Khách tour bỏ trốn: Công ty lữ hành có lỗi hay không?

(PLO) - Trước nhiều nghi vấn có hay không đường dây đưa người ra nước ngoài để xuất khẩu lao động (XKLĐ)“chui” theo con đường du lịch, dư luận cũng đặt ra một câu hỏi lớn về quy trình sàng lọc, thẩm định hồ sơ của các công ty lữ hành còn quá lỏng lẻo là do cố ý hay chính các công ty lữ hành cũng có thể mắc bẫy của các tổ chức, cá nhân môi giới du lịch bất hợp pháp bởi lỗi... chủ quan?
 Trích xuất từ camera, phía Đài Loan cho rằng đoàn 152 du khách đã có “ý đồ bỏ trốn” từ trước
Trích xuất từ camera, phía Đài Loan cho rằng đoàn 152 du khách đã có “ý đồ bỏ trốn” từ trước

Đáng báo động tour du lịch “bỏ trốn”

Tháng 12/2013, đoàn khách Việt 15 người đi tour sang Israel, bỏ trốn cả 15 người. Tiếp năm 2016, 59 du khách Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc trong chuyến du lịch 6 ngày tới đảo Jeju. Gần nhất, cuối năm 2018, “ngựa lại quen đường cũ” khi cùng một lúc có tới 152 người trên 153 người “bỏ trốn bất hợp pháp” tại Đài Loan.

Đáng lo ngại, tình trạng trên có xu hướng ngày càng gia tăng, với ngày càng nhiều chiêu trò tinh vi để “qua mắt” các lực lượng chức năng, gây hậu quả không nhỏ tới uy tín người Việt tại nước ngoài, làm mất đi cơ hội của những người lao động và du khách chân chính. 

Việc bỏ trốn của du khách còn gây ảnh hưởng tới chính sách cấp phép nhập cảnh đối với những khách du lịch thực sự, bởi tình trạng này buộc chính quyền các nước sở tại phải xem xét, siết chặt lại chính sách visa.

Tại Hàn Quốc, nơi có số lượng lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp khá lớn, chính sách visa, nhất là visa tự túc đang bị siết chặt. Ở một số tỉnh của nước ta có số người Việt Nam trốn lại Hàn Quốc khá cao, tỷ lệ đánh “rớt” visa du lịch càng nhiều. Về phía Việt Nam, năm 2018, Bộ LĐTB&XH đã công bố danh sách 49 quận, huyện của 12 tỉnh, TP bị cấm đi XKLĐ Hàn Quốc.

Mặt khác, với Đài Loan (Trung Quốc) - một trong những thị trường lao động “béo bở” đối với người Việt, khi đưa ra chính sách Quan Hồng “nới lỏng visa” cho các đoàn khách du lịch đến từ Việt Nam, lòng hiếu khách của đất nước này đã bị một bộ phận người Việt lợi dụng hoạt động du lịch để trốn ở lại lao động “chui”.

Theo thống kê của cơ quan quản lý du lịch Đài Loan, ba năm qua, trong số hơn 500 du khách trốn ở lại qua con đường du lịch, 72% các trường hợp là du khách Việt Nam.

Nhất là khi gần đây, nhiều kênh XKLĐ hợp pháp và một số địa phương tại Việt Nam bị siết chặt hoặc tạm dừng chỉ tiêu XKLĐ, thủ tục XKLĐ ngày càng phức tạp hơn, kèm theo nhiều yếu tố khác như khả năng ngoại ngữ, chi phí đặt cọc, chi phí môi giới tốn kém...; tour du lịch “bỏ trốn” lại càng trở nên hấp dẫn hơn, bởi chi phí rẻ, thủ tục gọn nhẹ, hơn nữa nhiều trường hợp không bị truy cứu hình sự khi bị bắt, nặng nhất chỉ bị phạt tiền và trục xuất…

Tour du lịch “bỏ trốn” mang nhiều hệ lụy (Ảnh minh họa)
Tour du lịch “bỏ trốn” mang nhiều hệ lụy (Ảnh minh họa)

Sau vụ việc 152 du khách Việt bỗng “biến mất”, chính quyền Đài Loan đã quyết định tạm dừng cấp visa nhập cảnh theo chính sách Quan Hồng cho các đoàn khách qua các công ty lữ hành quốc tế Việt Nam. 

Bởi những “cám dỗ đổi đời” hay “ảo tưởng về mức lương lý tưởng”, nhiều du khách Việt sẵn sàng rời bỏ quê hương sang một nơi xa lạ; nhưng rồi ngay lập tức bị “vỡ mộng” khi phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt: tương lai bấp bênh, nguy cơ bị xâm hại quyền lợi, lạm dụng sức lao động, thậm chí rủi ro về tính mạng, phán xử của pháp luật, phán xét của dư luận tại nước sở tại và nước nhà. 

Công ty lữ hành cần làm gì để tránh bị “qua mặt”?

Những năm qua, để hạn chế du khách bỏ trốn khi đi tour, nhiều đơn vị lữ hành phải tiến hành nhiều biện pháp sát sao, nỗ lực siết chặt thẩm định đối với việc sàng lọc hồ sơ du khách. Được biết, các khâu sàng lọc thường được áp dụng là: yêu cầu chứng minh tài chính, xác định nghề nghiệp, nơi cư trú, phỏng vấn, thậm chí xác minh thông tin về khách qua cả mạng xã hội... 

Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm tra hồ sơ cấp thị thực của các doanh nghiệp lữ hành vẫn bị đánh giá còn “mang tính nghiệp dư”, “cảm tính”, bởi các nhân viên kiểm tra không thể đủ nghiệp vụ, thẩm quyền, cũng như thời gian để xác minh tính chính xác của các loại giấy tờ.

Trong khi đó, càng khó tránh khỏi “lọt lưới” những hồ sơ được làm giả tinh vi, trông rất “đẹp đẽ” như thể hiện nhiều tài sản, tiền gửi ngân hàng, đã đi du lịch nhiều nước...

Theo kinh nghiệm từ các hãng lữ hành uy tín, để tránh bị “qua mặt”, bên cạnh việc xem xét giấy tờ tài sản, sổ tiết kiệm ngân hàng, còn cần phải để ý độ tuổi, kiểm tra các mối quan hệ nhân thân, công việc, cơ quan của người đi du lịch...; khi có nghi ngờ nên yêu cầu khách bổ sung hồ sơ, nếu du khách chân chính sẽ không ngần ngại bổ sung ngay.

Ngoài ra, ngay cả khi khách đã tham gia hành trình tour, nhân viên phụ trách vẫn phải tiếp tục quan sát du khách ví dụ như hành trang, thái độ, cảm xúc, sự chú tâm... của họ về hành trình, bởi những người có ý định trốn lại thường có biểu hiện và thái độ khác hẳn với những du khách thật sự.

Tuy vậy, đây vẫn còn là biện pháp còn mang nhiều cảm tính, lại phụ thuộc vào chuyên môn của từng nhân viên tổ chức và hướng dẫn tour. 

Mặt khác, có nhiều trường hợp, các cá nhân, đơn vị môi giới sẵn sàng chi nhiều để “bắt tay” doanh nghiệp du lịch “gài” thêm người đi XKLĐ; nhiều công ty du lịch mới, chưa có lượng khách ổn định sẵn sàng “tiếp tay” để kiếm thêm lợi nhuận.

Đài Loan là thị trường lao động hấp dẫn với người Việt
Đài Loan là thị trường lao động hấp dẫn với người Việt

Sau vụ việc du khách Việt bỏ trốn tại Đài Loan, Sở Du lịch Hà Nội quyết định xử phạt Công ty Golden Travel - một trong hai công ty đưa 153 du khách đi Đài Loan với số tiền 48,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong thời hạn 9 tháng. 

Biện pháp xử lý trên đã thực sự hiệu quả? Căn cứ gì để đảm bảo công ty du lịch này sau khi phục hồi kinh doanh sẽ không còn tái phạm? Tình tiết sẽ còn diễn biến phức tạp hơn khi đã có nhiều trường hợp thực tế xử lý công ty du lịch vi phạm, nặng nhất là rút giấy phép kinh doanh, ngừng hoạt động; thì sau đó họ lại đăng ký, đổi tên thành công ty khác, theo kiểu “bình mới rượu cũ”.

Vì vậy, để làm trong sạch môi trường du lịch, nỗ lực của các doanh nghiệp lữ hành là chưa đủ, còn cần tới sự phối hợp sâu sắc và kịp thời của các cơ quan chức năng trong nhiều giai đoạn, đặc biệt khâu thẩm định hồ sơ.

Về phía cơ quan quản lý, cũng cần có biện pháp xem xét, quản lý năng lực của các doanh nghiệp lữ hành, để không làm ảnh hưởng tới những công ty du lịch kinh doanh nghiêm túc, hợp pháp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất các cơ quan chức năng bổ sung chế tài xử lý vi phạm liên quan xuất nhập cảnh, cư trú, lao động bất hợp pháp tại nước ngoài để răn đe, ngăn chặn những người có ý định “vượt rào”. 

Về những chính sách và phương pháp phòng ngừa vấn nạn những tour du lịch “bỏ trốn” đang gia tăng đáng báo động, PV Báo PLVN sẽ tiếp tục làm việc với Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) để có thêm thông tin về vấn đề này.

Đọc thêm