Đẩy khó cho dân!

(PLVN) - Đề xuất “mất Giấy phép lái xe đều phải sát hạch lại” đã gây nên một làn sóng phản ứng dữ dội của dư luận và rất nhiều ý kiến thống nhất coi việc này là “đẩy khó cho dân”. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Việc các cơ quan quản lý nhà nước “không quản được thì cấm” đã quá ư phổ biến và tình trạng này được khắc phục đáng kể, các “chủ trương” hay “sáng kiến” đưa ra bị cho là phản cảm, ngược chiều tiến bộ, cản trở sự phát triển đã bị chặn lại và không thể trở thành hiện thực. 

Việc “đẩy khó cho dân” cũng thường xuyên xảy ra ở các cấp độ lớn nhỏ, trong các lĩnh vực khác nhau như hành chính, tư pháp, giáo dục, y tế,... Sự việc mới đây “mất bằng lái xe phải thi lại” là một minh chứng rõ rệt nhất mà thôi, người đưa ra “sáng kiến” này thừa nhận sự quản lý yếu kém để người ta lợi dụng xin cấp lại 2, 3 lần khi họ bị thu bằng lái nhưng viện cớ mất.

Một bằng chứng hiển nhiên là quản lý yếu kém thì phải khắc phục sự yếu kém đó chứ? Tại sao phải bắt người dân chịu sự quản lý yếu kém đó nếu không may họ bị mất giấy tờ và trường hợp này rất hay xảy ra do trộm cướp, hỏa hoạn, thiên tai,... đã là nạn nhân khi bị mất mát lại thêm bị cơ quan nhà nước “hành” nữa thì thời gian đâu cho họ lao động sản xuất, kiến thiết nước nhà? Bên cạnh đề xuất này, cũng trong lĩnh vực giao thông, có người còn yêu cầu xử phạt không cần chứng minh người bị xử phạt có lỗi gì, đây cũng là một đề xuất trái luật, trái với xu hướng dân chủ, công khai và công bằng.

Cũng là việc “đẩy khó cho dân” xuất phát từ sự quản lý yếu kém của cơ quan chức năng nhưng xảy ra theo một chiều hướng khác. Ví dụ, sự mập mờ, thiếu minh bạch ở các trạm thu phí thuộc các BOT giao thông khiến người dân phải bỏ công việc của mình ra đường đếm xe chẳng hạn. Các doanh nghiệp, công ty gây ô nhiễm môi trường buộc người dân phải tìm cách đòi lại không khí trong lành cho mình và con cháu. Những trường hợp phá rừng bừa bãi, khai thác khoáng sản, xe quá khổ, quá tải lưu thông,... cư dân cũng phải tự bảo vệ mình bằng cách lập chòi canh hoặc ngăn đường, giữ rừng phòng hộ. Họ còn phải vất vả mưu sinh nhưng buộc mất thời gian công sức như vậy là vì cuộc sống của mình bị đe dọa mà thôi.

Trong lĩnh vực tư pháp, không ít các bản án đã tuyên “đẩy khó cho dân” và họ không biết cách nào để thực hiện được. Các yêu cầu khởi kiện đưa ra một cách vô lý khiến vụ án không được thụ lý, người dân vất vả đi lại, bắt họ phải cung cấp những thứ mà lẽ ra cơ quan tố tụng phải làm. Những kiểu “đẩy khó cho dân” trong lĩnh vực thủ tục hành chính thì nhiều vô kể, những thứ tương tự như “có hộ khẩu mới được mua nhà, có nhà mới được nhập hộ khẩu” diễn ra trước đây nay vẫn tiếp tục duy trì dưới các hình thức khác, tinh vi “né luật” nhiều hơn.

“Đẩy khó cho dân” rất có thể thành não trạng của các nhà quản lý nếu không có sự giám sát và phản ứng của dư luận và sự sáng suốt của các cấp lãnh đạo nhà nước. Một Chính phủ kiến tạo không thể chấp nhận não trạng này và luôn tìm cách ngăn ngừa nó! 

Đọc thêm