Phải tôn trọng luật

(PLO) - Dĩ nhiên, còn hơn cả sự tôn trọng, pháp luật đòi hỏi có sự thượng tôn, tức là đặt pháp luật lên trên tất cả, pháp luật là trên hết.
Hình minh họa
Hình minh họa

Thế mà, gần đây, có những sự việc, hiện tượng xảy ra trong xã hội chúng ta - một xã hội đòi hỏi sự “thượng tôn pháp luật” mà có biểu hiện đi ngược lại với xu hướng đó. Việc ra những văn bản quy phạm pháp luật có những quy định trái luật, thậm chí vi hiến, không phải là ít, một số lượng văn bản khổng lồ mắc sai phạm hình thức hoặc nội dung mà Bộ Tư pháp phát hiện trong năm qua đã chứng minh cho hiện tượng này.

Trên thực tế, trong lĩnh vực thực thi pháp luật, việc vi phạm pháp luật của các cơ quan chức năng của Nhà nước từ việc vận dụng pháp luật đến ra quyết định giải quyết trong một trường hợp cụ thể rất hay xảy ra ở các lĩnh vực giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo, xử phạt hành chính,... 

Có một não trạng là khi xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ xã hội thì cơ quan xây dựng văn bản đó cố đưa vào những cái có lợi cho mình mà gây khó cho dân, đặc biệt, tạo thuận lợi cho công chức, mà làm ảnh hưởng đến quyền chính đáng của công dân.

Câu chuyện mới đây của Hà Nội về việc cấm người dân ghi hình trong buổi tiếp dân không chỉ là sự tranh luận đúng hay sai ở quy định này mà nó mở rộng sang một lĩnh vực khác, lớn hơn nhiều: Pháp luật có được tôn trọng không nhìn từ nhiều góc cạnh xã hội, trong đó có việc tuân thủ đạo luật cơ bản, áp dụng các nguyên tắc pháp luật, bảo đảm không vi hiến với các quyền cơ bản con người. Pháp luật có cho phép một địa phương ra một quy định như thế này không, đúng thẩm quyền không? Câu trả lời là “không” thì có việc gì phải tranh cãi ở đây nữa, trừ trường hợp người ta muốn bãi bỏ một đạo luật có từ trước đó.

Một não trạng khác là bất cứ lĩnh vực xã hội nào, dù nhỏ, dù không bao trùm thì người ta vẫn cứ đòi hỏi phải có cho nó một đạo luật, tưởng như có luật là giải quyết được tất cả. Giải quyết não trạng này và kết quả là chúng ta đã ban hành rất nhiều luật. “Rừng luật” và sự chồng chéo, giẫm đạp lên nhau không thể tránh khỏi. Trong khi đó, có luật rồi nhưng lại xếp xó, không ai động đến hoặc phát huy rất ít tác dụng trong xã hội. Não trạng đòi có luật này cũng lan sang cả giáo dục, người ta liên tục đề xuất có những môn học mới trong nhà trường như giáo dục giới tính, kỹ năng sống, chống tham nhũng và mới đây là môn “văn hóa đọc”. Nên nhớ, thêm một môn học trong nhà trường cũng phải theo quy định của pháp luật, cũng phải tôn trọng pháp luật chứ không thể tùy tiện.

Tùy tiện trong áp dụng pháp luật cũng là một biểu hiện coi thường pháp luật bên cạnh các trạng thái khác như “nhờn luật” và tìm cách “lách luật”! 

Đọc thêm