Giáo dục nghề nghiệp sẽ là bài toán lớn của năm 2019

(PLVN) - Việt Nam hiện còn một tỉ lệ rất lớn lao động chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật lên đến gần 80% và mỗi năm có đến trên 300.000 học sinh tốt nghiệp, bỏ học ở bậc THCS không học lên THPT, mà bước vào thị trường lao động không có kỹ năng đang là bài toán cần được giải quyết. 
Mỗi năm có khoảng 700 ngàn người gia nhập vào thị trường lao động nên giáo dục nghề nghiệp nói chung và theo hướng mở rất cần thiết.
Mỗi năm có khoảng 700 ngàn người gia nhập vào thị trường lao động nên giáo dục nghề nghiệp nói chung và theo hướng mở rất cần thiết.

Ước mơ nhỏ của cậu bé đánh giày

Cha không may mất sớm vì tai nạn giao thông, cậu bé Nguyễn Văn Bình quê Thanh Hóa vì hoàn cảnh không thể học tiếp lên cấp 3 và cũng không thể rẽ ngang sang trường trung cấp nghề vì sau lưng còn tới 2 đứa em đang đi học.

Sắm một bộ đồ nghề đánh giày, Bình ra Hà Nội mưu sinh. “Địa bàn” hoạt động của Bình là quán cà phê ngay cạnh một cửa hàng rửa, sửa chữa xe ô tô chuyên phục vụ khách hàng đến ngồi đợi. Bình cho biết, từ nhỏ em đã rất mê máy móc, cơ khí nên khi không có khách em thường lân la sang cửa hàng xem các anh thợ làm việc, giúp đỡ việc vặt để có thể nhờ các anh thợ chỉ bảo.

“Em thích nghề này lắm và ước mơ  được học nghề để mở cửa hàng sửa chữa xe máy, ô tô, chứ cứ theo cái nghề đánh giày lang thang này mãi không có tương lai. Nhưng học trường nghề thì em không có tiền, học truyền nghề cũng được nhưng em cũng cần phải có thời gian đi đánh giày để nuôi thân. Giá như có cách học gì đó thật linh hoạt” – Bình bộc bạch ước mơ của mình

Trường hợp của Bình không hiếm trong xã hội hiện nay khi thống kê của Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam công bố tại hội thảo về phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở diễn ra năm 2018 cho thấy, ở nước ta còn một tỉ lệ rất lớn lao động chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật lên đến gần 80% và mỗi năm có đến trên 300.000 học sinh tốt nghiệp, bỏ học ở bậc THCS không học lên THPT, mà bước vào thị trường lao động không có kỹ năng đang là bài toán cần được giải quyết. 

Thuật ngữ “giáo dục mở” đã được nêu trong văn kiện của Đảng từ năm 2006 với chủ trương chuyển dần mô hình giáo dục sang mô hình giáo dục mở. Dự thảo  Luật Giáo dục sửa đổi cũng đưa vào quy định: Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và thường xuyên.

Tuy còn một số cách hiểu khác nhau như tựu trung thống nhất về đặc trưng của giáo dục nghề nghiệp mở là mở về tư duy đào tạo nghề nghiệp; mở cho mọi người (người lao động, phụ nữ, người lớn tuổi, người yếu thế...); mở về địa điểm (tại trường, doanh nghiệp, trạm trại, làng nghề, đồng rộng, tại nhà dân...); mở về thời gian đào tạo; mở về chương trình đào tạo (từ cao đẳng cho tới dưới 3 tháng; mở về phương pháp (trực tiếp, từ xa, lưu động)... 

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học nghề - tạo việc làm là xu hướng chung của các quốc gia, đồng thời gỡ bỏ mọi rào cản để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho mọi người về cơ hội tiếp cận các dịch vụ đào tạo nghề, bao gồm việc học nghề, khởi nghiệp, có việc làm.

Tuy nhiên, theo TS Phan Chính Thức - Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội VN  để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt phải bắt đầu từ “tư duy và thể chế”.  TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng rào cản về sức ì của hệ thống giáo dục vẫn chủ yếu là một hệ thống đóng, tập trung vào đầu vào và hướng tới thi cử.  

GS Đào Trọng Thi - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - đề nghị chia trình độ đào tạo sơ cấp (gồm các khóa đào tạo ngắn hạn với các thời lượng đào tạo khác nhau) thành 3 bậc: sơ cấp 1, sơ cấp 2 và sơ cấp 3, tương ứng ba bậc 1-3 trong khung trình độ quốc gia.  Thiết kế chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp thành các môđun, tín chỉ năng lực và tổ chức đào tạo theo phương thức tích lũy môđun, tín chỉ... 

Như vậy, nếu như việc thay đổi tư duy và thể chế  để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở được xúc tiến nhanh chóng thì ước mơ của cậu bé Bình sẽ sớm thành hiện thực.

Hướng đến chất lượng và số lượng việc làm

Cũng liên quan đến câu chuyện nghề nghiệp và giáo dục nghề nghiệp, năm 2019 là năm mà ngành LĐ-TB&XH tiếp tục hướng đến chất lượng và số lượng việc làm. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mỗi năm có khoảng 700 ngàn người gia nhập vào thị trường lao động, và cũng hàng năm giải quyết được xấp xỉ 500 ngàn người. Như vậy, vẫn còn khoảng 200 ngàn người thất nghiệp.

Vì thế, việc đầu tiên, phải cố gắng để giải quyết cho mọi người có công ăn việc làm. Đây phải là ưu tiên số một. Nhưng không có nghĩa chỉ chạy theo số lượng. “Chất lượng ở đây là phải toàn diện, chú trọng những ngành nghề, những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng, tay nghề cao, chuyên môn cao, bắt kịp xu hướng phát triển ở trong nước, cũng như quốc tế. Nhất là những nghề như tin học, ngành nghề du lịch, những nghề các nước phát triển đang đòi hỏi, chứ không chỉ lao động phổ thông nữa” – theo ông Đào Ngọc Dung.

Như thường lệ, việc dự báo ngành, nghề nào sẽ thu hút lao động trong năm 2019 luôn được xã hội quan tâm. Theo ông Đào Ngọc Dung, các ngành nghề tập trung thu hút trong năm 2019- 2020, trước hết chủ yếu vẫn là khu vực FDI. Khu vực này dự báo sẽ tiếp tục thu hút lao động, rồi đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Để thực hiện chuyển dịch kinh tế nông thôn, theo hướng ly nông không ly hương, các doanh nghiệp, các công nghiệp ở ngay nông thôn, như vậy người nông dân có thể ăn cơm nhà, làm công nghiệp. Thứ hai, một số ngành nghề ưu tiên, sẽ tập trung vào những ngành nghề công nghệ, các ngành nghề khoa học như tin học, đào tạo cho lĩnh vực du lịch cũng tăng lên.

Rồi một số ngành nghề phù hợp với xu hướng chuyển dịch của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tăng lên. Số này chủ yếu dành cho đối tượng được đào tạo căn bản. Lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp sẽ chủ yếu xoay quanh nhu cầu này và giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung kết nối doanh nghiệp, những doanh nghiệp như cơ khí, đào tạo, lắp ráp... và một số lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ 3, cũng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ hướng mạnh sang một số lĩnh vực có yêu cầu trình độ cao để phù hợp với ngành nghề mà các nước yêu cầu. Có thể kể đến một số thị trường như: Đức, Thụy Điển, Rumani, Australia, Singapore... 

Đọc thêm