Thi lớp 10 ở Hà Nội: Giảm thí sinh vẫn không bớt căng thẳng

(PLVN) -“Thay vì kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển học bạ 4 năm ở bậc THCS như năm học trước, kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay chỉ dựa vào kết quả thi tuyển của học sinh...”, bà Nguyễn Thu Hà - Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (Sở GD-ĐT) cho biết.  
Kì thi lớp 10 Hà Nội - căng hơn vào đại học?
Kì thi lớp 10 Hà Nội - căng hơn vào đại học?

Cuộc đua giành 'tấm vé' trường công

Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 90.000 học sinh sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020. So với năm học trước, số học sinh đăng ký dự tuyển ít hơn gần 5.000 học sinh.

Mặc dù lượng thí sinh giảm nhưng số lượng tuyển vào trường công lập dự kiến cũng giảm nhẹ do các trường đã đẩy hết công suất phòng học cho năm 2018. Thế nên “sức nóng” trong cuộc đua giành tấm vé vào lớp 10 công lập vẫn không hề “hạ nhiệt”.

Thêm nữa, năm học 2019-2020 là năm học đầu tiên thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10. Thay vì kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển học bạ 4 năm ở bậc THCS như các năm học trước, kỳ thi vào 10 tại Hà Nội năm nay chỉ dựa vào kết quả thi tuyển của học sinh. 

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Phạm Văn Đại cho biết, năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 các trường công lập chiếm 62%, tương đương với năm học trước. Tuy nhiên, đây là tỷ lệ trung bình trên toàn thành phố, còn tại khu vực các huyện hoặc địa bàn khó khăn, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập chiếm tỷ lệ cao hơn. 

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng quy định không áp dụng việc cộng điểm khuyến khích chứng chỉ nghề, trừ một số trường hợp thuộc diện ưu tiên. Như vậy, học sinh sẽ không được điểm cộng khuyến khích hay điểm học bạ trong kỳ thi năm nay.

Và điều khiến phụ huynh căng thẳng là trong số hơn 100 trường công lập thì các trường nội thành đang giảm mức chênh lệch điểm giữa các trường tốp đầu và giữa. Khoảng cách tiệm cận này khiến cho học sinh có thể bị trượt công lập dù điểm không thấp, nếu đăng ký không phù hợp với 2 nguyện vọng của mình. 

Lưu ý khi đăng kí nguyện vọng 1, 2

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập Hà Nội sẽ diễn ra (vào ngày 2 và 3/6). Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội) nhắc nhở: “Điều cần lưu ý đầu tiên đối với các thí sinh là phải tham dự đủ bốn bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ xét tuyển những học sinh có đủ bốn bài thi, không có bài thi nào bị điểm không và không vi phạm quy chế thi đến mức bị hủy kết quả bài thi”.

Ngoài ra, học sinh cần ghi nhớ quy chế thi để không dẫn đến những sai phạm đáng tiếc. Ở khâu đăng ký dự tuyển, theo quy định, mỗi học sinh được quyền đăng ký tối đa 7 nguyện vọng, trong đó có 2 nguyện vọng vào lớp 10 trường công lập; các nguyện vọng còn lại có thể dự tuyển vào trường có lớp chuyên, trường công lập tự chủ tài chính, trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên-giáo dục nghề nghiệp hoặc trường nghề. Mọi học sinh đăng ký dự tuyển trên địa bàn Hà Nội đều được hưởng quyền lợi này, bất kể các em đang học lớp 9 tại các trường công lập hay ngoài công lập ở Hà Nội hoặc là thí sinh tự do. 

Tuy nhiên, trong quá trình đăng ký dự tuyển, học sinh cần lưu ý cách sắp xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng cho phù hợp với nhu cầu và năng lực học tập của mình. Ông Phạm Quốc Toản nhấn mạnh: Nếu đặt mục tiêu vào học trường công lập, học sinh cần nhớ mỗi em chỉ có 2 nguyện vọng vào trường công lập, 2 trường này phải thuộc cùng một khu vực tuyển sinh. Danh sách 12 khu vực tuyển sinh đã được công bố để làm căn cứ cho học sinh đăng ký dự tuyển.

Khi đăng ký dự tuyển, học sinh phải sắp xếp theo thứ tự: Nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Nếu học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không được xét tuyển nguyện vọng 2. Trường hợp học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì được xét đến nguyện vọng 2 với điều kiện phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường đó ít nhất 1,5 điểm.

Do đó, ngay từ thời điểm này, bên cạnh việc tập trung ôn tập, các em cần dành thời gian tìm hiểu về các trường, tham khảo mức điểm chuẩn vài năm gần đây của trường định đăng ký dự tuyển để có căn cứ lựa chọn, sắp xếp thứ tự nguyện vọng nhằm tăng cơ hội trúng tuyển. 

Đồng thời, học sinh cũng cần lưu ý đến điều kiện đăng ký dự tuyển vào các loại hình trường, nếu không nắm rõ có thể sẽ đăng ký sai, dẫn đến nguy cơ lỡ cơ hội học tập. Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, học sinh không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, không được đăng ký dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập. Các học sinh này có thể học tại các loại hình trường: công lập tự chủ tài chính, ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, trường nghề. 

Đọc thêm