Xe máy điện “trôi nổi” làm khó cơ quan chức năng?

(PLO) - Sau gần 1 năm Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường các biện pháp quản lý xe hai bánh chạy điện các cơ quan chức năng vẫn còn lung túng, gặp vướng mắc trong việc thực hiện. Hàng ngày, xe máy điện vẫn đang tham gia giao thông và được bày bán trong các cửa hàng mà chưa được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đã có quy định rõ

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý xe hai bánh chạy điện, ngày 8/11/2013. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải căn cứ các quy định hiện hành tổ chức đăng kiểm xe máy điện; khẩn trương rà soát, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia làm cơ sở cho việc quản lý chất lượng phương tiện; Bộ Công an nghiên cứu, thực hiện việc đăng ký phương tiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Thủ tướng giao Bộ Công thương kiểm tra các cơ sở sản xuất, lắp ráp, kinh doanh xe và các linh kiện, phụ tùng, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình sản xuất, buôn bán phương tiện và linh kiện, phụ tùng không bảo đảm chất lượng. Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan rà soát, bổ sung điều chỉnh các thủ tục nhập khẩu  linh kiện, phụ tùng và mặt hàng này..

Tiếp theo đó, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư  41/2013/TT - BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện có hiệu lực. Theo thông tư này, xe đạp điện sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng, được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật, dán tem chất lượng trước khi lưu thông.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009) quy định xe máy điện là xe cơ giới và khi tham gia giao thông phải đăng ký, gắn biển số. Thực hiện Luật Giao thông, Bộ Công an ban hành Thông tư 06/2009/TT-BCA ngày 11/3/2009, trong đó quy định việc đăng ký, cấp biển số xe máy điện từ ngày 01/7/2009.

Xe không nguồn gốc tràn lan thị trường

Thực tế hiện nay, xe máy điện phát triển nhanh, trong khi việc quản lý và xử phạt vi phạm trật tự ATGT đang trở thành một vẫn đề chưa thể giải quyết, thì hiện nay trên thị trường cũng có không ít cửa hàng bày bán xe máy điện nhập lậu, xe không rõ nguồn gốc hoặc xe nhái thương hiệu một cách tràn lan, chưa được cơ quan chức năng nào kiểm soát.

Một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện tại đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội cho biết, phần lớn xe máy điện được bán trên thị trường thành phố là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng linh kiện nhập từ Trung Quốc về lắp ráp tại Việt Nam rồi gắn nhãn nhái các thương hiệu uy tín như Yamaha, Honda. Xe máy điện hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan. Số lượng xe không có nguồn gốc, trôi nổi đang lưu hành trên thị trường khá lớn.
Xe máy điện của Đài Loan, Trung Quốc được lưu thông và bày bán trôi nổi trên thị trường. Ảnh minh họa.
 Xe máy điện của Đài Loan, Trung Quốc được lưu thông và bày bán trôi nổi trên thị trường. Ảnh minh họa.

Nhưng trước việc xe máy điện không nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường và khó khăn trong việc đi đăng ký ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng giám định xe cơ giới, Cục đăng kiểm Việt Nam cho hay, theo Thông tư 44 của Bộ GTVT thì khi xe nhập khẩu về Việt Nam thì doanh nghiệp phải đến cơ quan Đăng kiểm để làm thủ tục kiểm tra chất lượng xem đủ tiêu chuẩn nhập khẩu hay không, để cho doanh nghiệp làm thủ tục Hải quan. Khi cơ quan Đăng kiểm cấp giấy chứng nhận chất lượng thì doanh nghiệp mới chính thức được thông quan. Khi xe có đủ giấy tờ của cơ quan Đăng kiểm, Hải quan và hóa đơn thì sẽ đăng ký dễ dàng. Còn xe sản xuất trong nước thì chỉ cần giấy kiểm định chất lượng, phiếu xuất xưởng, hóa đơn là có thể đi đăng ký.

Tìm hiểu tại các cửa hàng kinh doanh xe máy điện, đa số khi người dân mua xe máy điện thì các công ty hay cửa hàng đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, mà chỉ là quyển sổ hướng dẫn sử dụng kèm theo giấy bảo hành của công ty hay cửa hàng và hóa đơn. Đơn giản cả chủ và khách đều có chung suy nghĩ là đi xe máy điện có bị phạt đâu mà lo về giấy tờ. 

Sẽ quản lý được xe máy điện?
Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng phòng, Phòng CSGT Hà Nội cho hay, việc xử phạt xe máy điện trong thời gian vừa qua gây không ít tranh cãi và khó khăn cho lực lượng CSGT bởi sự “nhập nhằng” giữa xe máy điện và xe đạp điện. Thực tế, các xe máy điện đã mua trước đây thì đa số là không có giấy tờ, xe nhập về từ nhiều nguồn gốc khác nhau nên việc đăng ký có phần khó khăn. Lâu rồi đã thành “nếp” nên bây giờ đưa vào quản lý chặt chẽ thì việc xử lý rất khó khăn.

Ngày 6/8 vừa qua, tại cuộc họp với Ủy ban ATGTQG, Bộ trưởng Bộ GTVT Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan chức năng  không thu phí trước bạ, cho phép người dân tự kê khai đăng ký, tự chịu trách nhiệm, thủ tục đăng ký đơn giản, có lộ trình tạo điều kiện cho người sử dụng tự giác đến đăng ký. Đối với xe sản xuất, lắp rắp trong nước, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra và xác định chất lượng. Từ ngày 01/7/2015, tất cả những người sử dụng xe mà chưa đăng ký sẽ thực hiện xử phạt theo đúng quy định.

Như vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ra “tối hậu thư” cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và các doanh nghiệp cửa hàng kinh doanh xe máy điện trong vòng 1 năm, để khắc phục, kiểm soát chất lượng số lượng xe nhập khẩu, sản xuất, lắp rắp trước, ngoài chính ngạch đang lưu hành trôi nổi trên thị trường hiện nay. Liệu một năm nữa, vấn đề xe đạp điện, xe máy điện sẽ được quản lý chặt chẽ như lời Bộ trưởng Thăng nói?

Đọc thêm