Con vật không có hậu môn đang 'ăn mòn' kinh tế người Việt

(PLO) -Tỳ hưu được coi là 'thần giữ của' của người Trung Quốc. Nhưng con vật không có hậu môn này lại là một sự phá hoại đối với nền kinh tế của Việt Nam. 
Tì hưu được quan niệm là 'thần giữ của'
Tì hưu được quan niệm là 'thần giữ của'

Truyền thuyết về loài linh vật không có hậu môn

Có rất nhiều truyền thuyết về Tỳ hưu, trong đó có truyền thuyết kể rằng vào thời vua Minh Thái Tổ mới lập nghiệp nên ngân khố luôn rơi vào tình trạng cạn kiệt. Sự việc này làm cho nhà vua luôn phải đau đầu suy nghĩ, tâm trạng lúc nào cũng bất an. 

Một ngày nọ, vua Minh nằm ngủ, trong giấc mơ nhà vua tình cờ thấy một con vật trông như con lân, nhưng có mình và chân to, trên đầu lại có sừng. Con vật này xuất hiện ở hoàng cung và nuốt tất cả những ngọc ngà, châu báu từ mọi phương đem vào trong cung. 

Sau khi tỉnh dậy, Minh Thái Tổ đã mời thầy phong thủy và được biết khu vực con vật xuất hiện chính là vùng đất thiêng. Vua thầm nghĩ có lẽ trời đất đã sai thần thú hiển linh để giúp đỡ mình nên đã xây một cổng thành rất to ở trục Bắc Nam tại chỗ linh vật xuất hiện, ngay đường dẫn vào Tử Cấm Thành. 

Con vật này có tính ham ăn nhưng chỉ chọn vàng, bạc, châu báu. Và đặc biệt, con vật không có hậu môn nên ăn được bao nhiêu cũng không thể đưa ra ngoài. Từ khi có linh vật, ngân khố của triều Minh luôn đầy. Cuộc sống của vua và hoàng tộc trở nên sung túc.

Vua đã sai người dùng ngọc phỉ thúy tạc linh vật rồi đặt lên trên lầu cao. Từ đó trở đi, triều Minh ngày càng mở rộng ra bên ngoài và trở thành triều đại giàu có. Sau này, lúc nhà Thanh cai trị, họ cũng tin vào sự linh thiêng của linh vật này và đặt tên nó là Tỳ hưu.

Ngoài ra còn có một truyền thuyết khác cho rằng Tỳ hưu là một trong những đứa con của rồng. Chúng có đầu như Kỳ Lân, có sừng, vẩy giống rồng nhưng có thân của loài gấu, trên lưng có cánh. 

Khi mới chào đời, tỳ hưu đã mang dị tật là không có hậu môn. Vì thế, nó chỉ sống được vài ngày là qua đời. Vì chết từ lúc còn quá nhỏ nên tỳ hưu được Ngọc Hoàng thương tình, cho hóa thân thành linh vật nhà trời, chuyên phò về tài lộc. 

Ngoài tên gọi Tỳ hưu, chúng còn được gọi bằng các tên khác như Tỳ Ngưu, Tu Lỳ. Tỳ hưu được phân ra hai loại. Loại một sừng là loại cực kỳ hung dữ và nguy hiểm, chuyên đi cắn hút tinh huyết của yêu quái, ma quỷ nên còn được gọi là con Tịch Tà. 

Loại Tỳ hưu hai sừng thì chỉ hút châu báu, vàng bạc trong trời đất nên chúng được cho là con vật giữ tài lộc. Tỳ hưu hai sừng có các đặc điểm như miệng to, ngực to, mông to. Ở Trung Quốc, nổi tiếng nhất là con Tỳ Hưu bằng ngọc trên Đức Thắng môn tại Bắc Kinh. 

Theo truyền thuyết, vì con Tỳ Hưu quay miệng ra Sơn Hải quan, nên người Mãn đánh mãi nhà Minh không được. Đến khi người Mãn lập mưu hiểm, xui vua Sùng Trinh quay đầu Tỳ Hưu về Nam, thì Sơn Hải quan mới vỡ, nhà Minh mất nước. Nhà Thanh sùng kính con Tỳ Hưu đó, bắt dân gian không ai được giữ Tỳ Hưu.

Lý giải tên gọi “Tỳ hưu”

Theo TS. Đinh Hồng Hải (Giảng viên bộ môn Nhân học Văn hóa, trường Đại học Quốc gia Hà Nội), Tỳ hưu là một linh vật hưu cấu nên biểu hiện của nó cũng mang tính “bất nhất”. Đặc điểm Tỳ hưu không có hậu môn chính là điểm phân loại quan trọng để phân biệt Tỳ hưu với các linh vật đồng dạng như kỳ lân, nghê, sư tử… 

Về tên gọi Tỳ hưu, theo Hán – Việt Tự Điển trích dẫn thì Tỳ (貔- phiên âm: pí) là một loài mãnh thú, giống như hổ, lông màu trắng tro. Còn hưu (貅- phiên âm: xiu) là một giống mãnh thú theo truyền thuyết. Danh từ Tỳ hưu 貔貅 theo Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu, là con gấu trắng (bạch hùng), một giống thú rất mạnh cho nên đời xưa gọi các dũng sỹ là Tỳ hưu. 

Theo quan niệm của người Trung Hoa xưa, thức ăn của Tỳ hưu là vàng, bạc, châu báu, là những loại của quý. Và do con vật này không có hậu môn nên nó được xem như một loại “thần giữ của”.

Tín ngưỡng Tỳ hưu được du nhập vào văn hóa Việt Nam ít nhiều trong giai đoạn phong kiến, và chỉ thực sự bùng nổ trong giai đoạn phát triển kinh tế ở Việt Nam từ sau giai đoạn “mở cửa” – năm 1986 cho đến nay. 

Tỳ hưu được chế tác thành nhiều loại muôn hình muôn vẻ, từ tỳ hưu ngọc, đá quý đến tỳ hưu đá bán quý, tỳ hưu trang sức, tỳ hưu bằng bột đá, tỳ hưu bằng đồng, tỳ hưu Bắc Kinh… Không chỉ mua làm trang sức phong thủy, người dân còn dùng để bày biện trong nhà, bày ở công ty với mục đích thu hút tài lộc

Gõ từ khóa “tỳ hưu” trên công cụ tìm kiếm Google, trong 0.25 giây ra 333.000 kết quả. Và hầu hết các kết quả trên đều là những trang mạng mua bán tỳ hưu với giá không hề rẻ. Ít nhất cũng phải từ vài trăm ngàn đồng đến cả trăm triệu đồng. 

Tại một cửa hàng online bán tỳ hưu phong thủy, một cặp tỳ hưu ngọc phỉ thúy có giá xấp xỉ 30 triệu đồng, một bộ tỳ hưu hạng trung, loại chưa phải là hàng chuẩn, có thân dài 16cm, cao 13cm, ngực rộng 7cm, nặng khoảng 1kg giá cũng lên tới gần 20 triệu đồng. 

Chủ hàng cam kết tỳ hưu của mình được làm 100% từ đá tự nhiên, được lấy từ các mỏ đá thuộc dãy núi JuYongGuan nên rất thiêng liêng, được đặt 49 ngày trong chùa để hấp thụ linh khí, sau đó được đưa vào làm thủ tục tại tháp phong thủy… nhưng sự thật thế nào có lẽ chỉ người chủ mới biết. 

Tỳ hưu đang “ăn mòn” kinh tế người dân Việt

Ở mức độ thông thường, việc sử dụng Tì hưu không gây ảnh hưởng lớn đến xã hội vì đây là một thú chơi, một sở thích cá nhân của người chơi, thế nhưng người dân cần có sự hiểu biết về những bức tượng trang trí này nếu không sẽ bị biến thành miếng mồi cho kẻ khác trục lợi. 

Trong khi nạn “chảy máu cổ vật” đang nhức nhối mà vẫn chưa có cách nào “cầm máu” nạn phá hoại di tích vẫn đang diễn ra thường xuyên mà chưa có chế tài xử phạt nghiêm minh thì việc tiêu tốn một số tiền lớn cho một loại sản phẩm phi thẩm định như Tì hưu và các linh vật phong thủy hiện nay là một sự phá hoại đối với nền kinh tế của Việt Nam. 

“Ví thử số tiền nhiều tỷ đồng để mua linh vật cầu may như Cóc ba chân, Tì hưu phong thủy… nói trên được dùng vào mục đích kinh doanh, khuyến khích cá nhân và doanh nghiệp trong nước phát triển thì Việt Nam không đến nỗi phải nhập siêu tới gần 30 tỷ USD năm 2013 - và nhập tới cả … chiếc tăm xỉa răng từ Trung Quốc! 

Với “vấn nạn sư tử ngoại lai” chúng ta dường như chỉ bị xâm lăng văn hóa nhưng chưa đến mức bị “tiêu diệt” về kinh tế. Nhưng với những gì mà các linh vật phong thủy như Tì hưu, đặc biệt là Tì hưu ngọc phỉ thúy, đã mang đến cho Việt Nam thì những linh vật này có sức “hủy diệt” lớn hơn nhiều. Chúng không chỉ tác động về mặt văn hóa và tri thức mà còn góp phần tàn phá nền kinh tế nội địa “èo uột” của Việt Nam”, TS. Hải nói./.

Đọc thêm