Dư luận phẫn nộ là điều dễ hiểu!

(PLVN) - Đánh (tát, bạt tai, dùng thước vụt,...) trẻ em lớp 2 (8 tuổi) thì hành động này có thể coi là tàn nhẫn chứ không còn là cách xử phạt thông thường nữa, dư luận phẫn nộ là điều dễ hiểu. 

Cô giáo ở Hà Nội phạt học sinh bằng hình thức quỳ đã gây ra những phản ứng khác nhau trong cộng đồng và tranh luận dữ dội.

Người thì chê trách cô giáo, nhân danh bảo vệ nhân phẩm trẻ em mà phản đối hình phạt mang tính xúc phạm này. Ý kiến khác cho rằng hình phạt này không có gì quá đáng, có thể áp dụng để rèn cặp các em vào khuôn phép,...

Song, lại có nhiều ý kiến lên tiếng bảo vệ cô giáo sau khi cô giáo bị kỷ luật và phê phán, đòi lại sự công bằng cho cô. Như vậy, dư luận dù có quan điểm khác nhau về cách xử phạt nhưng thống nhất với nhau ở cách xử sự công bằng, dù xử phạt học sinh hay kỷ luật cô giáo. Công bằng luôn được coi là chuẩn mực trong sự đối xử và giải quyết các mối quan hệ xã hội.

Trái ngược hoàn toàn với trường hợp cô giáo phạt học sinh quỳ gây tranh cãi thì vụ cô giáo đánh học sinh lớp 2 phải nhập viện ở Hải Phòng khiến dư luận phẫn nộ và đòi hỏi phải xử lý nghiêm khắc cô giáo này mà không có một ý kiến nào “đòi công bằng” cho cô giáo cả.

Sự việc này nóng bỏng đến mức đích thân Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phải đến tận trường cùng các ban, ngành liên quan tập trung giải quyết và có hình thức xử lý thích đáng đối với trường hợp này. Có thể coi đây là một vụ nghiêm trọng, bài học đắt giá trong việc dùng vũ lực “dạy dỗ” học sinh và dứt khoát, không để tái diễn bởi nó gây hệ lụy rất xấu không những cho ngành Giáo dục hiện tại mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách học sinh sau này.

Bắt quỳ với học sinh lớp 9 (15 tuổi), cái tuổi đã chớm vào giai đoạn trưởng thành, đã ý thức được “cái tôi” của mình thì cách xử phạt này là một sự xúc phạm nhân phẩm. Không nên áp dụng hình thức này, nó mang tính sỉ nhục trước bạn bè và gây những phản ứng tiêu cực với các em. Nhưng, đánh (tát, bạt tai, dùng thước vụt,...) với trẻ em lớp 2 (8 tuổi) thì hành động này có thể coi là tàn nhẫn chứ không còn là cách xử phạt thông thường nữa, dư luận phẫn nộ là điều dễ hiểu.

Dù sao, phạt quỳ hay đánh đập, mắng chửi học sinh đều là những hành vi phản giáo dục trong môi trường giáo dục và dứt khoát không tạo ra cái “uy” cần thiết của người thầy. Trong nhà trường, có thưởng thì phải có phạt là đương nhiên, nhưng phạt không phải là làm nhục đến tâm hồn và thể xác các em mà hình thức phạt là để giúp các em nhận thức lỗi lầm của mình mà tiến bộ. Nhà trường khác với ngoài xã hội là ở chỗ đó! 

Đọc thêm