Cần lắm phòng tâm lý học đường

(PLO) - Là một trong những trường hợp khảo sát của Báo cáo nghiên cứu em Trình Quốc Trung, 19 tuổi, Hà Nội chia sẻ, một trong những nguyên nhân khiến trẻ em, thanh niên dễ mắc các vấn đề về tâm thần do sự phát triển quá đà của công nghệ khiến mọi người cách xa nhau hơn, người người ngồi cạnh nhau trong quán cà phê nhưng không nói chuyện với nhau.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

“Trong gia đình, các ông bố, bà mẹ chỉ chăm chăm làm việc, con trẻ tỏ ý muốn nói chuyện nhiều hơn liền được quăng cho cái điện thoại, iPad. Em đã tự hỏi rằng, khi lớn lên, tuổi thơ của những đứa trẻ này sẽ thế nào khi chỉ là điện thoại, máy tính” - Trung đặt câu hỏi và em cũng bày tỏ mong muốn các trường học sẽ có các phòng tâm lý để mọi học sinh có thể được chia sẻ và được lắng nghe.

Báo cáo nghiên cứu cũng cũng chỉ ra, các dịch vụ chăm sóc và ứng phó tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Chất lượng và độ bao phủ của các dịch vụ này còn hạn chế và thường tập trung vào những rối loạn sức khoẻ tâm thần nặng.

“Bác sỹ, nhân lực bác sỹ về chuyên khoa tâm thần nhi cũng rất ít ở Việt Nam. Gần như người ta chưa trọng tâm về nội dung này, chính vì vậy chuyên sâu về chẩn đoán điều trị cho tâm thần nhi hiện nay rất hạn chế. Việc thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Điều này dẫn tới việc không ngăn ngừa được tình trạng tự tử vì những người có biểu hiện rối loạn về sức khỏe tâm thần không được điều trị  - vốn là nguyên nhân chính dẫn tới các ý định và hành động tự sát”, theo Báo cáo nghiên cứu.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số trẻ em có biểu hiện bệnh lý bị rối loạn cảm xúc, lo âu vì kết quả học tập giảm sút đến khám trong thời gian qua ngày càng gia tăng. Ông đưa ra lời khuyên, người làm cha mẹ cần hiểu hơn về sinh lý, tâm lý của con, lấy sức khỏe của con là chính, đừng nên tạo thêm áp lực trong việc học tập, chạy theo thành tích. Cần tạo cho con môi trường học tập thoải mái, dạy con học bằng một thái độ tích cực, tránh gây áp lực về việc đỗ - trượt, điểm thi lên trẻ.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng  cho rằng, ngành Giáo dục cần làm tốt hơn nữa công tác tư vấn tâm lý học đường. Bởi học sinh, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên, giai đoạn mà sự phát triển về thể chất đã tương đối ổn định, nhưng lại chưa đủ trưởng thành về mặt tâm lý. Khi các em gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, áp lực học tập, sẽ dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy rất cần có người chia sẻ, hướng dẫn và động viên để các em tìm ra hướng đi, phương pháp học tập tốt nhất. 

Đọc thêm