Đừng để hành hương thành hành xác

(PLVN) - Nếu Phật ở trong tâm, có thể khấn lễ ở các chùa địa phương vào bất cứ lúc nào, tại sao chúng ta phải chen chúc khổ sở đến vậy?.
 Đừng để hành hương thành hành xác

Cứ đến ngày 6 tháng Giêng mọi năm, người từ thập phương đổ về miền đất thiêng Hương Sơn để dự lễ hội chùa Hương. Bất kể là du xuân thưởng ngoạn hay hành hương về nơi đất Phật lâu đời này, ai cũng muốn được đặt chân vào Chùa Trong, Động Hương Tích.

Phật giáo với thái độ từ bi, khuyến khích sống lương thiện, lòng thành tâm kính Đức Phật, không yêu cầu người theo đạo này phải đích thân tới chùa Hương để xin, khấn. Vì vậy, chúng ta không nên quá nặng nề về tục đi lễ đầu năm hay nghĩ rằng phải đến tận chùa Hương thì mới đủ linh thiêng.

Bất cứ ngôi chùa nào tại địa phương cũng có thể là nơi để cầu xin, khấn khứa. Tại trung tâm thành phố Hà Nội, nhiều người dân lựa chọn đi lễ tại các đền tứ trấn: đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên và đền Quán Thánh, hoặc các chùa gần nơi mình sinh sống: chùa Hộ Quốc, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ...

Lễ hội Chùa Hương kéo dài từ ngày mùng 6 tháng giêng đến đầu tháng 3 âm lịch, nhưng người Việt thường đi lễ sớm trong các ngày đầu năm, xin cho một năm suôn sẻ thuận lợi. Dù vậy, để có tâm trạng thanh thản nhất khi đi lễ chùa, chúng ta nên giãn thời gian đi chùa ra các ngày khác trong dịp lễ hội để tránh sự ngột ngạt, thiếu trang nghiêm này.

Được ghi nhận là đã có tiến bộ trong quản lý nhưng việc xả rác bừa bãi, buôn bán ồn ào trong khu di tích, tụ tập ăn uống ở sai vị trí quy định vẫn xảy ra.

Không nhiều thùng rác được bố trí dọc đường lên chùa Thiên Trù nên nhiều khách du lịch thường tiện tay vứt rác vào gốc cây
Không nhiều thùng rác được bố trí dọc đường lên chùa Thiên Trù nên nhiều khách du lịch thường tiện tay vứt rác vào gốc cây
Để có thể thưởng ngoạn suối Yến và các vùng núi non bao quanh, người ta đến ngày khai hội từ bình minh. Nhưng để tránh giờ cao điểm ấy, đã có những người phải khởi hành từ 1h, 2h sáng, trời còn tối, phải bỏ qua cảnh đẹp của thung lũng Hương Sơn này với hi vọng đến động Hương Tích. 

Ngày mùng 4 Âm lịch, người dân địa phương ghi nhận nhiều đoàn người đi đò vào nhưng không được cập bến vì khu di tích quá tải, phải vái vọng từ suối Yến rồi trở lại bờ... Ai nấy đều mệt mỏi vì chen lấn đến các ngôi chùa trong quần thể, đặc biệt là trong không khí thời tiết nóng ẩm của mùa xuân năm nay.

Cáp treo với công suất 1.500 người mỗi giờ nhưng thời gian đi cáp treo vào đến động có lẽ còn lâu hơn cả thời gian đi bộ. Có thể nói, mức độ vất vả để hành hương vào động Hương Tích không hề giảm, sự cực nhọc chỉ chuyển từ chen chúc đi bộ sang chen chúc đi cáp treo. 

Trong động Hương Tích đông đúc, số lượng người đi xuống nhiều hơn đi vào cùng một thời điểm
Trong động Hương Tích đông đúc, số lượng người đi xuống nhiều hơn đi vào cùng một thời điểm

Sáng ngày khai hội, mùng 6 tháng giêng (10/2), lượng khách xếp hàng lên cáp treo không đông như mồng 4 (124.000 lượt). Song, người đi cáp treo phải chờ gần một giờ, đoàn người đi từ ga vào động gần như cũng phải đứng yên cả tiếng đồng hồ, người ở trong động thì di chuyển khó nhọc.

Năm ngoái, nhóm của anh Thành (Hà Nội) gồm 15 người đã “đầu hàng” dù lên đến ga vì bên trong động quá đông, lại lên cáp treo quay về, riêng anh và con trai đi tiếp và mất tổng cộng 1,5 giờ để xuống và ra khỏi động. 

Trong các thềm chùa, người người ngả ngón nghỉ ngơi, trẻ con, người lớn ngồi la liệt ăn lót dạ, một số bỏ lại lon nước, chai nước, vỏ bánh, đường lên đông đúc, ồn ào những âm thanh người bán hàng chào mời qua loa.... Khung cảnh không quá hỗn loạn, nhưng lộn xộn và ít phù hợp với khu di tích thờ Phật thanh tịnh. 

Đi lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa đáng gìn giữ, nhưng phải gìn giữ cả môi trường, không khí yên bình của chùa chiền, bản thân người đi lễ nên cũng giữ được sự thanh thản trong lòng, không vì ham sự linh thiêng mà phải bất chấp đi đường xa, chen lấn và chờ đợi như vậy. 

Đọc thêm