Bảo vệ người tố cáo

(PLVN) - Thay mặt cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng – Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Chỉ thị số 27 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Hình minh họa
Hình minh họa

Không nói thì ai cũng biết, công tác bảo vệ người tố cáo – dù đã luật định, vẫn còn những hạn chế, bất cập, như tình trạng để lộ lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm. Vâng, “được vạ thì má đã sưng”, “đấu tranh, tránh đâu”. Biết bao số phận những người biết sống có trách nhiệm đã đau đớn, tức tưởi vì bị trả thù.

Phải nói rằng, chúng ta vẫn hô hào dân tham gia phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhưng vẫn “gạt” dân ra ngoài. Việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm. Cán bộ, đảng viên và người dân còn chưa an tâm, ngại đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm...

Luật Tố cáo năm 2018 (Luật số 25/2018/QH14) có hiệu lực từ 01/01/2019 quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm. Quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, cá nhân thực hiện hành vi “tố cáo” và tiếp nhận “tố cáo” đã rất rõ trong điều này. Luật Tố cáo 2018 đã có hiệu lực pháp luật. Vấn đề hiện nay là phải nhanh chóng hoàn thiện các quy định về bảo vệ người tố cáo theo hướng cụ thể, đồng bộ, có chế tài xử lý nghiêm khắc, chú trọng các biện pháp phòng ngừa; làm rõ những biểu hiện của hành vi trả thù, trù dập người tố cáo dưới mọi hình thức để làm cơ sở nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi này.

Hy vọng, sau Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị, các cơ quan có trách nhiệm biết “lắng nghe”, không phân biệt đối xử, ghẻ lạnh, xua đuổi, thậm chí trả thù người tố cáo! 

Đọc thêm