cá thể, tác động để cải thiện cảm xúc tích cực của em, đồng thời động viên gia đình hỗ trợ, chia sẻ, xây dựng kế hoạch cho trẻ. Kết quả là, sau 12 tuần trị liệu, bệnh nhân đã từ bỏ được điện thoại và máy vi tính. Lúc này, trạng thái cảm xúc của bệnh nhân cũng tốt hơn. Việc điều trị được đánh giá là thành công.

43,1% người sử dụng không tách được facebook trong 6 giờ

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Lê Minh Công – Phó trưởng khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho biết, nghiện internet vẫn là vấn đề gây tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới. Trong khi nhiều người cho rằng internet không phải là vấn đề nghiện mà những hành vi và cảm xúc liên quan đến internet chỉ là vấn đề của xã hội hiện đại thì nhiều nhà nghiên cứu vẫn kiên trì cho rằng việc sử dụng internet quá mức cũng giống như chơi cờ bạc quá mức và không khác nhiều so với nghiện rượu và ma túy. Đặc biệt, việc nghiện internet có nhiều điểm tương đồng với đánh bạc bệnh lý.

Nghiên cứu do TS Công và ông Nguyễn Văn Thọ thực hiện vào năm 2015 cho biết có khoảng 10,9% thanh, thiếu niên ở Đồng Nai có biểu hiện nghiện internet với các dấu hiệu nổi bật bao gồm: mất kiểm soát, nói dối gia đình, thầy cô về hành vi truy cập, có các biểu hiện của hội chứng cai như lo lắng, buồn chán, mất hứng thú và ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập, công việc, mối quan hệ xã hội. Ngoài ra, những người này còn có một số biểu hiện như sử dụng trên 2 giờ/1 ngày không có mục đích. 

Theo TS. Trần Thành Nam – đồng Trưởng ban Ban nghiên cứu internet và cuộc sống- VPIS, để có được cái nhìn cụ thể về thực trạng sử dụng facebook và mối quan hệ giữa sử dụng facebook với các đặc điểm tâm lý của người sử dụng, VPIS đã tiến hành khảo sát với 335 học sinh THPT, sinh viên và khoảng 600 người khác trên mạng internet. Kết quả cho thấy 41% câu trả lời nói rằng sẽ mất liên lạc với rất nhiều người có ý nghĩa nếu mất facebook, 39% cho hay sẽ rất đau buồn nếu facebook bị đóng cửa hoặc bị chặn bởi một lý do nào đó, 39% nói không vào facebook thấy mình rất thiếu thông tin và lạc hậu.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng số lượng bạn trên facebook càng nhiều thì điểm hài lòng với cuộc sống của người sử dụng càng thấp; điểm mức độ cô đơn, trầm cảm, lo âu càng cao; điểm mức độ căng thẳng cũng nhiều lên, tỉ lệ thuận với điểm trên thang đo nghiện internet. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, cứ mỗi giờ truy cập vào facebook hàng tuần sẽ giảm 0,3 điểm tự đánh giá bản thân của người sử dụng. Tương tự, mức độ hài lòng với cuộc sống của người sử dụng sẽ giảm 0,6 điểm với cứ mỗi giờ vào facebook hàng tuần. Trong khi đó, mức độ trầm cảm, lo âu và xu hướng bị định hướng về hình ảnh bản thân trên facebook lại tăng tỉ lệ thuận với thời lượng sử dụng facebook mỗi tuần. Cũng theo nghiên cứu, mức độ gắn bó với facebook càng chặt chẽ thì mức độ cô đơn càng tăng.

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành thực nghiệm “72 giờ không facebook” trên khách thể là các học sinh, sinh viên và người đi làm thường xuyên sử dụng internet với mức độ cao. Kết quả cho thấy có đến gần 43,1% người tham gia thực nghiệm đã vi phạm cam kết ngay sau 6 tiếng đầu tiên tham gia; 51,5% vi phạm từ 2 lần trở lên và 13,6% vi phạm thỏa thuận từ 5 lần trở lên. 

•GS. TS. Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội): Cần có những nghiên cứu cụ thể về tác động đa chiều của mạng xã hội

“Facebook đang trở thành một ngôi làng toàn cầu, tạo cơ hội kết nối và tương tác hoàn hảo để giao tiếp trong kỷ nguyên số. Ngoài những lợi ích không thể phủ nhận của facebook và internet thì nó cũng có những mặt trái, tác động tiêu cực khôn lường. Vì vậy, chúng ta cần có những nghiên cứu cụ thể về tác động đa chiều của mạng xã hội tới người sử dụng. Nghiên cứu này sẽ là tiền đề gợi mở để các nhà nghiên cứu trong nước có những nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa, góp phần thúc đẩy các mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, giúp người sử dụng mạng xã hội hiệu quả và lành mạnh hơn”.

•Bác sỹ, Thạc sỹ Vũ Huy Hoàng – Hiệp hội Y học Nghiện quốc tế (ISAM): Cần dự phòng và can thiệp sớm nhất có thể

“Chúng ta có thể thấy rằng hiện tại trên thế giới đang có nhiều nỗ lực nghiên cứu, phân loại và đưa ra những tiêu chí chẩn đoán các rối loạn liên quan đến các ứng dụng trên internet. Hiện các rối loạn do nghiện chất gây nên biểu hiện như buộc phải sử dụng, thèm, nhớ; thời gian và tần suất sử dụng ngày càng tăng, mong muốn nhưng không giảm hoặc ngừng sử dụng được và thậm chí còn sử dụng bất chấp hậu quả. 

Với các thông tin đã có về nghiện hành vi và nghiện chất, chúng ta hiểu đây là các rối loạn có liên quan đến y sinh – tâm lý – xã hội. Bởi vậy, cần dự phòng và can thiệp sớm nhất nếu có thể, kể cả về mặt thực thể và hành vi, cũng như giải quyết sớm vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử vốn là một yếu tố rào cản lớn trong giải quyết vấn đề nghiện.

•Tiến sỹ Tâm lý Trần Thành Nam: Nên sử dụng mạng xã hội một cách thông minh 

“Tác dụng của mạng xã hội là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác cũng đã cho thấy những mặt trái của mạng xã hội như nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em qua mạng do thủ phạm định vị được nạn nhân qua mạng xã hội hay có những trường hợp trẻ em bị bắt cóc do cha mẹ đưa hình ảnh lên mạng. Mục tiêu của chương trình không phải là để mọi người kỳ thị mạng xã hội hay cách ly với mạng xã hội mà là để giúp chúng ta rút ra được cách sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, phù hợp”.

Đọc thêm