Hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp năm 2017

(PLO) - Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2017, số lượng người thất nghiệp có bằng cử nhân tiếp tục gia tăng, hơn 200.000 người so với năm 2016.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

GS. VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hàng chục vạn sinh viên ra trường thất nghiệp. Nguyên nhân thứ nhất là, tỷ lệ thất nghiệp cũng phụ thuộc nhiều vào mức độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Kinh tế không tăng trưởng thì tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Nguyên nhân tiếp theo là, chúng ta đã cung cấp nhân lực không phù hợp với thị trường lao động, đào tạo chưa gắn đến quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.

Lỗi này cũng không chỉ do ngành GD mà bởi thiếu dự báo chính xác về nhu cầu nguồn nhân lực, thiếu quy hoạch tổng thể. Nguyên nhân thứ 3 chính là trách nhiệm của ngành GD khi chất lượng đào tạo nhân lực của các cơ sở đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế. Điều này tác động đến việc sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. Trước thực trạng này, tại kỳ họp QH vừa qua Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết sẽ yêu cầu các trường báo cáo số sinh viên ra trường không có việc làm để hạn chế tuyển sinh ồ ạt.

Có thể nói, chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Hiện chúng ta đang đổi mới giáo dục theo hướng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, phát triển kỹ năng mềm... để đáp ứng yêu cầu nhân lực của xã hội. Để thực hiện chương trình này thì người thầy cũng phải đào tạo bồi duỡng lại. Không chỉ nhà trường mà các doanh nghiệp cũng cần phải tham gia vào khâu trong đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mối quan hệ này thực sự quan trọng nhưng hiện nay chúng ta làm chưa chặt chẽ, chưa có sự điều phối giữa lợi ích và nghĩa vụ các bên.

Thế nhưng, theo GS Đào Trọng Thi, với tình trạng sinh viên thất nghiệp ngày càng nhiều nên các em đã biết tính toán xem học ở đâu tốt và ngành nghề nào để dễ kiếm việc. Điều đó buộc các nhà trường phải tìm hiểu lại xem doanh nghiệp họ cần lao động gì để từ đó nâng cao khả năng thích ứng của người học, giúp họ ra trường làm được việc ngay. Đồng thời, khi đào tạo nguồn nhân lực chúng ta cũng phải được phân hóa theo các cấp độ, như: trình độ hội nhập quốc tế, trình độ khu vực và trình độ phù hợp với kinh tế sản xuất của đất nước. 

Lẽ thường, nhiều ý kiến bi quan về con số này bởi nó phản ánh phần nào bộ mặt của một nền kinh tế thiếu cơ hội việc làm. Phản ánh phần nào chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục đại học, khiến những sinh viên tốt nghiệp đại học không đáp ứng được nhu cầu lao động...

Thế nhưng, hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là một áp lực để thay đổi sự lựa chọn con đường của một thế hệ thanh niên mới. Sẽ có nhiều quyết định khởi nghiệp xuất hiện ở những lao động có trình độ thay vì cố gắng tìm kiếm một vị trí làm công đang ngày càng khan hiếm.

Đọc thêm