Mong muốn lắm về công khai, minh bạch

(PLVN) - Hôm nay (20/5), Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIV khai mạc. Kỳ họp nào cũng bàn các vấn đề trọng đại, tất nhiên rồi.
Hình minh họa
Hình minh họa

Về chương trình xây dựng luật pháp, trong 20 ngày làm việc, QH sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (Luật số 49/2014/QH13). Như vậy, nếu như Kỳ họp này “sửa đổi bổ sung” thì Luật này có “tuổi thọ” về “tầm nhìn” được 5 năm.

5 năm thi hành Luật Đầu tư công cũng đã ngăn ngừa được sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong việc quyết định chủ trương đầu tư; được đánh giá đã phân cấp mạnh mẽ cho các bộ, ngành T.Ư và địa phương đi cùng với các chế tài nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư;  bảo đảm bố trí vốn một cách tập trung cho các mục tiêu, dự án ưu tiên, khắc phục tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án, đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, việc bố trí vốn đầu tư được tập trung hơn trước, đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình, dự án vào sử dụng phát huy hiệu quả; đã dành số vốn đáng kể để thanh toán vốn ứng trước và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trước đây, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ hơn...

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai Luật vẫn nhiều điều đáng lo. Thậm chí có nhiều đơn vị đề xuất và triển khai thực hiện một số nội dung không đúng với các quy định của pháp luật, trái thẩm quyền; một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí, nên phải điều chỉnh kế hoạch giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn.

Chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, quyết định đầu tư dự án mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn; phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, dẫn đến điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thậm chí phải thẩm định lại nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Đặc biệt, chưa thấy ai đặt vấn đề phải công khai, minh bạch trong đầu tư công? Các lĩnh vực “nhạy cảm” lâu nay không thấy công khai như: Dự án đầu tư công, vấn đề đấu thầu giao đất, khai thác khoáng sản, vấn đề quản lý đất đai quốc phòng công an, cổ phần hóa các doanh nghiệp Đảng... Đối với việc “bổ sung, sửa đổi” phải xem Luật Đầu tư công còn những vấn đề gì công khai chưa được phải bổ sung tiếp. 

Nếu đã quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng rồi mà khi thực hiện Luật Đầu tư công không thực hiện công khai, nghĩa là “có âm mưu không trong sáng”. Công khai để dân biết và được tham gia giám sát, đó là điều chúng ta nói rất hay nhưng thực thi kém nhất thế giới.

Chúng ta đang thiếu nhất về công khai, minh bạch để có thể phát huy hiệu quả vốn đầu tư, kiểm soát “nhóm lợi ích”. 

Đọc thêm