Những người 'hốt bạc' nhờ mạng xã hội

(PLO) - Trong thế giới của người nổi tiếng, có thể chia làm hai loại: Những “sao” trong đời thật và “sao” trên mạng xã hội. Và mạng xã hội trở thành “cần câu cơm” cực hữu hiệu đối với các “sao” này.
Những người 'hốt bạc' nhờ mạng xã hội

KOL, nghề “hot” thời nay?

Ở thời đại mạng xã hội phát triển và chiếm một vị trí lớn trong đời sống, thì ai biết nắm giữ các công cụ trên mạng xã hội, người đó sẽ có được thành công. KOL (Key Opinion Leader) là cách gọi chung những người có tầm ảnh hưởng đến công chúng hoặc những đối tượng công chúng nhất định. KOL có thể là ca sĩ, diễn viên, hot facebooker, beauty blogger... hoặc là những người “đột nhiên” nổi tiếng nhờ bất cứ sự việc gì. Dễ dàng nhất là các ca sĩ, diễn viên, những người hoạt động trong showbiz, đã có sẵn một lượng fan hâm mộ đáng kể ngoài đời thật và trên facebook, đó chính là nguồn fan sẵn có mà họ không tốn quá nhiều sức để xây dựng. 

Tuy nhiên, thế giới mạng rất khác biệt với thế giới đời thực. Có thể, ngoài đời một ca sĩ có vị trí cao trong showbiz, lượng fan lớn, có đẳng cấp, nhưng chưa hẳn trên mạng xã hội họ vẫn giữ vị trí hàng đầu. Như một nữ nghệ sĩ trẻ không quá xuất sắc trong showbiz, không nổi trội về sắc vóc hay tài năng. Nhưng từ nhiều năm nay, cô luôn giữ vị trí hàng đầu trong danh sách những facebooker có lượng theo dõi, tương tác cao nhất trên mạng xã hội nhờ đáng yêu và “lắm chiêu”. 

Hay một nhân vật có xuất phát điểm trong làng giải trí là nhờ… khoe ngực, không nổi bật trong showbiz, thậm chí là không tài năng, nhưng đến nay cũng là một trong những gương mặt được quan tâm trên mạng xã hội nhờ khai thác hình ảnh những đứa con đẹp như thiên thần trên mạng nên có được lượng fan hâm mộ rất lớn. Trong khi đó, nhiều ngôi sao tên tuổi, được hâm mộ nhưng do thiếu chú trọng trang cá nhân nên trang cá nhân hoạt động rất cầm chừng, không nhiều fan hâm mộ. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp sao vừa nổi tiếng ngoài đời vừa có lượng tương tác “khủng” trên facebook, đơn cử Mỹ Tâm, Sơn Tùng M-TP...

Cạnh những KOL “nổi sẵn” thì mạng xã hội cũng đã tự tạo ra những KOL chỉ có tên tuổi trên mạng. Họ có thể là những người chuyên trong một lĩnh vực nào đó: Một bác sĩ nhiệt huyết với những bài viết, bài nói chuyện thường xuyên và bổ ích cho các mẹ bỉm sữa, một facebooker mê review thức ăn, mê đi du lịch hay một beauty blogger với những bài viết, video nói chuyện về làm đẹp hữu ích. Đa phần các KOL trên mạng khá nỗ lực để có được vị trí người nổi tiếng trên mạng, có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực của mình. Họ không chỉ cần có chuyên môn, có sự am hiểu trong mảng của mình hướng tới, mà thường là có một đời sống hay ho, có thêm nhiều yếu tố khác như lòng tốt, tâm hồn, lối sống... khiến cộng đồng mạng ngưỡng mộ.  

Mặt trái của nghề “nổi tiếng”

Sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng trên mạng xã hội là không nhỏ, và giờ đây sự nổi tiếng ấy đi kèm với những hợp đồng “hái ra tiền” từ nhu cầu quảng cáo của các nhãn hàng. Nếu như trước đây, những người nổi tiếng thông thường có thu nhập khác đến từ các hợp đồng quảng cáo, đại diện thương hiệu, đi dự event thì giờ đây, ngành công nghiệp quảng cáo dựa trên những gương mặt nổi tiếng đã phát triển thêm một bước mới. Một người nổi tiếng trên mạng xã hội sẽ được nhiều nhãn hàng săn đón  dựa trên sức ảnh hưởng trong từng lĩnh vực. Cách thức quảng cáo phổ biến nhất là review về sản phẩm, dịch vụ... trên facebook cá nhân của mình. Với những KOL có độ nổi tiếng cao như người mẫu Thuý Hạnh, người mẫu Bình Minh, diễn viên Quyền Linh... mức giá hàng chục triệu, vài chục triệu cho một bài viết quảng cáo sản phẩm trên facebook cá nhân là... chuyện thường. 

Thậm chí, nhiều KOL khác xuất thân từ làng hài như Việt Hương, Trấn Thành hay Trường Giang, mức chi phí cho một post quảng cáo trên trang cá nhân có thể từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Cạnh đó, các KOL không phải người của showbiz, nổi tiếng từ mạng xã hội có mức giá quảng cáo trên trang cá nhân dao động từ chục triệu đến vài chục triệu đồng. Ngoài ra còn có những KOL hạng C, hạng D... tuy không quá xuất sắc nhưng cũng sở hữu ngoại hình, biết ăn nói, là các hot boy, hot girl, hot mom... có một lượng fan đáng kể (thường trên 10.000 người theo dõi) cũng được một số nhãn hàng nhắm đến khi cần số nhiều, giá phải chăng (từ 1 đến vài triệu đồng/ bài quảng cáo). 

Lợi nhuận lớn đến từ facebook có thể thấy rõ cũng dẫn đến nhiều hệ luỵ trong nghề KOL. Đó là nhiều KOL thiếu chọn lọc, nhận quảng cáo “tuốt luốt” bất cứ sản phẩm nào. Bởi thế, có những trang cá nhân của KOL như một cái chợ với lượt quảng cáo từ kem trộn cho đến spa, thuốc giải độc gan, đồ chơi trẻ em... Thậm chí, hôm nay rất hài lòng khi làm đẹp là spa này, hôm sau đã thấy tiết lộ bí quyết làm đẹp là một spa khác. Nhiều KOL cũng bị mất uy tín vì quảng cáo các sản phẩm kem trộn độc hại, bị tịch thu, tiêu huỷ...

Một mặt trái nữa của nghề KOL là nó khiến nhiều bạn trẻ như con thiêu thân lao vào. Để trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội và kiếm tiền nhờ sự nổi tiếng ấy, không ít bạn trẻ không bỏ tâm sức đầu tư cho chuyên môn, hình ảnh mà tạo đủ chiêu trò để thu hút sự chú ý của dư luận, bất chấp là những scandal đáng xấu hổ. Để rồi, cũng có thể trở thành “người nổi tiếng” như ai, được mời đi sự kiện, mời quảng bá, review sản phẩm, dịch vụ... Song, khi hết chiêu trò, hết cách để “hâm nóng” tên tuổi, họ lại đi vào quên lãng, để một thế hệ “KOL chiêu trò” kế cận ra đời.