Xôn xao dự thảo phạt tiền giáo viên, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT nói gì?

(PLO) -  "... Khi tập huấn, chúng tôi sẽ phải chỉ rõ thế nào là xúc phạm danh dự nhân phẩm, thân thể. Ví dụ chửi bới là tác động tinh thần, đánh đập là tác động thân thể. Điều này không có nghĩa là tôi véo tai học sinh một cái hoặc vụt vào tay học trò thì phạt bao nhiêu triệu. Nhưng với những hành vi như dọa cho trẻ vào máy vặt lông gà hoặc thầy cô bắt học sinh liếm ghế... thì không thể không xử phạt", ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT nói. 
Thầy cô sẽ không sợ phạt, khi dạy trò bằng kiến thức và trái tim mình. (Ảnh minh họa)
Thầy cô sẽ không sợ phạt, khi dạy trò bằng kiến thức và trái tim mình. (Ảnh minh họa)

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) soạn thảo, hiện lấy ý kiến nhân dân từ ngày 28/9-25/11, sau đó sẽ được ban hành chính thức. Theo đó, mọi hành vi không đúng chuẩn mực đạo đức đều được quy ra tiền, phần đa thầy cô cho rằng sẽ làm ngơ nếu trò hư và cảm thấy chạnh lòng…

Lương 1 triệu phạt 30 triệu

Theo đó, tất cả các lỗi như chửi, xúc phạm, đánh học sinh đều bị quy thành tiền, “đánh” trực tiếp vào túi tiền của giáo viên nếu vi phạm. Điều 32 Dự thảo Nghị định quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. Ngoài ra, nếu vi phạm, giáo viên còn buộc phải xin lỗi công khai học sinh hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng.

Đối với việc dạy thêm, dự thảo Nghị định xử phạt cũng đề xuất nhiều mức phạt hành chính ở mức cao như: phạt tiền từ 6- 8 triệu đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa; phạt từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép…

Trên một số diễn đàn dành cho giáo viên, thầy cô cũng chia sẻ nỗi băn khoăn, lo lắng nếu quy định phạt tiền giáo viên có hiệu lực. Phần đa thầy cô đều cho rằng, không đồng tình với bạo lực chửi mắng học sinh, nhưng những răn đe, kỉ luật với những học sinh cá biệt hoặc phạm lỗi là nên làm. Điều quan trọng là hành động đó xuất phát từ tình thương và trách nhiệm của người thầy. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, ranh giới ấy quá mong manh. 

Một cô giáo dạy Văn cấp THCS ở Hà Nội tâm sự: “Tôi đã từng dạy cho các em học sinh lớp 6, vì còn nhỏ nên hầu như các em rất ngoan. Tuy nhiên, trong lớp đó có một học sinh cá biệt. Ngày nào em cũng nghịch ngợm trong lớp, tìm đủ các trò để quấy nhiễu thầy cô, bạn học. Giải pháp của tôi lúc đầu là cho em ngồi một mình ở bàn cuối cùng để không ảnh hưởng đến việc học của các học sinh khác trong lớp. Tôi đã gọi điện cho phụ huynh của em, báo lên Ban giám hiệu nhưng mọi trò vui đùa của em đều không dừng lại. Không chỉ trêu chọc các bạn, em còn bắt nạt một em học sinh khác. Bắt bạn phải cùng mình trốn tiết, làm mọi việc theo sai khiến, thậm chí còn bắt bạn quỳ xuống để bước qua đầu, đi tiểu vào đầu bạn”.

“Khi biết được sự việc tôi đã rất bực, đã mắng và phạt em đứng để viết bài. Em không những không viết mà còn nói “bố mẹ em còn chẳng dám mắng, phạt em, cô không có quyền mắng, phạt em”. Nói xong câu đó em tự động ra khỏi lớp mà không xin ý kiến của tôi. Lúc đó, tôi đã báo lại với Ban giám hiệu sự việc và có nói rằng: “Nếu trong khoảng thời gian tôi lên lớp mà em học sinh đó xảy ra chuyện gì tôi sẽ không chịu trách nhiệm vì em đã tự ý bỏ tiết của tôi”. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ để thấy được rằng, với một số học sinh cá biệt, giáo viên chúng tôi khi tức giận mắng, phạt các em là điều khó có thể tránh khỏi”.

Theo giáo viên này, khi các em kể lại với bố mẹ mình thì không thấy em nhắc đến việc trêu chọc, bắt nạt bạn, chỉ đơn giản là “con đùa với bạn mà cô mắng con, phạt con trước cả lớp làm con xấu hổ”. Chỉ cần bố mẹ tin lời con trẻ như vậy, đổ lỗi cho giáo viên là tôi sẽ mắc lỗi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học. Và với số tiền phạt gấp rất nhiều lần lương của tôi (lương giáo viên hợp đồng của tôi chỉ được hơn 1 triệu đồng) thì tôi sẽ lựa chọn im lặng. Em học sinh đó sẽ mãi là học sinh cá biệt”.

Cần trả lại cho nhà trường chức năng giáo dục

Về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam bày tỏ: “Có nhiều hình thức để giải quyết, nhưng không hiểu sao Bộ GD-ĐT lại nghĩ ra cách phạt tiền, có vẻ sưu cao, thuế nặng. Giáo viên không phải là người buôn bán, trốn thuế hay gian lận mà phải xử phạt bằng tiền”. GS Dong cho rằng, những vụ việc giáo viên đánh học sinh chỉ là hãn hữu, cá biệt. Không thể vì các hiện tượng này mà đưa ra các quy định phạt tiền. Nếu ứng xử với các giáo viên không đúng, dễ gây ra mặc cảm với giáo viên. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có thể đuổi việc, cắt hợp đồng, thậm chí cho ra khỏi ngành, những trường hợp vi phạm lần đầu, không quá nghiêm trọng có thể phạt cảnh cáo, khiển trách…”.

Ngoài ra, GS Dong cho rằng, hầu hết các địa phương hiện nay đều đang gặp phải tình trạng quá tải lớp học, áp lực sĩ số đè nặng lên giáo viên, như vậy, nếu phạt tiền giáo viên có giải quyết được vấn đề? Ngược lại, nếu làm không tốt, sẽ dễ nảy sinh ra sự tâm lý ức chế, “mặc kệ” của giáo viên, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Ở góc độ khác, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm, đối với các nhà trường thì yếu tố giáo dục phải đưa lên đầu tiên. “Việc xử phạt mục đích là để người ta thấy hành vi của mình sai từ đó điều chỉnh. Tuy nhiên, việc xử phạt cần quy định mức độ nào thì xử lý trong cơ sở giáo dục, mức nào mới đưa lên xử lý hành chính hay xử lý thành hình phạt. Dự thảo phải rõ ràng chứ không phải tất cả mọi cái đều xử phạt, biến nhà trường thành cảnh sát hết thì nhà trường đâu còn gọi nhà trường… Vấn đề xử phạt nhiều hay ít tôi không bàn đến nhưng phải đưa về những khung của pháp luật để chúng ta xử lý hoặc nếu xử phạt mà nặng hơn nhưng để tốt hơn thì cũng nên làm. Các cơ quan nhà nước xử lý chứ không phải nhà trường. Phải trả lại cho nhà trường chức năng giáo dục. Kể cả thanh tra giáo dục đi làm rồi phạt là không đúng, không khách quan”. 

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, khi nghị định được ban hành thì sẽ phải tập huấn hướng dẫn để nói rõ mức độ, hành vi cụ thể như thế nào thì bị phạt. "Ví dụ, hành vi xúc phạm danh dự có thể là chửi bới, nói to, nhưng khi tập huấn, chúng tôi sẽ phải chỉ rõ thế nào là xúc phạm danh dự nhân phẩm, thân thể. Ví dụ chửi bới là tác động tinh thần, đánh đập là tác động thân thể. Điều này không có nghĩa là tôi véo tai học sinh một cái hoặc vụt vào tay học trò thì phạt bao nhiêu triệu. Nhưng với những hành vi rõ ràng như dọa cho trẻ vào máy vặt lông gà hoặc thầy cô không bạo hành thân thể học trò nhưng bắt học sinh liếm ghế... như từng xảy ra thời gian vừa qua thì không thể không xử phạt", ông Bằng nói. 

Ông Nguyễn Huy Bằng khẳng định: “Về mặt nguyên tắc, trong trường hợp này là phạt tổ chức, tức là phạt trường. Thực tế có những trường hợp nhà trường được quyền tuyển nhưng không tuyển đủ, dẫn tới giáo viên phải dạy thêm giờ, dạy kiêm nhiệm. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể là những trường bị cắt giảm biên chế trong khi vẫn thiếu giáo viên thì khi xử phạt cũng phải xem xét động cơ, hành vi... chứ không phải cứ “đè” ra phạt. Khi xử phạt không chỉ căn cứ vào hành vi mà còn căn cứ vào động cơ, hậu quả, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ...”.

Ông Bằng cho biết thêm, bên cạnh việc xử phạt, dự thảo Nghị định cũng có những quy định để bảo vệ nhà giáo. Nếu phụ huynh xúc phạm giáo viên cũng bị xử phạt. Dự thảo Nghị định mới chỉ tăng hoặc giảm mức phạt, cụ thể hóa đối với các hành vi, vì đã có trong Nghị định 138 của Chính phủ đã ban hành cách đây 5 năm. Khi thiết kế điều luật, Ban soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến, đặc biệt các sở, các địa phương đều đề nghị tăng mức phạt để tăng tính răn đe. 

Có thể  nói, đã có nhiều người thầy sử dụng roi của mình để giáo dục nhưng lại được học trò vô cùng yêu quý và trân trọng. Bởi vì người thầy là người chịu trách nhiệm rèn luyện trẻ. Đôi khi người thầy sử dụng roi nhưng với thông điệp giáo dục hết sức rõ ràng đã giúp cho trò hiểu rõ được mọi vấn đề, phân biệt rõ ranh giới được phép/không được phép, phân biệt được phải trái, biết nhận ra lỗi sai. Rõ ràng khi người thầy đó sử dụng liệu pháp roi vọt nhưng lại có giá trị giáo dục rất cao. Liệu trong luật có ghi rõ được rằng khi nào và bao giờ thầy đánh trò là bạo hành, còn khi nào là không, vì với phương tiện điện tử và “cơn bão” mạng xã hội như hiện nay thì tất cả đều quá mong manh...

Hệ lụy khôn lường

Theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, không nên đưa ra bất cứ quy định gì tổn hại đến danh dự cao quý của người thầy. Nếu quy định này được thực hiện thì học trò sẽ “cười” thầy, thậm chí có em ma mãnh sẽ trêu thầy để thầy không kiềm chế được mà vi phạm sẽ bị xử phạt. Điều này là rất nguy hiểm! Theo tôi, nếu giáo viên vi phạm có thể cảnh cáo, hoặc đình chỉ giảng dạy chứ phạt tiền không mô phạm chút nào cả. Bởi với quy định xử phạt bằng tiền, dù nhiều hay ít thì nó cũng ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy. Hệ lụy của nó là khôn lường, khi người thầy thấy mình không được trân trọng thì họ sẽ không còn nhiệt huyết với nghề nữa. 

Đọc thêm