Không cấm con dùng mạng xã hội mới là cha mẹ hiểu biết?

(PLO) - Cấm hay không cấm con sử dụng mạng xã hội? Đó là câu hỏi luôn làm đau đầu các bậc cha mẹ. Bởi cấm cũng không nổi mà cho phép thì lại chẳng yên tâm. Tuy nhiên, thời gian gần đây có quan điểm cho rằng thay vì cấm thì hãy “vẽ đường đúng cho hươu chạy thẳng”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghiện phây – “loại bệnh” mới

Ngày 21/7 vừa qua, buổi trò chuyện “Facebook: Lợi - hại và cách nhận biết” đã diễn với sự chia sẻ của các bác sĩ Viện Sức khoẻ tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai. Tại buổi trò chuyện. TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, ông vừa điều trị cho một bệnh nhân 14 tuổi bị nghiện Facebook ở Hà Nội.

Theo lời người nhà, bệnh nhân này vào mạng internet 12-14 tiếng mỗi ngày, đi học về là đóng cửa phòng chỉ dùng Facebook. Kết quả khám, chẩn đoán cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu nghiện, bị co giật, trầm cảm, xuất hiện dấu hiệu ảo giác, tâm thần phân liệt do dùng Facebook. “Trường hợp này, tôi phải tư vấn cho gia đình và cháu bé để cháu bé được sử dụng Facebook thế nào cho phù hợp, không gây hại tới sức khỏe. Sau một thời gian điều trị tâm lý, tư vấn kết hợp dùng thuốc chống loạn thần thì cháu bé đã đỡ bệnh”, theo TS. Phương.

Từ trước đến nay, tâm lý lo ngại của cha mẹ khi con cái sử dụng mạng xã hội nói riêng và internet nói chung luôn hiện hữu.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hà – Học viên Thanh thiếu niên Việt Nam, nghiên cứu của Học viện cho thấy, có mối tương quan chặt chẽ giữa thời gian sử dụng mạng và hành vi phạm tội và đạo đức của thanh, thiếu niên. Hơn 70% thanh, thiếu niên dùng mạng để chơi game trung bình 4-5 tiếng/ngày có hành vi phạm tội cao hơn hẳn so với người sử dụng thấp hơn.

Hành vi của con người chính là hành vi tập nhiễm. Nếu các em sử dụng game online nhiều, trang web đen thì mô hình, hành vi đó nhiễm vào trong nhận thức của mỗi em. Nhiều hành vi ở ngoài cuộc sống là vô đạo đức, không lành mạnh thì ở trên mạng cổ vũ ví dụ như cho việc chém giết hay tước đoạt lợi ích của người khác khi chơi game là hành vi anh hùng khiến trẻ em nhầm lẫn với hành vi thực tế. Điều này lý giải vì sao nhiều tội phạm vị thành niên khi bắt được là nói rằng hành vi đó học trên mạng, phim ảnh, chơi game.

“Vẽ đường đúng cho hươu chạy thẳng”

Dù rằng phụ huynh luôn lo lắng việc cho phép hay không cho phép con sử dụng mạng, nhưng thời gian gần đây có quan điểm cho rằng, thay vì cấm thì hãy “vẽ đường đúng cho hươu chạy thẳng” vì hiểu biết về mạng chính rất có ích cho trẻ khi đã trưởng thành.

Tại tọa đàm “Bảo vệ con trên mạng” do Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) tổ chức, theo ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia về công nghệ thì với sự phát triển bùng nổ của internet, công nghệ thông tin, dường như mỗi tháng có một phiên bản mới, cập nhật tính năng mới và có những thuật toán để thông tin được lan toả nhiều hơn, nhanh hơn... thì việc ngăn cản trẻ tiếp cận với internet là điều không thể.

Bằng chứng là số tài khoản mạng xã hội đang chiếm 2/3 tổng dân số Việt Nam, chủ yếu là người trẻ, do đó nhu cầu giao lưu, hoạt động trên mạng trên internet là rất cao. Chỉ cần đưa cho đứa trẻ 2 - 3 tuổi một cái ipad hay điện thoại thông minh, chúng đã biết cách di chuyển đến những chương trình mà chúng thích. Ngoài ra, bố mẹ chúng cũng thường xuyên vào facebook, xem thông tin trên facebook thì trẻ hoàn toàn nghĩ rằng đó là những thứ vô hại.

Cho phép và giáo dục để con không mất cơ hội – đó là quan điểm của ông Ngô Việt Khôi. Bởi theo ông, nếu trẻ không được tiếp cận với internet, công nghệ sẽ không biết về 4G, 5G, với điện toán đám mây - là những thứ sẽ ập đến một cách ồ ạt những năm tới đây và nếu các em không được chuẩn bị kỹ thì trẻ sẽ bị thiệt hại.

Thiệt hại đầu tiên là thiếu kiến thức, sau đó là trong môi trường công việc. Chẳng hạn, những người nào loay hoay với việc mất thông tin, mất dữ liệu, bị virus tấn công... thì cơ hội sẽ thuộc về người đồng nghiệp khác. Một doanh nghiệp có những nhân viên nay bị mất máy, mai bị mất thông tin, hoặc bị mất mật khẩu... thì cơ hội lại dành cho doanh nghiệp đối thủ. Do đó, nếu trẻ không được trang bị kiến thức tốt thì đến khi trở thành một công dân, một nhân viên các em sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống số đầy cạnh tranh.

Bên cạnh đó, nếu các em không được trang bị tốt thì cảm xúc của các em sẽ không được phát triển lành mạnh. Hiện nay, trẻ rất dễ bị cuốn theo các trào lưu xấu ở trên mạng; nếu các em không có bản lĩnh, khi va chạm với trang web có nội dung độc hại, những trang web chính trị thì khó có thể phân biệt cái gì đúng, cái gì sai, cái gì là giả tạo trên mạng. Hoặc chỉ đơn giản là kỹ năng tự bảo vệ trước cộng đồng mạng khi bị “ném đá”, hoặc ứng xử như thế nào với một vấn đề mà mình không trực tiếp chứng kiến...

Đồng quan điểm, ông Ysrael C. Diloy là người đã vận động thành công để Bộ Giáo dục Phillipines đồng ý đưa chương trình giảng dạy về “An toàn mạng” vào trong các trường học cho rằng, ở nhiều quốc gia trẻ em không coi internet là rủi ro, nguy cơ mà là cái gì rất gần gũi với chúng. Thay vì chỉ đạo, ngăn cản mà khuyến khích trẻ hướng đến những lợi ích và tận dụng được sự phát triển của internet, đó là cách thay đổi tư duy về giáo dục - đào tạo trẻ trong vấn đề này.

Thay vì cấm hãy định hình hành vi

“ Bây giờ internet phổ biến, tiếp cận thông tin là điều không thể tránh khỏi, việc cấm không cho con tham gia internet càng khiến con khát khao thoát ra khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ, vì vậy chúng ta phải chấp nhận cả mặt xấu và mặt tích cực của internet. Thực hiện nghiên cứu mới thấy rằng định hướng hay giáo dục của cha mẹ có vị trí quan trọng trong việc định hình hành vi sử dụng internet của thanh, thiếu niên, cha mẹ cung cấp cho con kỹ năng định hình thông tin tốt xấu, định hướng cho con trang web phục vụ cuộc sống, học tập, đồng thời cho con biết tác hại của trò games, dành cho con thời gian nhất định để con có thể sử dụng internet một cách tự do nhưng đồng thời cho con khoảng thời gian khác để tham gia hoạt động xã hội khác như từ thiện, thể thao… , để chia sẻ bớt sự quan tâm của các con vào hoạt động khác mà không coi internet là thú vui duy nhất thì  chắc chắn các con sẽ biết sử dụng internet một cách hiệu quả” - TS. Nguyễn Mạnh Hà – Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Đọc thêm