Phụ huynh 'cuồng' điểm hay con?

(PLVN) - Chỉ cần trường học thi xong học kỳ 2, có điểm, chuẩn bị tổng kết năm... cũng là lúc nhiều phụ huynh vui buồn theo điểm của con. Nhiều người khóc ròng khi con không giỏi toàn diện như mong muốn của mình. Và trong cuộc đua quay cuồng về điểm, về trường danh giá của phụ huynh… có một người bị “bỏ quên”, đó là học sinh…
Phụ huynh chọn điểm hay chọn con? Ảnh minh họa.
Phụ huynh chọn điểm hay chọn con? Ảnh minh họa.

Khổ tâm… “con chỉ được 9”

Vừa có điểm cuối năm của cậu con trai học lớp 1, một người mẹ đã “cầu cứu” trên các diễn đàn liên quan đến dạy con, giáo dục. Chị tâm sự, điểm thi cuối năm của con mình Toán 9, Tiếng Việt 9 và Tiếng Anh 10, cô giáo nhận xét cháu học tốt, tiếp thu bài nhanh.

Tuy nhiên, cháu lại hiếu động, nghịch ngợm, các môn được xem là phụ chỉ được đánh giá là “hoàn thành”, thế nên cháu không được đánh giá là hoàn thành tốt (theo phụ huynh hiểu là xếp loại giỏi). 

Có phụ huynh kể nỗi khổ tâm về con học lớp 3, tất cả các môn cháu đều đạt được 10, mỗi môn Toán cháu đạt 9 nên cũng không được đánh giá xuất sắc. Từ hôm có điểm, cháu buồn thiu, còn anh chị cũng.. tiếc hùi hụi và lên kế hoạch hè sẽ gửi con đi học kèm.

Trước những tâm tư “con chưa đạt toàn diện”, nhiều người vào trách phụ huynh mắc bệnh thành tích quá nặng. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng bố mẹ cần chú ý kèm cặp con kỹ hơn để con đạt kết quả tốt hơn. Bản quy chế thưởng tiền theo điểm của phụ huynh gây sốc trên mạng xã hội.

Một hiệu trưởng bậc tiểu học ở TP HCM kể, sự “cuồng” điểm 10 của phụ huynh dẫn đến việc họ không bao giờ hài lòng về con. Có trường hợp bố mẹ lên trường đề nghị xem lại vì sao con chỉ đạt điểm 8, điểm 9, họ nói đó là “nỗi nhục của gia đình”.

Học sinh căng mình trước ngày thi.
Học sinh căng mình trước ngày thi.

Theo bà, chính áp lực này từ phía phụ huynh đẩy con trẻ vào nỗi sợ hãi tột cùng vào những đợt kiểm tra, đợt thi lẽ ra rất nhẹ nhàng. Họ không chấp nhận khi con mình chưa đạt điểm tuyệt đối ở tất cả môn hoặc kém điểm người khác. Nhiều trẻ bị rơi vào thế cố gắng thế nào cũng không làm hài lòng được bố mẹ. Một giáo viên chuyên Trần Đại Nghĩa nhận xét, điều đáng sợ nhất ở Trần Đại Nghĩa là phụ huynh!

Có nhiều phụ huynh cạnh tranh, ghen tỵ và kèn cựa nhau đến khổ. Suốt ngày họ lùng sục để đi học thêm hết nơi này tới nơi khác, phân bì tỵ nạnh nhau từng nửa điểm. Ở trong cái nôi toàn học sinh giỏi, sự cạnh tranh trong họ càng như được nhân lên, chắp cánh.

Về nỗi ám ảnh điểm 10 của phụ huynh, TS Nguyễn Đông Hải, giảng viên khoa Vật lý, Đại học Creighton (Mỹ) nhiều lần chia sẻ giáo dục của chúng ta quá tập trung vào kiến thức, điểm số, làm quên đi những giá trị, triết lý về cuộc sống trong mỗi bài học. 

Vì con hay háo danh?

Chuyên gia tâm lý Trần Thu Hà chia sẻ: Phải công nhận ngay rằng những trường chuyên như Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong, Phan Bội Châu, Lam Sơn… số  học sinh giỏi, hồ sơ du học được nhiều trường ĐH nước ngoài rất nể. Giáo  viên  thường giỏi, không đánh đập học sinh, không im lặng 3 tháng, không bắt quỳ 1 tiết. Trường có nhiều nguồn thông tin về học bổng và du học. Có đội ngũ cựu học sinh thành đạt. Bạn cùng lớp thường ngoan và ham học, “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”...

Nhưng hôm trước, ngồi tâm sự với một bạn bé. Bé nói: “Sai lầm lớn nhất của con là đã đậu trường Chuyên. Các bạn ấy học quá giỏi, học ở đây ngày nào con cũng thấy mình kém cỏi, chậm chạp, thua cuộc. Con không chơi được với ai, trường toàn người khổng lồ.

Lúc nào cũng thấy kiệt sức, muốn gục ngã! Mẹ thấy con lo lắng, học thua bạn bè, mẹ lại đăng ký cho con đi học thêm ở trung tâm. Mà có cố gắng cả đời cũng chả đuổi kịp được, trí tuệ của các bạn đã ở sẵn trong não các bạn ấy rồi, và con sẽ vĩnh viễn thua cuộc”. 

Còn trường quốc tế thì sao? Có vẻ như những vấn đề bức xúc của trường công lập được giải quyết: không nặng lý thuyết, không quá tải, học sinh được tự do và được tôn trọng…Nhiều bé vốn quen bị ủn mông ép học, không quen tự học, vài lần kiểm tra thấy không đạt, thầy sẽ hạ level. Chương trình quốc tế đa dạng và linh hoạt, GV lại hay khen, nên PH không biết được là con mình chỉ đang học chương trình dễ nhất, thấp nhất của lứa tuổi.

Hơn nữa, với học phí 20, 30 triệu tới 50 triệu/tháng/HS thì nhiều phụ huynh cảm thấy mình đã chi trả quá nhiều, hi sinh quá nhiều. Và tất nhiên, họ sẽ kỳ vọng rất nhiều và đòi hỏi rất rất rất nhiều! Trường công thì quyền lực nằm trong tay giáo viên, trường  quốc tế thì quyền lực nằm trong tay phụ huynh.

Vẫn chưa thấy học sinh được làm trung tâm!  Do đó, không có trường tốt nhất, chỉ có trường vừa sức và phù hợp. Vừa sức con và vừa sức mẹ. Về phía con, đừng tối tăm mặt mũi học và thi. Về phía mẹ, đừng tối tăm mặt mũi cày cuốc kiếm tiền. 

Và dù học sinh học trường nào, thì vẫn phải chạy sô đi học thêm. 3h chiều tan thì 3h15 đi học piano, nhảy, vẫn có gia sư toán, tiếng Anh....Vẫn có trường song ngữ, đổi GV chủ nhiệm tới 4-5 lần cực kỳ đột ngột. Vẫn có trường quốc tế giáo viên đánh phạt học sinh, xé vở xé bài quăng xuống đất. Bởi vậy, sẽ không có trường nào là tốt nhất, chỉ có những trường phù hợp.

Buổi sáng con vui vẻ tới trường, và buổi chiều con vui vẻ trở về nhà, buổi tối vui vẻ tự học, thì đó là trường tốt và phù hợp. Và trường học quan trọng nhất, hiệu quả nhất, tác động tới con lớn nhất, lại miễn phí! 

Đồng quan điểm, nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ thẳng thắn: trường công hay trường tư? Trường quốc tế hay trường làng? Tất thảy lựa chọn nào vốn cũng vì con, vì tương lai của con. Không cha mẹ nào nói là vì sĩ diện của mình (dù có nhiều trường hợp là vì sĩ diện của cha mẹ). Nhưng vì con là vì thế nào thì chẳng ai giải thích được.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhưng bao nhiêu đứa trẻ phải đi học thêm liên miên vì đòi hỏi của thầy cô với thành tích của trường? Nhưng bao nhiêu đứa trẻ nay chuyển trường này mai chuyển trường khác vì bố mẹ chưa ưng với giáo dục của trường đó? Nhưng bao nhiêu đứa trẻ phải ôn luyện chết thôi chỉ để thi đạt đầu vào lớp 1 trong những kỳ thi kiểm tra năng lực đầu vào?

Chọn trường nào? còn chưa kể tính “đẳng cấp”, trường điểm - trường chuẩn quốc gia thì nộp hồ sơ ngồi đợi chắc phải đôi ba năm mới đến lượt. Lại nảy sinh tiêu cực, chạy trường. Những báo giá trôi nổi ngoài thị trường lên đến 30 triệu- 50 triệu một suất vào trường. Con vào lớp 1, là câu chuyện “tiền lớp 1”. Những năm gần đây những khoá học “tiền lớp 1” được mở ra và hút hàng. Có khi mới tháng 5 thôi các khoá học đã mở để phục vụ nhiều ông bố, bà mẹ lo lắng cho tương lai của con. Cùng với đó là cơ man nào là sách.

Những bộ sách “cho bé chuẩn bị vào lớp 1” nhiều vô kể. Mà còn bán chạy nữa! Các bé bị nhồi dù danh nghĩa “vừa học vừa chơi” với đủ thứ luyện chữ, luyện tính, luyện tiếng Anh… Cha mẹ nào cũng trang bị cho con đủ mọi thứ trước khi con vào lớp 1. Vẫn nói với nhau rằng: “Không! Tôi không ép con học đâu” nhưng lại tự hào khi con chưa đi học đã thuộc làu… bảng cửu chương. Nhưng vẫn khoe con bắn tiếng Anh nhanh như gió dù chưa nhận biết hết mặt chữ tiếng Việt.

Thực tế, những gia đình có điều kiện đều kì vọng cho con ra nước ngoài. Do đó, nếu con học kém hoặc không chịu học thì cũng đầu tư ngoại ngữ hàng trăm triệu một khóa. Tuy nhiên, không phải con nào cũng theo được. Và việc cho con “lên đường” bất chấp con chưa thể tự lập cũng khá phổ biến.

Biên tập viên VTV Mỹ Linh kể rằng: Mình cũng có nhiều bạn bè, bố mẹ gửi con đi học nước ngoài từ bé, khi đi thì là những cô bé cậu bé hóm hỉnh, thông minh, khi về là những cậu bé béo phì, ít nói, xa cách. Thậm chí có những em không học được gì, chỉ vùi đầu vào internet, games online. Như lẽ thông thường nhiều cha mẹ sẽ nghĩ con mình lười, không có chí tiến thủ, cho sung sướng mà không biết đường sung sướng, ỷ lại bố mẹ quen rồi, không muốn tự lập.

Những năm tháng sống ở Pháp cũng cho mình không ít kinh nghiệm sau khi đã chứng kiến những khủng hoảng tâm lý của các em lưu học sinh. Xa nhà, nhớ quê hương, khó khăn trong hòa nhập... Nhiều em không biết phải xử trí thế nào với một cuộc sống mới và những kỳ vọng của cha mẹ ở quê nhà. Kể với bố mẹ là mình có khó khăn trong hòa nhập thì xấu hổ, sợ cha mẹ thất vọng, loay hoay lúng túng... dẫn đến trầm cảm mà không tự ý thức. 

Chúng ta hay nhìn vào những sự sung sướng vật chất mà chúng ta mang đến cho con cái, nhưng quên rằng tuổi thơ của chúng ta không phải chạy tất tả từ chỗ học này sang chỗ học khác, không phải học hết môn ngoại khóa này sang môn ngoại khóa khác, không bị cha mẹ cảnh báo suốt ngày về một tương lại “ đen tối”  nếu không học giỏi… 

Đọc thêm