'Học phí' hay 'học giá'?

(PLO) - Liên quan đến nội dung sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục Đại học (GDĐH), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề xuất đưa cụm từ “giá dịch vụ đào tạo” thay cụm từ “học phí” để tính phí dịch vụ đào tạo và các khoản thu dịch vụ khác khiến dư luận “dậy sóng”…
Tình thầy trò không thể tính theo Luật Giá.
Tình thầy trò không thể tính theo Luật Giá.

“Trần tình” của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Về vấn đề này, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội  đã không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong Dự thảo Luật. Trả lời vấn đề này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ý kiến của cơ quan thẩm tra chủ yếu là về sử dụng thuật ngữ, không phải vấn đề quan điểm điều chỉnh pháp luật. Theo quy định của Luật phí, lệ phí hiện nay thì học phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế tính giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định, với những khoản mà người học phải đóng góp cho quá trình học, thuật ngữ học phí vẫn nên sử dụng để đảm bảo tính thông dụng, dễ hiểu, dễ áp dụng. 

Điều 105 Dự thảo sửa Luật Giáo dục vẫn quy định về học phí. Tuy nhiên, cơ chế xác định và thu học phí đã được đổi mới theo Luật Giá. Điều 105 nêu trên quy định: Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, đào tạo. Nội dung này được cơ quan thẩm tra rất đồng thuận. Về tên gọi của Điều 65 Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH là “Giá dịch vụ đào tạo” vì điều này không chỉ quy định về học phí mà còn quy định về các vấn đề như: Nhà nước đặt hàng đào tạo, dịch vụ sử dụng/ không sử dụng ngân sách nhà nước, dịch vụ tuyển sinh… nên gọi chung là giá dịch vụ đào tạo theo nghĩa rộng, để khái quát cho tất cả các nội dung được đề cập đến trong điều này. Riêng phần đóng cho đào tạo được viện dẫn sang Điều 105 nêu trên; nghĩa là, đối với khoản tiền mà người học phải đóng cho quá trình học vẫn được quy định là học phí.

Về nội dung, đối với dịch vụ do Nhà nước đặt hàng đào tạo và cấp kinh phí để thực hiện và đối với các cơ sở GDĐH công lập, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định khung giá và giá cụ thể. Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước, cơ sở giáo dục đại học xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật. Các mức này đều được tính theo cơ chế tính giá và phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.

Quy định như trên với mục đích để đảm bảo đổi mới căn bản về tài chính GDĐH, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam, minh bạch để người học lựa chọn các chương trình, cơ sở đào tạo phù hợp. Tuy nhiên, Dự thảo mới được đưa ra xin ý kiến Quốc hội và toàn xã hội. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo trong thời gian tới.

Chỉ vì phí không được tính đúng, tính đủ?

Điều 65. Giá dịch vụ đào tạo

1. Dịch vụ đào tạo gồm: dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác theo quy định của Pháp luật. Mức thu giá dịch vụ đào tạo được xác định theo quy định tại Điều 105 của Luật Giáo dục.

2. Đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính quy định khung giá và giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học công lập; khung giá, giá tối đa và giá cụ thể dịch vụ tuyển sinh. Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước: Cơ sở giáo dục đại học xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh”.

Là người trong cuộc, một giáo sư đầu ngành chia sẻ: “Có những thứ được thu, được chi như tôi biết rất “buồn cười”, nhưng thấy bảo rằng nó tồn tại vì “học phí” thấp, không đủ trang trải nên người ta thực hiện nó cho “hợp lí”.

Ở trường đại học, tôi không rõ lắm tất cả các trường khác (mà được thu học phí đủ) thì thế nào, nhưng ở những trường được đại học công lập thì vẫn còn nhiều khoản được chi để bù như thế. Đấy là “luật bất thành văn”. Nào là: tiền giờ dạy, tiền chấm luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu quá thấp, nên khi đi học, các học viên tự nguyện đóng một chi phí để bù đắp, mà tôi luôn nghĩ cho sang trọng đó là “cảm ơn”.

Người học ngoài học phí phải bảo nhau đóng nhiều khoản khác. Tiền xe đưa đón, tiền thuê phòng học... Có mấy người bạn của tôi bảo, có lẽ rằng “thu học phí rẻ quá” nên người ta ồ ạt đi học cao học...

Nhưng những người đi học thỉnh thoảng than “thà cứ thu cho đủ đi, chứ thế này chẳng biết thế nào mà lần”. Còn tôi, thi thoảng đi làm thuê cho các trường đại học tư, được người ta trả hợp lí (tính tổng ra thì thu nhập ở trường công cũng chẳng thấp hơn là mấy,...), nhưng chạnh lòng, vì cứ thấy họ rì rầm là “ở trường công còn có thêm “phong bì” nên chắc là “sướng hơn”.

Nào đâu có, cái gì cũng có giá của nó. Để có tấm bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ... nếu học phí chỉ mấy trăm đô la cho cả khóa học thì phải bù thêm ngoài học phí. Tôi là tôi cứ muốn Nhà nước phải trả cho đúng, chứ tôi cứ nhận “cảm ơn”! Tội lắm. Tôi cũng biết, chúng ta có chính sách miễn học phí cho những đối tượng khó khăn, đối tượng có công... nhưng khá nhiều người trong số họ than rằng “miễn để làm gì, có đáng bao nhiêu mà miễn, bao nhiêu thứ khác còn thu chứ có phải mỗi học phí đâu, cứ bảo các khoản đó là tự nguyện, nhưng mà còn hơn bắt buộc”...

Trong khi đó, có ý kiến cũng bày tỏ thẳng thắn, nếu tính tổng chi phí xã hội đầu tư cho giáo dục (ngân sách quốc gia + gia đình) thì Việt Nam đang nằm ở top đầu. Tuy nhiên, chúng ta lại đang phân biệt đồng mua bằng cấp (thi cử, học ở trường) đồng mua kiến thức (học thêm), đồng mua kỹ năng, mua ở những chỗ khác nhau và về tự trộn lên thành “phẩm chất, năng lực, giá trị” đầu bếp lại vụng về nên cuối cùng chất lượng kém không đều.

Nếu chấp nhận “trả giá” cho giáo dục để thực sự chúng ta “mua được” nền giáo dục chất lượng tốt, để trẻ em không phải đi học thêm, nhà trường không phải phụ thu (thu giá trá hình) và nhà cung cấp dịch vụ phải chủ động quản trị hiệu quả hệ thống giáo dục thay vì tràn lan như hiện nay thì cái giá phải trả không đắt. Nếu điều đó thành sự thật, chất lượng nguồn nhân lực quốc gia và tương lai của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào lương tâm của “doanh nhân giáo dục” sao?

Cùng quan điểm trên, GS Toán Phùng Hồ Hải cũng cho rằng, về mặt ngữ nghĩa thì “Giá dịch vụ đào tạo” tương đương với “Mức học phí” và nhiều khi gọi tắt là “Học phí”. Tuy nhiên, cũng giống như Bộ GTVT, điểm cốt yếu ở đây là sự khác nhau căn bản giữa “phí” và “giá dịch vụ”. Tôi có thể đồng ý để Bộ GTVT thu tiền hay thu phí qua trạm BOT theo “bảng giá dịch vụ gì gì đó”. Nhưng nếu coi việc đào tạo tại THPT và các trường đại học là thứ dịch vụ có thể ngã giá được thì tôi lấy làm lo lắng.

Hình dung các sỹ tử vài năm nữa sẽ trao đổi với nhau kiểu “Bách khoa năm nay giá bao nhiêu?” hay “Chuyên AMS năm nay rớt giá”?! Đào tạo phổ thông và đào tạo đại học không phải là thứ mặt hàng để mua và bán, bất cứ đâu trên thế giới. Thương mại hóa giáo dục quốc dân là một điều vô cùng nguy hiểm, nhất là trong một môi trường và một thể chế nơi mà bằng cấp và các danh hiệu được người ta coi trọng quá mức.

Lạm thu, Luật Giá có tính được bằng nghĩa thầy trò?

Mang một nỗi lo khác, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho hay: “Đổi tên “phí” thành “giá” là điển hình cho việc đánh tráo khái niệm nhằm mục đích “tận thu” đối với sinh viên. Có thể thấy “phí” là chi phí, là hao tổn trong tiêu dùng.

Cắt nghĩa từ “học phí” thì có thể hiểu đơn giản là tiền sinh viên nộp cho nhà trường trong khoảng thời gian nhất định về việc học tập của mình. Và số tiền này được Nhà nước quy định trong một khung nhất định. Còn “giá” là giá trị của một vật, được quy định bằng tiền.

“Giá dịch vụ đào tạo” là tiền sinh viên nộp cho nhà trường trong khoảng thời gian nhất định về việc học tập của mình. Và số tiền này các trường có thể tự ý đưa ra tùy theo dịch vụ, nhu cầu mà nhà trường cung cấp cho sinh viên. Vì thế nhà trường có thể tăng cũng có thể giảm “giá dịch vụ đào tạo”.Nguy cơ các trường có thể “lạm thu”, lách luật là điều khó tránh khỏi. Họ chỉ cần giải thích “dịch vụ của tôi cao hơn tôi thu nhiều tiền hơn” thì sinh viên cũng đành chịu và lúc đó biết kêu ai?”. 

Có thể nói, có lẽ đề xuất đổi tên từ “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”, giúp cho các cơ sở giáo dục đào tạo, nhà trường… có quyền tự định đoạt mức thu học phí, thế nhưng nguy cơ ai cũng lo là sẽ lạm thu, tăng giá… Bởi ai cũng hiểu, học phí hay lệ phí sẽ là những khoản thu được Nhà nước tính toán và quy định, còn định giá sẽ là quan hệ sòng phẳng “mua bán”, nghĩa là khi bỏ tiền ra mua món gì, tâm lý của bất kì ai cũng sẽ đặt câu hỏi, có xứng với đồng tiền, bát gạo không?

Thế nhưng, giáo dục đào tạo lại là ngành “trồng người”, không chỉ truyền đạt kiến thức, kĩ năng mà còn cả đạo lý, những giá trị tinh thần, sự vun đắp nhân cách cho học trò, vun đắp tình cảm thầy trò, là những thứ không thể được quyết định thuần túy bằng tiền, bằng giá cả, và không thể đem Luật Giá chi phối những giá trị cao cả đó. Những giá trị đó chỉ được vun đắp từ sự trong sáng, cao thượng, bao dung, thấm đẫm tình thầy trò mà không tiền nào mua được…

Đọc thêm