Đại học Sư phạm vùng mòn mỏi “ngóng” thí sinh

(PLO) - 2018 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng điểm sàn riêng cho các trường sư phạm. Do đó, mặt bằng chung, các trường “đào tạo thầy cô” năm nay có điểm chuẩn tăng so với năm 2017 từ 2-7 điểm. Tình trạng 10 điểm/3 môn cũng đỗ để sau này làm thầy đã không còn như những năm trước…
Thí sinh giỏi chưa mặn mà vào sư phạm (Ảnh minh họa)
Thí sinh giỏi chưa mặn mà vào sư phạm (Ảnh minh họa)

Không còn 10 điểm/3 môn để học làm thầy

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy có 125.269 nguyện vọng vào trường sư phạm, trong đó 43.928 nguyện vọng 1. Chỉ tiêu vào các trường sư phạm năm nay là 35.599 thí sinh, điểm sàn xét tuyển vào các trường đại học (ĐH) là 17, CĐ là 15 và trung cấp là 13.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho biết ngưỡng này được xây dựng trên cơ sở kết quả điểm thi của các thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành sư phạm, cũng như yêu cầu chất lượng đầu vào của các ngành đào tạo giáo viên để bảo đảm chất lượng người thầy trong toàn hệ thống.

Chính vì thế, nếu như các trường đại học khối y-dược, công an, quân đội có điểm chuẩn  hạ từ 3-5 điểm, thậm chí 9 điểm so với năm 2017, thì điểm chuẩn của không ít trường sư phạm lại tăng đáng kể, đặc biệt là các ĐH vùng như ĐH Sư phạm Huế, ĐH Hồng Đức, ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Cụ thể, năm 2018, trong số các trường thành viên của ĐH Huế, chỉ có ĐH Sư phạm Huế có mức điểm chuẩn tăng cao so với năm 2017. Năm nay, hầu hết các ngành của Sư phạm Huế đều có điểm chuẩn là 22. Trong khi đó năm 2017, ĐH Sư phạm Huế công bố điểm chuẩn trúng vào một số ngành đào tạo sư phạm là 12,75, làm rộ lên những tranh cãi về chuyện đầu vào  thấp.

Tương tự với Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), năm 2017 trường lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành đào tạo với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia. Năm nay, ngành đào tạo giáo viên chất lượng cao (xét tuyển thí sinh thi THPT quốc gia 2018) đối với các ngành: Sư phạm Toán, Lý, Ngữ văn, Sử có điểm chuẩn là 24, là phải đạt điểm giỏi mới trúng tuyển vào các ngành này.

Một số trường ĐH sư phạm khác cũng đều có điểm chuẩn từ mức điểm sàn mà Bộ GD&ĐT quy định trở lên, từ 17 điểm. Với hai trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP HCM, một số ngành có điểm chuẩn giảm từ 1-4 điểm so với năm 2017, nhưng vẫn nằm ở top trường có điểm chuẩn cao. ĐH  Sư phạm Hà Nội 2 năm nay có 4 ngành học có điểm trúng tuyển cao nhất là 27.

Nhìn lại năm 2017, với đề thi được đánh giá là dễ, trong khi nhiều ngành đào tạo có điểm đầu vào cao thì ngành sư phạm bị “rớt giá” vì có điểm trúng tuyển tụt lùi. Nhất là các trường ở địa phương có điểm chuẩn thấp kỷ lục, thậm chí thí sinh chỉ cần đạt 9 điểm/3 môn cũng đỗ. Điều này khiến dư luận lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai.

ĐH địa phương: Khó tuyển?

Kết thúc xét tuyển lần 1, trong số 129 trường ÐH, CÐ sư phạm xét tuyển sinh bằng kết quả thi THPT quốc gia thì chỉ có 21 trường có số thí sinh trúng tuyển đạt 100% so với chỉ tiêu đề ra. 58 trường khác số thí sinh trúng tuyển đạt dưới 50% chỉ tiêu. Tuy nhiên, thí sinh trúng tuyển có đến nhập học hay không phải hết ngày 12/8 , các  trường mới biết chắc các em có thực sự nhập học hay không. Khi mà với điểm đầu vào từ 17 trở lên năm nay, các em đã có nhiều lựa chọn hơn.

Có thể nói, với mặt bằng điểm thấp như năm nay, mức sàn mà Bộ GD&ĐT đưa ra với các trường không hề dễ dàng, không ít trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt ở những vùng, ngành khó tuyển sinh hoặc hệ CĐ, trung cấp. Mặc dù để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, tỉnh Thanh Hóa đã “đặt hàng” ĐH Hồng Đức mở 4 ngành đào tạo chất lượng cao, gồm sư phạm Toán, Vật lý, Lịch sử và Ngữ văn. Mỗi ngành đào tạo 20 sinh viên, các thí sinh phải đạt từ 24 điểm trở lên.

Theo ông Nguyễn Mạnh An, Hiệu trưởng ĐH Hồng Đức thì điểm đặc biệt trong công tác đào tạo các ngành sư phạm của ĐH Hồng Đức là ngành đào tạo sư phạm của Trường sẽ chỉ tuyển sinh và đào tạo từ 10 đến 15 sinh viên theo “đặt hàng” của tỉnh. Những sinh viên có tổng điểm đầu vào từ 24 điểm 3 môn,  tốt nghiệp loại khá trở lên, phẩm chất đạo đức tốt sẽ được đảm bảo việc làm khi ra trường.

Tuy nhiên, ngay cả khi Thanh Hóa đã có cam kết bảo đảm đầu ra cho sinh viên sư phạm chất lượng cao thì việc tuyển sinh cũng không hề đơn giản. Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Mạnh An cho rằng “đã thua ngay trong lần đầu xung trận”.  Bởi điểm thi năm nay thấp, trên 83% thí sinh cả nước có điểm thi môn Lịch sử dưới trung bình, việc xét tuyển cho 3 tổ hợp Văn - Sử - Địa, Toán - Văn - Sử, Văn - Sử - tiếng Anh với mức điểm 24 là cực kỳ khó khăn.

Ngành sư phạm chất lượng cao thì môn Lịch sử chắc chắn không thể mở được, ngành Vật lý cũng tương tự. Và dù ĐH Hồng Đức dù đào tạo sư phạm cho Thanh Hóa và tuyển sinh trong cả nước, nhưng số thí sinh trúng tuyển cũng rất thấp: ngành sư phạm Toán là 12/20 chỉ tiêu, sư phạm Vật lý là 7/20 chỉ tiêu, sư phạm Hóa học là 5/20 chỉ tiêu, sư phạm Sinh học là 1/20 chỉ tiêu.

Khối ngành sư phạm Khoa học xã hội của Trường có phần khả quan hơn khi ngành Ngữ văn tuyển được 40 chỉ tiêu, Lịch sử được 39 chỉ tiêu, Địa lý 22 chỉ tiêu và Tiếng Anh 56 chỉ tiêu. Và với diện “đặt hàng” diện chất lượng cao, đảm bảo việc làm khi ra trường, thế nhưng kết quả trúng tuyển đợt 1 của Trường cho thấy,  chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển cho ngành Sư phạm Toán, 6 thí sinh trúng tuyển vào ngành Ngữ văn, 13 thí sinh trúng ngành Lịch sử, còn ngành Vật lý có 1 thí sinh đủ điểm tổng nhưng không đạt điều kiện điểm môn chính.

Tương tự, tại trường ĐH Phạm Văn Đồng, trường xét tuyển theo hai phương thức là kết quả thi THPT quốc gia và xét học bạ. Kết quả trúng tuyển đợt 1, ngành Vật lý chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia (điểm trúng tuyển 17,4 điểm). Ngành Ngữ văn có 4 thí sinh trúng tuyển.

Những ngành sư phạm khác như sư phạm Toán, sư phạm Tin học không có sinh viên nào trúng tuyển ở hệ ĐH. Trong khi đó chỉ tiêu của những ngành này là từ 20 đến 25 chỉ tiêu cho cả 2 phương thức xét tuyển. Với hệ CĐ của Trường, ngành sư phạm Toán đạt số lượng thí sinh trúng tuyển cao nhất 16 chỉ tiêu. Các ngành còn lại như Vật lý 2 chỉ tiêu, Hóa học 4 chỉ tiêu, Ngữ văn 8 chỉ tiêu...

Thực tế, đại diện Bộ GD&ÐT cũng cho biết, hiện 8 trường ÐH Sư phạm lớn của cả nước năm nay tuyển sinh rất tốt. Chỉ các trường ÐH Sư phạm địa phương là gặp khó khăn trong tuyển sinh. Ðiều này Bộ cũng đã lường trước. Nhưng quan điểm của Bộ GD&ÐT cương quyết không chạy theo số lượng mà phải giữ chất lượng đào tạo sư phạm. Chính vì vậy kể cả những ngành đang tuyển sinh và có đầu ra rất tốt như sư phạm Mầm non, sư phạm Tiểu học, Bộ cũng khống chế không cho tăng.

Do đó, để khắc phục những hạn chế trong đào tạo ngành Sư phạm, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ rà soát, sắp xếp và quy hoạch các cơ sở đào tạo giáo viên để hình thành 10 trường trung tâm có uy tín, đủ năng lực. Các cơ sở đào tạo khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm, tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho toàn hệ thống. 

Cần trả lại vị thế cho người thầy!

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện cả nước có hơn 100 cơ sở đào tạo giáo viên, có hơn chục nghìn sinh viên đã tốt nghiệp và đang có nhu cầu về việc làm. Thế nhưng, chúng ta đang mâu thuẫn về sự tồn tại của các cơ sở đào tạo sư phạm và việc nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm.

Chúng ta đang mâu thuẫn giữa mong muốn đầu tư đột phá cơ sở đào tạo sư phạm và lựa chọn cơ sở nào để đầu tư. Chúng ta đang để sự tồn tại lưng chừng của các trường đào tạo sư phạm và hệ quả của nó là “vàng thau lẫn lộn” và sâu xa hơn là chậm đổi mới, chậm sự phát triển của đất nước.

Hơn nữa, trong thời gian qua, các trường sư phạm chưa làm tốt việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội  để tạo ra sự tin tưởng trong xã hội “Tôi cho rằng, cần có câu trả lời về chất lượng đào tạo giáo viên càng sớm càng tốt nếu khát vọng mong muốn sớm đổi mới thành công vì người thầy có vai trò đặc biệt quan trọng và chỉ có trường tốt mới đào tạo ra thầy giỏi”, thầy Minh nhấn mạnh.

Bởi lẽ, nhiệm vụ của quy hoạch là ổn định và phát triển do đó cần phải xác định đối tượng bị tác động, các tác động xã hội, yếu tố nhân văn và chế độ chính sách. Ngoài ra, quy hoạch cũng cần phải xem xét tới yếu tố địa lý, văn hóa vùng miền trong mối tương quan với các cơ sở đào tạo giáo viên nhằm kích thích phát triển từng vùng.

GS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, chất lượng đào tạo sư phạm sẽ quyết định thành bại của đổi mới. Và điều này phụ thuộc vào các yếu tố như chất lượng đầu vào (năng lực học tập và đam mê công việc); chương trình đào tạo; cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên... Theo thầy Minh, nguyên nhân những năm gần đây học sinh giỏi ít mặn mà với sư phạm do 3 yếu tố: việc làm, thu nhập và tôn vinh, cơ hội thăng tiến. Và để nâng cao chất lượng đào tạo, bản thân các cơ sở sư phạm phải tự lột xác, đây là yếu tố quan trọng vì nếu không làm được việc này các trường khó làm được việc khác.

Đọc thêm