Có thể lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới?

(PLO) - Ngày 21/8, Bộ GD-ĐT tổ chức tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ GD-ĐT, năm học qua ngành Giáo dục có nhiều thành tích nổi bật như tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng, giảm áp lực; cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; thành tích thi quốc tế của học sinh Việt Nam cao nhất từ trước đến nay; các bậc học đều có những nỗ lực nâng cao chất lượng... 

Tuy nhiên, việc thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu vẫn còn nhiều hạn chế. Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém như thừa thiếu giáo viên. Trong đó, chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ, tuyển dụng, ký hợp đồng lao động. Việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá đội ngũ nhà giáo còn cảm tính, thiếu cơ sở. Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa chú trọng đến công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng.  

Việc đầu tư cho dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh chưa tương xứng. Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn… Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Một số giáo viên thiếu kỹ năng, phương pháp sư phạm, cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo…

Tại Hội nghị, nhiều địa phương cùng đề nghị Bộ GD-ĐT lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới để các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất, về đội ngũ để triển khai.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua, nhất là việc phổ cập mầm non 5 tuổi. Cùng với đó, đã xây dựng, ban hành Chương trình GDPT tổng thể, bắt tay vào xây dựng chương trình môn học. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra 5 bất cập của ngành Giáo dục. Đơn cử, quản lý nhà nước, quản trị đại học, quản trị trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập. Còn nhiều thủ tục hành chính, cầm tay chỉ việc. Còn nhiều phong trào, cuộc thi không vì học sinh. Còn nhiều tiêu cực, tệ nạn, bạo lực học đường trong học sinh, chưa chú ý toàn diện đến việc dạy người. Đồng thời, giáo dục thường xuyên, nhất là cho người lớn chưa được chú trọng, dù chúng ta đang xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Do đó, theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ tới đây, cần đặc biệt quan tâm đến việc dạy người, từ mẫu giáo trở đi. Phải dạy cho các em những gì thật nhân văn, những gì thật cụ thể, thiết thực. Trẻ em gặp người lớn phải biết khoanh tay chào, phải biết  làm vệ sinh trường lớp; học sinh phải biết yêu lao động, trân trọng người lao động. Phải có những hoạt động khơi gợi, giáo dục cho các em học sinh từ bé biết yêu bố mẹ, người thân, biết quan tâm hàng xóm để lớn lên biết yêu Tổ quốc, có ý thức công dân. Tựu trung phải dạy cho học sinh có kiến thức, biết yêu gia đình, Tổ quốc, có ý thức công dân. Các bậc phụ huynh cũng cần chia sẻ với các giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học.

Cùng với đó, cần bãi bỏ những quy định có tính chất cứng nhắc, hình thức, câu nệ, bệnh thành tích. Tăng cường tính tự chủ của cơ sở giáo dục. Phải tự chủ xuống đến từng giáo viên, đến từng bộ môn.

Về Chương trình GDPT mới, Phó Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết Quốc hội đã ban hành, phải thực hiện. Tuy nhiên, trước mắt các địa phương rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ để khẩn trương chuẩn bị triển khai. Chính phủ đồng ý quan điểm với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là đổi mới phải hiệu quả, vì thế phải chuẩn bị kỹ, nếu cần thiết thì lùi thời gian để thêm thời gian chuẩn bị.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, ngành Sư phạm hiện ra trường thất nghiệp rất nhiều, chạy việc rất khó, các cháu phải “mai phục” để xin việc, phải chấp nhận dạy hợp đồng, nằm chờ để xin vào biên chế. Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn thống kê được nhu cầu giáo viên. Giáo dục các địa phương phải rà soát, thống kê lại để báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết. Ngành Giáo dục cần làm đến nơi đến chốn việc này. Chỉ cần bảo đảm không thất nghiệp là sư phạm sẽ hấp dẫn, cùng với đó tăng thêm chế độ cho giáo viên nữa thì càng hấp dẫn hơn.

Về thời gian tựu trường, Phó Thủ tướng cho rằng, cần xem xét kỹ. Thực tế các trường đều tựu trường sớm, con em ở đô thị họ cũng muốn tựu trường sớm, trong khi Bộ quy định khai giảng là ngày 5/9. Như vậy lại thành hình thức, năm học tới Bộ GD-ĐT cần bàn kỹ vấn đề này để có quy định phù hợp. 

Đọc thêm