Mọi sự sẽ khác sau những vụ như kỷ luật nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông?

(PLVN) - Từ chuyện nhỏ như xây nhà trái phép, vượt tầng đến việc lớn như bán cả một cái cảng hoặc băm nát quy hoạch đều có dấu hiệu làm trái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cán bộ các cơ quan công quyền nhưng họ ít khi bị pháp luật "sờ gáy". Tuy nhiên mọi sự có thể khác đi như mới đây, một nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông bị cách hết chức vụ trong Đảng và đề nghị kỷ luật hành chính tương đương...
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Động thái mới nhất cho thấy việc tiếp cận công lý trong quá trình thực thi pháp luật không thể nửa vời. Đó là vụ án buôn bán thuốc chữa ung thư giả của Công ty VN Pharma, ngoài 12 bị can đang bị truy cứu và đưa ra xét xử, Viện KSND tối cao đề nghị khởi tố vụ án hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đối với các chuyên gia, cán bộ Cục quản lý Dược, Bộ Y tế có liên quan tới vụ án.

Đúng ra, việc này phải thực hiện ngay từ khi phát hiện ra vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh gây bức xúc dư luận. Bởi, một điều rất rõ ràng, ai cũng nhận thấy rằng nếu như Cục quản lý Dược làm tròn chức năng của mình thì dứt khoát câu chuyện táng tận lương tâm này sẽ không xảy ra chứ chưa nói đến chuyện "tiếp tay", "chống lưng", "ăn hoa hồng" vì những thứ này cần đến chứng cứ. Tiếc rằng, trong phiên xét xử tới đây với cáo buộc tội danh "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" (theo khoản 4, Điều 157, Bộ luật Hình sự, có khung phạt lên đến tử hình) có thể còn thiếu những đồng phạm.

Hiện tại, hàng loạt cá nhân, đơn vị có liên quan đến vụ án trên đang bị tiếp tục điều tra và với đề nghị của Viện KSND tối cao khởi tố vụ án hình sự với những người "thiếu trách nhiệm" thì công lý sẽ được thực thi trọn vẹn, đảm bảo cho sự nghiêm minh pháp luật và công bằng xã hội.

Tương tự, TAND tỉnh Hà Giang vừa ra quyết định trả hồ sơ vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 để làm rõ một số tài liệu chứng cứ. Bởi, cáo trạng không hề nhắc đến tên, số báo danh các thí sinh được nâng điểm và các phụ huynh nhờ can thiệp bài thi. Rõ ràng, nếu không có những tác động này thì làm sao có gian lận và không thể làm rõ động cơ của các đối tượng phạm tội. Con đường tiếp cận công lý chỉ là nửa vời. Còn đối với vụ án gian lận thi cử ở Sơn La, các bị can đã khai nhận trước cơ quan điều tra là nhận tiền để nâng điểm, có dấu hiệu rất rõ ràng của hành vi hối lộ nhưng không khởi tố về hành vi này thì đúng là một sự nửa vời và làm sao công lý được thực thi.

Những diễn biến đó khiến người ta nhớ lại những vụ án chỉ có xét xử người đưa hối lộ mà không có ai bị xét xử tội nhận hối lộ cả, điển hình là vụ "logo vua" ở Đồng Nai với một danh sách dài các cán bộ CSGT "dính chàm" hoặc vụ bảo kê xe tải "mua đường" ở Bắc Giang.

Từ chuyện nhỏ như xây nhà trái phép, vượt tầng đến việc lớn như bán cả một cái cảng hoặc băm nát quy hoạch đều có dấu hiệu làm trái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cán bộ các cơ quan công quyền nhưng họ ít khi bị pháp luật "sờ gáy". Tuy nhiên mọi sự có thể sự khác đi như mới đây, một nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông bị cách hết chức vụ trong Đảng và đề nghị kỷ luật hành chính tương đương vì sự "buông lỏng quản lý" của ông ta hẳn sẽ không còn những nửa vời trong thực thi pháp luật nữa! 

Đọc thêm