Đạo đức nghề

(PLVN) - Đạo đức nghề - đó là cụm từ được nhắc đên nhiều sau câu chuyện bức tranh bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí bị tổn hại vì… nước rửa bát (!).
Bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí bị xuống màu. Ảnh Thanh Niên
Bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí bị xuống màu. Ảnh Thanh Niên

Được biết, tác phẩm "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí là sự tổng hợp mọi thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật sơn mài. Năm 2013, Chính phủ ra quyết định công nhận tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí là “Bảo vật quốc gia”. 

Có thể nói vụ việc bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” chính là bằng chứng cho thấy sự thiếu thốn về đội ngũ cũng như trình độ rất có vấn đề của những người được giao trọng trách giữ gìn các bảo vật của đất nước. 

Những ai làm trong lĩnh vực bảo tồn di sản hẳn vẫn còn nhớ vụ việc từng xảy ra với bảo vật quốc gia vô giá như bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý, một trong 37 bảo vật quốc gia được công nhận năm 2013, lưu giữ tại chùa Long Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam), bị xâm phạm ngay trước lễ công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia; hay cách ứng xử, bảo quản không tương xứng đối với bộ sưu tập 3 khẩu súng thần công cổ thời Nguyễn, được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh…

Thực tế vấn đề ứng xử còn nhiều bất cập đối với các bảo vật quốc gia, nhất là tình trạng can thiệp thô bạo đối với không ít hiện vật, đã và đang khiến dư luận thực sự lo ngại. 

Vì những lý do trên mà vấn đề trình độ và đạo đức nghề nghiệp tiếp tục là câu chuyện đặt ra đối với công tác bảo quản, tu sửa và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi hiện đang sở hữu nhiều bảo vật quốc gia nhất – 20 bảo vật. Các bảo vật quốc gia với những loại hình, chất liệu và niên đại khác nhau nên công tác bảo quản được đánh giá là một hoạt động trọng tâm. 

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì và phát huy tốt công tác kiểm tra, kiểm soát môi trường bảo quản, luôn đảm bảo hiện vật bảo tàng nói chung và bảo vật quốc gia nói riêng được bảo quản trong môi trường ổn định, phù hợp với từng chất liệu, thì từ nhiều năm qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã thành lập, xây dựng và đào tạo một đội ngũ cán bộ bảo quản chuyên trách, chuyên nghiệp và tay nghề cao để đáp ứng nhiệm vụ này.

“Trước thực trạng một số bảo vật quốc gia bị xâm hại và hỏng hóc nghiêm trọng, đặc biệt sau khi Bộ VHTTDL ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị xây dựng, hoàn thiện và triển khai các phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã nghiêm túc triển khai, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao hơn nữa đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ bảo quản…” - ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết. 

Có thể thấy, với bảo vật quốc gia, để giữ gìn sự tồn tại và kiêu hãnh thì chỉ sự nâng niu thôi là không đủ, mà còn cần cả sự ứng xử đúng chuẩn mực, đúng cách. 

Đọc thêm