Công bố top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm đồ uống năm 2017

(PLO) - Ngày  26/10, CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm – đồ uống năm 2017. Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report được công bố bắt đầu từ năm nay…
Vinamilk, doanh nghiệp dẫn đầu độ nhận biết về thương hiệu
Vinamilk, doanh nghiệp dẫn đầu độ nhận biết về thương hiệu

Vinamilk dẫn đầu độ nhận biết về thương hiệu

Theo đánh giá của Vietnam Report, hiện dẫn đầu về uy tín trong ngành thực phẩm tại Việt Nam là Vinamilk, Masan Consumer và Acecook Việt Nam. Xếp sau top 3 này là Nestlé Việt Nam, KIDO, Chăn nuôi cổ phần Việt Nam, Visan, Vissan, Đường Quảng Ngái, TH True Milk, Vinacafe Biên Hòa, 

Đáng lưu ý, Vinamilk là doanh nghiệp (DN) được hầu hết người tiêu dùng (NTD) và nhóm chuyên gia tham gia khảo sát lựa chọn giữ vị trí số một về độ nhận biết thương hiệu, đồng thời cũng là công ty có số lượng thông tin bao phủ và có ảnh hưởng truyền thông lớn nhất hiện nay. 

Ở nhóm đồ uống, Sabeco, Heineken, Pepsi là 3 công ty dẫn đầu về uy tín tại thị trường Việt Nam. Tiếp đến là các thương hiệu Habeco, Tân Hiệp Phát, La Vie, Red Bull Việt Nam, Carlsberg Việt Nam, Nước khoáng Quảng Ninh, Tân Quang Minh.

Khác với nhóm thực phẩm, các công ty đồ uống tỏ ra khá dè dặt trong việc xuất hiện trên truyền thông trong năm vừa qua. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự gia nhập của các thương hiệu đồ uống ngoại thông qua M&A sẽ khiến thị trường đồ uống náo nhiệt hơn trong thời gian tới.

Khảo sát online - Vissan dẫn điểm

Theo kết quả Khảo sát online do Vietnam Report thực hiện trong tháng 9/2017 vừa qua, Vissan, Hảo Hảo, Chinsu, Vinamilk, Kinh Đô, Bia Sài Gòn… là những thương hiệu thực phẩm – đồ uống được NTD nghĩ đến nhiều nhất phân theo từng nhóm ngành thực phẩm (thực phẩm tươi sống, đông lạnh; thực phẩm khô; gia vị; sữa và các chế phẩm từ sữa; bánh kẹo) và đồ uống.

Đối với ngành thực phẩm tươi sống, đông lạnh: Vissan là cái tên được NTD lựa chọn nhiều nhất với tỉ lệ lựa chọn là 17%. Trong ngành hàng gia vị (đường, nước mắm,…), Chinsu và Nam Ngư hiện đang là hai thương hiệu được NTD nhớ đến nhất với tỉ lệ lựa chọn 18% và 12% - đây đều là hai thương hiệu tiêu biểu nhất của Masan.

Trong thị trường thực phẩm khô (mỳ, bún, phở gói…), Hảo Hảo vẫn là thương hiệu in sâu trong tâm trí người dân Việt với tỉ lệ áp đảo 20%, gấp đôi lựa chọn của NTD đối với Omachi. Đối với sữa và các chế phẩm từ sữa, Vinamilk là thương hiệu được lựa chọn vượt trội so với các đối thủ trong ngành, đuổi theo là TH True Milk với tỉ lệ 18%. Còn trong ngành đồ uống, Bia Sài Gòn và Lavie là cái tên được NTD nhắc đến nhiều nhất khi trả lời khảo sát.

Thực phẩm – đồ uống: Mảnh đất giàu tiềm năng

Thị trường thực phẩm – đồ uống được đánh giá rất tiềm năng trong năm 2017 – 2018. Theo nhận định của một số chuyên gia, sau một vài năm có dấu hiệu chững lại, ngành thực phẩm – đồ uống đang dần lấy lại đà và tăng trưởng trở lại. Tổ chức Business Monitor International (BMI) dự báo, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm là 10,9% cho giai đoạn 2017 – 2019 nhờ thu nhập cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn. Còn theo thống kê gần đây nhất của Tổng cục thống kê, sản xuất, chế biến thực phẩm trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng 6,6%, sản xuất đồ uống tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Với quy mô dân số hơn 90 triệu dân, cùng lượng khách du lịch đang ngày một tăng nhanh trong vài năm trở lại đây, ngành thực phẩm – đồ uống tại Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư trong và ngoài ngành, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian tới đây, việc thoái vốn nhà nước ở một số DN đầu ngành thực phẩm – đồ uống như Vinamilk, Sabeco, Habeco… sẽ mở ra cơ hội cho các DN nước ngoài tham gia vào thị trường tiềm năng này. Gần đây nhất, sự gia nhập và lấn sân của người Thái ở nhiều DN với hướng sản xuất thực phẩm – đồ uống như sự hợp tác chiến lược cùng Masan, đầu tư cổ phiếu từ cổ phần SCIC thoái vốn tại Vinamilk... cũng dự báo trước một sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành có thể diễn ra trong một vài năm tới. 

Khảo sát chuyên gia của Vietnam Report cũng cho thấy, có 3 xu hướng chính trong ngành thực phẩm – đồ uống trong năm 2017 – 2018, đó là: Phát triển nhiều dịch vụ và phương thức bán hàng; Nhóm hàng thực phẩm – đồ uống tiện dụng có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng đầy cạnh tranh; Xu hướng đầu tư sản xuất các sản phẩm sạch:

“Có thể thấy, tiềm tăng trưởng của ngành thực phẩm – đồ uống là rất lớn, đồng thời cuộc cạnh tranh giành thị phần của các DN cũng vô cùng khốc liệt. Do đó việc giữ vững và phát triển thương hiệu cũng như uy tín đòi hỏi DN cần có sự chủ động, dự đoán chính xác và có chiến lược phù hợp với những biến động trên thị trường, qua đó cải thiện hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong ngành…”- Chuyên gia của Vietnam Report khuyến cáo…