Vợ chồng già ly hôn với lý do không ngờ

(PLO) - Hai vợ chồng đều là người có học thức, vun vén tổ ấm đã 23 năm, có chung hai mặt con. Nhưng ở tuổi xế chiều, hạnh phúc của họ lại tan vỡ. Họ ly hôn vì “không hợp”, “mong muốn thời gian còn lại thoải mái”.
Vợ chồng già ly hôn với lý do không ngờ

Phiên tòa diễn ra giữa tháng 6/2018 “ấn tượng” các thành viên HĐXX bởi đương sự đều lớn tuổi. Buổi xét xử diễn ra trật tự, có đối đáp nhưng rất ôn tồn, khác hẳn với các phiên tòa ly hôn, vợ chồng tranh lời kể tội của nhau.  

Người chồng là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội còn vợ làm việc cho một tổ chức chuyên về nghiên cứu động vật. Ông bà kết hôn từ năm 1995, tự nguyện đến với nhau. Họ có chung hai mặt con, đứa lớn hiện đang du học ở Úc, đứa bé mới 12 tuổi. Tháng 4/2017, người chồng bất ngờ gửi đơn ly hôn vợ.

Đứng trước tòa, nguyên đơn tóc bạc trắng, lưng hơi khom vịn vào mặt bằng làm điểm tựa, người đàn ông trình bày bản thân quyết định đưa chuyện hôn nhân ra tòa đã trải qua hơn 20 năm suy xét. Ông nói trong cuộc sống, vợ chồng có nhiều chuyện không hợp, “chúng tôi chia tay nhau với mong muốn thời gian còn lại thoải mái, còn nhìn mặt nhau. Dù sao cũng từng chung sống”.

Người chồng nói với tòa tha thiết muốn ly hôn vì hai vợ chồng “đều là người có trình độ”. Ông trầm giọng kể với HĐXX rằng con gái út lúc đầu đồng ý ở với bố nhưng sau đó xin được ở với mẹ, là người cha, ông tôn trọng quyết định của con. Khi được hỏi về chuyện cấp dưỡng, người bố trả lời toàn bộ thu nhập chỉ có lương, bản thân là con trưởng đang phải nuôi bố mẹ già nhưng sẽ để dành 2 triệu đồng mỗi tháng nuôi con, ông tự nguyện đóng góp đến khi con trưởng thành vì con là số một.

Đến lượt trình bày ý kiến, người vợ nói trong cuộc sống gia đình nào cũng có mâu thuẫn. Thời điểm chồng gửi đơn ly hôn, bà đang đi công tác nước ngoài nên rất bất ngờ. Người phụ nữ chùng mặt, trải lòng rằng nhìn thấy nhiều bạn bè lần lượt từ giã cõi trần, bản thân nhận thấy cuộc sống thật ngắn ngủi: “Tôi nghĩ làm sao sống tử tế nên năm 2018 quay về Việt Nam, muốn làm tốt nhất cho gia đình. Hệ luỵ ly hôn rất lớn, gia đình xây dựng 20 năm rồi mà giờ phá đi, con cái sẽ như thế nào”.

Bà nói tiếp, bản thân chồng ốm yếu, tình cảm có thể không còn như ban đầu nhưng chồng là bố của các con nên bà quay lại, thế nhưng chồng vẫn dứt khoát ly hôn. Bị đơn không yêu cầu chồng cấp dưỡng nuôi con, tài sản chung không có gì nên không yêu cầu tòa phân xử.

Lấn cấn duy nhất của bị đơn là kết hôn, chung sống với chồng 23 năm, đến lúc này nếu theo yêu cầu khởi kiện của chồng thì bà ra đi tay trắng với một đứa con. Bà có đề nghị HĐXX xem xét yêu cầu giải quyết chỗ ở của mình, xem xét ngôi nhà gia đình đang ở. Theo bà, thời điểm bố mẹ chồng cho nhà, vợ chồng đã kết hôn nhưng để chồng một mình đứng tên các giấy tờ. Chủ tọa giải thích hợp đồng cho tài sản thể hiện nhà đất đang ở được cho riêng nguyên đơn. Tòa có yêu cầu bị đơn cung cấp chứng cứ nhưng bà không đưa ra được. Nếu bị đơn cho rằng bị thiệt thòi, tòa giành quyền khởi kiện tranh chấp nhà đất trong vụ án khác.

“Tôi tin tưởng nên cho chồng đứng tên. Nếu chỉ dựa vào giấy trắng mực đen thì chúng tôi không cần đến tòa. Tôi ở trên nhà đất ấy với tư cách người vợ chứ không phải người dưng. Nếu không thì chồng muốn tôi ra khỏi nhà lúc nào cũng được. 23 năm tôi lại đi ra tay trắng với con thì không chấp nhận được, tôi có công sức xây dựng ngôi nhà hiện tại từ nhà cấp bốn thành nhà tầng như bây giờ”. Đáp lại lập luận này, HĐXX nói rất chia sẻ với bị đơn nhưng mọi phán quyết đều dựa trên việc thu thập chứng cứ.

Chủ tọa đặt vấn đề nếu ly hôn, bị đơn chưa tìm được chỗ ở thì nguyên đơn có cho mẹ con bị đơn lưu cư không? Sau một hồi suy nghĩ, người chồng trả lời cho lưu cư 1 năm.

Tất cả im lặng sau một hồi trình bày, vị chủ tọa hỏi các bên có cần đối đáp nữa không? Nếu không đối đáp nữa coi như thuận tình ly hôn? Cả nguyên đơn và bị đơn gật đầu. Thế nhưng HĐXX vẫn thận trọng, quyết dời phần tuyên án sang buổi chiều. Sau khi xác nhận lại lần nữa quan điểm các đương sự, HĐXX chấp thuận để hai vợ chồng đương sự ly hôn. 

Đọc thêm