Nghề nghiệp và luật pháp

(PLVN) - Cuối tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU) và đưa ra các khuyến nghị chính thức để Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhằm cải thiện công tác quản lý nghề cá. Nếu bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU).
Hình minh họa
Hình minh họa

Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Trường hợp bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Nghiêm trọng hơn, EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Đây thực sự là 1 cảnh báo tình huống nguy hiểm cho thế mạnh xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Thực tế, ngay sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban ngành cùng các địa phương ven biển đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, đề ra các giải pháp để khắc phục các khuyến nghị của EC gồm: khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam (thực hiện quy tắc, nguyên tắc quốc tế về khai thác thuỷ sản); Cơ bản đã chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương,...

Tuy nhiên, xét về tổng thể các giải pháp, hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và cách thức tổ chức triển khai thực hiện; đặc biệt là công tác phối hợp, thực hiện trách nhiệm của các bộ, ban, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển để chống khai thác IUU trong thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu theo khuyến nghị của EC.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1445/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.  Theo đó phải tổ chức lại khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường và từng vùng biển, gắn khai thác với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đổi mới các hình thức hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Câu chuyện hành nghề trên biển, cho thấy dẫu biển mênh mông, nhưng không phải muốn đánh bắt ở đâu thì đánh bắt. Sản phẩm làm ra không phải muốn bán là có người mua. Đây chính là bài học trong hội nhập kinh tế toàn cầu. 

Đọc thêm