Thí sinh Hà Nội kết thúc kỳ thi vào lớp 10

(PLVN) - Sáng 3/6, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hệ không chuyên năm 2019 ở Hà Nội chính thức khép lại với 2 bài thi môn Tiếng Anh, Lịch sử. Chiều 3/6, các thí sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT chuyên tiếp tục thi các môn chuyên: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ, Văn, Lịch sử, Địa lý.
Các thí sinh rời phòng thi
Các thí sinh rời phòng thi

Sau những căng thẳng với môn Toán chiều 2/6 vì nhiều câu hỏi phần hình học khá khó thì 2 môn cuối vào sáng 3/6 đã giúp thí sinh lạc quan hơn. Thí sinh làm bài môn thi Ngoại ngữ trước, bắt đầu từ 8h đến 9h. Sau đó, từ 9h30, thí sinh thi tiếp môn Lịch sử. Đề thi môn Lịch sử vào lớp 10 năm nay được ra theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi phòng thi gồm 24 thí sinh sẽ làm một mã đề khác nhau.

Sau khi kết thúc môn thi Lịch sử, nhiều thí sinh cho rằng, đề thi nằm trong chương trình sách giáo khoa lớp 9, ưu điểm của đề là ra theo hình thức trắc nghiệm nên thí sinh không phải học thuộc lòng các chi tiết mà phải học một cách thực sự hiểu và nắm các mốc thời gian một cách chính xác. Trong một buổi sáng thi 2 môn Ngoại ngữ và Lịch sử thì với các câu hỏi trắc nghiệm sẽ không làm thí sinh quá căng thẳng.

Tuy nhiên, từ lâu học sinh chưa quen với hình thức thi 4 môn nên có thể trong thời gian tới, Sở GD-ĐT Hà Nội nên công bố môn thi thứ 4 sớm hơn 2 tháng. Chẳng hạn thay vì tháng 3 mới công bố thì nên công bố vào tháng 1 hàng năm.

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, Giáo viên Lịch sử, Hệ thống Giáo dục Hocmai nhận định: đề thi phù hợp với yêu cầu của kì thi, vừa sức với thí sinh và vẫn có tính phân loại, mức phổ điểm chủ yếu ở mức 7 điểm. Nhìn chung, đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình Lịch sử lớp 9. Các câu hỏi phủ đều các cấp độ nhận biết (60%), thông hiểu (30%) và vận dụng (10%). Trong đó, có 12 câu thuộc phần Lịch sử thế giới (chiếm 30%) và 28 câu thuộc phần Lịch sử Việt Nam (70%). Về cơ bản học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa đều có thể hoàn thành tốt. 

Đồng quan điểm, cô giáo Lê Thu, Tuyensinh247.com cho rằng,  năm 2019 là năm đầu tiên thành phố Hà Nội chọn Lịch sử làm môn thi vào lớp 10. Dựa vào đề thi năm nay, có thể rút ra phương pháp, bí quyết học tập hiệu quả cho thí sinh ôn thi vào 10 các năm tới như sau: Ôn thi bám sát kiến thức cơ bản (những phần kiến thức đã được SGK lịch sử 9 cung cấp); sắp xếp, phân bổ thời gian ôn tập hợp lí dưới sự hướng dẫn của giáo viên, tránh ôn dồn dập vào giai đoạn cuối. Đồng thời sử dụng bảng biểu, sơ đồ tư duy, … để bao quát những vấn để học tập xuyên suốt, mang lại hiệu quả ôn thi cao hơn.

Như vậy, với thí sinh không thi chuyên, kỳ thi vào lớp 10 đã chính thức khép lại. Riêng với khối chuyên, thí sinh sẽ thi các môn chuyên vào chiều 3/6 và ngày 4/6. Thí sinh dự thi chương trình song bằng tú tài sẽ phải kéo dài thêm các buổi thi từ 5/6 và vào vòng phỏng vấn ngày 18/6.

Được biết, ngay sau khi kết thúc kỳ thi, các hội đồng chấm thi từng môn sẽ được thành lập để hoàn thành điểm số trước ngày 20/6. Cán bộ chấm thi có 50% là giáo viên THCS, 50% là giáo viên THPT. Năm nay Hà Nội áp dụng phương thức thi mới cho các trường THPT với 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử, tuy nhiên cách tính điểm xét tuyển vào các trường, lớp chuyên vẫn không thay đổi do không tính điểm Lịch sử.

Điểm xét tuyển vào trường, lớp chuyên của Hà Nội là tổng điểm của các môn không chuyên Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh (hệ số 1) và môn chuyên (hệ số 2). Đề thi môn chuyên được áp dụng hình thức tự luận. Riêng môn Ngoại ngữ (thi vào các lớp chuyên Ngoại ngữ) được áp dụng kết hợp giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan để đánh giá các kỹ năng nghe, đọc, viết. Đề thi dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành của Bộ GD-ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS, đảm bảo các cấp độ nhận thức: Thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao.

Đọc thêm