Khổ tâm vì theo nghề... cha mẹ chọn

(PLO) - Những người làm cha, làm mẹ luôn luôn muốn con mình có một cuộc đời tốt nhất. Đó cũng là lý do vì sao các bậc cha mẹ thường định hướng việc học tập cho con để chuẩn bị cho công việc mà họ đã sắp đặt sẵn  mà hầu như không để ý đến cảm nghĩ của con, vô tình gây ra những chấn động tâm lý cho con. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chùn vai vì “gánh nặng” truyền thống gia đình

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ông bà, cha mẹ là những nghệ sỹ có tên tuổi trong làng chèo, V.A một sinh viên của Trường Đại học Sân khấu điện ảnh cho biết, từ nhỏ đến khi học trung học phổ thông V.A  vẫn được học văn hóa như bình thường, đến lớp 12 V.A  dự định học quản trị kinh doanh nhưng lại bị bố và ông bà phản đối và bày tỏ mong muốn V.A sẽ tiếp nối truyền thống của gia đình.

Lúc đó khi đang cố gắng học để thi đỗ đại học, bố mẹ V.A  liên tục gọi điện nói rằng V.A  không thể học trường đại học bình thường được mà phải theo chèo thì sau này bố mẹ mới lo cho được công việc sau này. Trước sức ép từ phía gia đình ,V.A buộc lòng phải chiều theo lòng bố mẹ và thi và Đại học Sân khấu điện ảnh.

Dù đang là sinh viên năm gần cuối của Đại học Sân khấu điện ảnh nhưng suy nghĩ bỏ học vẫn luôn hiện hữu trong đầu V.A. Em luôn cảm thấy mình bị lạc lõng trong lớp, trong trường. Về nhà, V.A  luôn cảm thấy mình như một kẻ tội đồ trong con mắt của bố mẹ vì “ba mẹ không hiểu mình và mình cũng chưa bao giờ hiểu suy nghĩ của ba mẹ ”.

V.A  chia sẻ: “ Nếu bây giờ được quay trở lại quá khứ, được lựa chọn lại mình chắc chắn sẽ cố gắng đấu tranh để được làm những gì mình muốn, làm theo những gì mà con tim mình mách bảo”. Và đến hiện tại thì V.A  đã quyết định tạm gác lại mong muốn của gia đình và thực hiện ước mơ của mình. V.A đang cố gắng học tiếng Anh để xin học bổng du học sang Úc theo học ngành quản trị kinh doanh hằng ấp ủ suốt 5 năm qua.

Học cách để cần bằng cả hai phía

Định hướng việc học tập, sở thích hay công việc của con cái là việc mà bố mẹ mong muốn để giúp con có được tương lai tốt đẹp, trở thành người có ích. Tuy nhiên, qua câu chuyện của V.A thì phải chăng còn một phần rất quan trọng mà bố mẹ thường hay bỏ quên, đó là những mong muốn của con cái. Bàn về vấn đề này có quan điểm cho rằng, định hướng của bố mẹ đối với việc học tập hay công việc là cần thiết, tuy nhiên ở mức độ nào đó khi con cái có sở thích hay năng khiếu nào khác, bố mẹ cũng nên tôn trọng thì mới phát huy được năng lực của con, nếu không “quả quýt mà muốn thành cây cam” thì rất khó, đặc biệt là khó thành đạt trong cuộc sống sau này.

Vậy việc định hướng theo mong muốn cho con cái có phải là phương án hợp lý và nên hay không nên chiều theo sở thích của con cái? Trả lời câu hỏi này, một giảng viên đại học chia sẻ: “Điều này là vừa nên vừa không nên. Ở đây là mỗi trẻ có một sắc thái, một năng lực, năng khiếu khác nhau cho nên cái mà các em thích nó bộc lộ ra thì đó chính là cái tự nhiên của người đó và có thể đấy chính là sở trường, tiềm năng của các em.

Các bậc phụ huynh nên tôn trọng điều đó và nên định hướng chiều theo mong muốn của trẻ. Còn không nên ở chỗ, đôi khi mong muốn của con cái mang tính chủ quan, không thực tế và quá lý thuyết, trong trường hợp này bố mẹ cần can thiệp và giúp con cái nhận biết được được điều đó không thực tế, nhận thức được khả năng thực tế là cái gì, đây là phần có vai trò của cha mẹ trong đó”.

Qua câu chuyện của V.A  có thể dễ dàng nhận thấy, việc định hướng không dựa trên sở thích, năng khiếu của con sẽ tạo ra những mâu thuẫn, xung đột khó mà hòa giải. Mâu thuẫn kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý con người và để lại những hậu quả tâm lý nghiêm trọng.  

Vậy phải làm sao để có thể giải quyết mâu thuẫn và hạn chế những hệ quả tâm lý đối với con cái? Chia sẻ về vấn đề này Tiến sỹ Trương Quang Lâm – chuyên ngành tâm lý học cho biết, vấn đề ở đây là xung đột gia đình, xung đột giữa các thế hệ giữa cha mẹ và con cái, bao giờ cũng vậy cha mẹ cũng phải tự đặt câu hỏi liệu mình đã định hướng đúng cho con hay chưa và người con cũng phải như vậy cũng phải tự đặt câu hỏi liệu đó có phải là điều mình muốn hay chưa, mình có quyết tâm làm hay không.

Ở Việt Nam cha mẹ gần như luôn song hành với con cái trong suốt cuộc đời, vấn đề ở đây là cha mẹ cần phải thay đổi cách ứng xử, cha mẹ cũng phải học cách để làm cha mẹ, cái gì cũng có hai mặt của nó. Đứa trẻ mong muốn nhưng không đạt được điều đó thì nó cũng đau khổ, mà bố mẹ mong muốn nhưng con không đạt được thì bố mẹ cũng đau khổ. Cho nên chúng ta phải nhìn ở hai mặt, một là sở thích năng lực thực tế của trẻ, hai là cha mẹ định hướng phải dựa trên sự quan tâm, giao quyền và giao trách nhiệm cho con,có như vậy thì mọi thứ mới được hài hòa.

Đọc thêm