Chủ động kết nối cung cầu để 'cứu' sinh viên khỏi cảnh thất nghiệp

(PLVN) - Diễn biến nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 cùng với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã đặt Việt Nam trước ngưỡng cửa của nhiều cơ hội và cả thách thức. Do đó, năm 2019, thị trường lao động là một trong những lựa chọn bứt phá của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). 
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thời gian qua, thị trường lao động Việt Nam đã tạo được những chuyển động rất quan trọng. Sự chuyển động này tương đối rõ rệt, nhất là năm 2018, đặc biệt đã đào tạo và tạo việc làm mới cho 1,64 triệu người. Tỷ lệ người lao động ở khu vực nông nghiệp đã giảm dần, từ 42% đến nay chỉ còn 38,3%. Cùng với đó, số lao động có quan hệ lao động, hợp đồng lao động tăng dần lên, số đó hiện nay đạt 45,3%. Thêm nữa, từ xu hướng chung chạy theo bằng cấp, chạy theo trình độ cao, dần dần người lao động đã lựa chọn thông minh hơn, biết chọn những công việc, lĩnh vực mà mình có khả năng tham gia và phù hợp với năng lực, sở trường cũng như điều kiện lựa chọn, nhất là thông qua giáo dục nghề nghiệp.

Chính vì vậy, có thể thấy điều đáng mừng là nếu như năm 2017 có khoảng trên 200 ngàn số sinh viên có trình độ cao đẳng rơi vào tình trạng thất nghiệp, thì cho đến tháng 10/2018, số này giảm được trên 50% nhờ vào việc chủ động hơn trong vấn đề kết nối cung - cầu doanh nghiệp và người lao động.

Hiện nay, một trong những vấn đề đau đầu của ngành LĐ-TB&XH phải trả lời câu hỏi: Vì sao năng suất lao động Việt Nam thấp. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có 2 vấn đề. Thứ nhất, tỷ lệ hiện nay là 38,3% lao động đang trong nông nghiệp. Gần 70% nông dân đang ở khu vực nông nghiệp, nhưng đóng góp vào GDP mới chỉ 16- 18%. Do đó, việc đầu tiên muốn nâng cao năng suất lao động thì phải chuyển  dịch lực lượng lao động nông thôn này sang lao động có hợp đồng, có quan hệ lao động mới, sang ngành nghề lĩnh vực mới, có như vậy mới có năng suất lao động cao hơn. Thứ hai, phải cùng với đó, giải quyết được bài toán mà kinh tế chưa quan sát được ở lĩnh vực này. Trọng tâm, là chuyển sang lao động có quan hệ lao động và có hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó hiện Việt Nam có khoảng 11 triệu người lao động trong đó khoảng 6 triệu là lao động ở khu vực FDI hiện nay cũng cần đào tạo lại. Ngoài ra, cần đối phó với việc già hóa dân số và đề phòng tình trạng sa thải lao động nữ độ tuổi 30- 35.

Tất cả các vấn đề đó, chủ trương của ngành LĐ-TB&XH rằng chỉ có thể làm được khi tạo ra một thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh, gắn kết giữa đào tạo với dạy nghề, gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn; với đào tạo mới, đào tạo lại cho người lao động; và gắn kết giữa doanh nghiệp với đào tạo; gắn kết doanh nghiệp với thị trường; đồng thời gắn kết giữa trong nước với thị trường quốc tế. Có như vậy mới tạo ra sự chuyển dịch cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, của CMCN  4.0.  

Đọc thêm