Cuộc đua của thầy, trò lĩnh đủ

(PLVN) - Dư luận chưa kịp lắng xuống trước vụ thầy giáo làm học sinh lớp 8 mang bầu, cô giáo bắt học sinh quỳ thì clip cô giáo liên tiếp đánh nhiều học sinh tiểu học trong giờ kiểm tra bài tiếp tục dậy sóng. Trước những vụ bạo hành liên tiếp xảy ra, gây hoang mang dư luận, được lý giải bởi bệnh thành tích trong giáo dục…
Hình minh họa
Hình minh họa

1.Cuối cùng thì cô Thu Trang, Tiểu học Quán Toan là giáo viên chủ nhiệm lớp 2A8 được phân công quản lý, giám sát buổi thi của lớp 2A7 ngày 8/5 đã bị đề nghị đuổi khỏi ngành. Thế nhưng, không thể phủ nhận, chính bởi bệnh thành tích trong giáo dục đã tăng thêm áp lực cho thầy cô. Và người chịu trận cuối cùng là những cơn trút giận lên đầu học sinh.

Bởi thế, điều đáng nói, khi bệnh thành tích còn, thì sẽ có những thầy cô khác như cô Trang…Thế nên, đuổi một cô giáo là chuyện dễ, nhưng học sinh sẽ vẫn tiếp tục học trong môi trường đè nén ấy. Khi mà thầy cô tức giận, có thể mắng chửi phản cảm, chưa kể tới bạo lực là chuyện không hề hiếm với học sinh Tiểu học trường công.

Thầy giáo, chuyên gia giáo dục Lê Văn Vỵ (Hương Sơn, Hà Tĩnh) phân tích: Tôi cho rằng một phần nguyên nhân của vụ việc là do áp lực của bệnh thành tích. Cô giáo đánh mắng học sinh vì muốn các em có điểm cao, nếu các em đạt điểm thấp thì cô sẽ bị phê bình, kiểm điểm, hạ thi đua.

Chứ nếu thực tâm vì các em tiến bộ thì cô không làm như vậy. Chỉ trong một tiết kiểm tra Tiếng Việt mà giáo viên đã có hơn 20 lần đánh nhiều học trò trong lớp, có em bị đánh đến 5-6 lần. Đa phần các lần đánh học trò thì cô giáo này đều tát vào mặt và tát liên tục nhiều cái. 

2. Còn Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền (Thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế, NAFSA) nhận xét: Có thể thấy, việc vi phạm đạo đức nhà giáo hiện nay không còn chỉ là hiện tượng mà đã bắt đầu mang tính hệ thống. Dù các sự vụ xảy ra trước đó đã được xử lý nghiêm minh nhưng xu hướng vi phạm đạo đức nhà giáo trong môi trường giáo dục không có dấu hiệu giảm đi ngược lại nó xảy ra nghiêm trọng hơn. Tôi cho rằng, trong giáo dục, lấy bạo lực sẽ chỉ sinh ra bạo lực.

Trẻ ngoan không phải nhờ cây thước mà chính là phải để được tình yêu thương lan tỏa. Bố mẹ không quan tâm yêu thương trẻ, thầy cô bạo lực với trẻ thì tất yếu nó sẽ dần vô cảm với con người và với xã hội, bạo lực cứ thế mà sinh sôi. Nguyên nhân của hiện trạng trên không thể đổ cho bất kỳ lý do nào khác ngoài vấn đề lỗi hệ thống. Chúng ta đã và đang duy trì quá lâu mô hình giáo dục với cách giáo dục áp đặt từ trên xuống.

Áp lực thành tích đè xuống mỗi giáo viên buộc họ phải tìm mọi cách đạt được. Trong đó chắc chắn sẽ có việc gán áp lực đó xuống mỗi học sinh. Để cô giáo hoàn thành chỉ tiêu, nhà trường có thành tích thì khi học sinh không đi “đúng quỹ đạo”, mắc lỗi giáo viên bị xử lý và lẽ tất nhiên học sinh sẽ là đối tượng chịu trận cuối cùng.

GS.VS Phạm Minh Hạc cũng chia sẻ: Ngày nay, pháp luật quy định rõ không được xúc phạm thân thể trẻ em, song vẫn có giáo viên cố tình vi phạm. Nếu nói rằng vì áp lực mà phạt học sinh đến mức đó quả là hết sức vô lý.

Áp lực thành tích, thi đua là tự giáo viên đặt cho nhau chứ trong giáo dục học trò không có kỷ luật nào phản cảm như thế. Với học sinh chưa ngoan, vẫn có phương án giáo dục, nếu kỷ luật cũng phải mang tính giáo dục là chính. Thành công của con người là do ý chí, tinh thần ham học, chứ không phải sự áp đặt thô thiển. 

Đọc thêm