Nói và làm, chuyện cũ nhắc lại

(PLVN) -Nói “nhắc lại” vì lúc sinh thời Bác Hồ đã dạy cán bộ về nói và làm. Quan điểm của Người: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, NXB CTQG, H. 2011, tr. 284.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Nói “nhắc lại” vì những ngày đầu đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Đại hội VI) nổi tiếng với chuyên mục “Nói và làm” trên Báo Nhân Dân. Rất nhiều năm đã trôi qua, chỉ cần 20 năm thôi, Hàn Quốc từ một nước nghèo trở thành nước công nghiệp mới (NICs) nhưng Việt Nam hơn 30 năm vẫn còn một bộ phận cán bộ nói chưa đi đôi với làm.

Phát biểu khai mạc phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng qua (4/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, các bộ, ngành, địa phương về tinh thần, thái độ làm việc của một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực, bê trễ trong công việc, kể cả lãnh đạo."Các cấp, các ngành cần chấn chỉnh ngay tình trạng này, không để đến khi vi phạm phải xử lý dẫn đến mất cán bộ. Tình trạng nói hay làm dở, làm chậm cần chấm dứt, kể cả chuyển lòng vòng, cấp dưới kêu ca, người dân bức xúc vẫn còn", ông yêu cầu. Tóm lại, nói rất hay, làm rất dở vẫn tồn tại.

Cũng nên nhắc lại, ngày cuối cùng của năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 1847 ban hành Đề án văn hóa công vụ nhằm đẩy mạnh việc hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả trong thực thi công vụ.

Nhắc lại, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký đã ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó quy định về giao tiếp và ứng xử của cán bộ công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ. Nghĩa là rất nhiều nhiệm kỳ chúng ta “loay hoay” với việc nói và làm của đội ngũ cán bộ nhưng xem ra chưa có thuốc “đặc trị”.

Thậm chí, cao hơn là ngày 25/10/2018 Bộ Chính trị có Quy định số 08-QĐi/TW quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. 

Vì sao, một bộ phận cán bộ nói khác làm? Mấu chốt là không ít cán bộ luôn cảm thấy trách nhiệm được giao như một thứ đặc quyền của họ, vì thế, họ muốn ban phát cho ai là tùy ở họ?. Do vậy, họ cứ cố gây khó dễ cho người dân, còn người dân bực mình muốn nhanh thì phải “lót tay” cho họ để được việc của mình?.

Đọc thêm