Sao lại giảm nhẹ trong khi cần tăng nặng?

(PLVN) - Bị can Nguyễn Hữu Linh bị truy tố ra tòa vì hành vi dâm ô với trẻ em không chỉ là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, “quân pháp bất vị thân” mà còn là kết quả của sự đồng thuận xã hội, quyết không để những kẻ đồi bại lọt lưới, không chỉ đơn thuần là pháp luật mà còn chứa đựng nhiều yếu tố đạo lý ở đây.
Hình ảnh Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư bị camera an ninh ghi lại.
Hình ảnh Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư bị camera an ninh ghi lại.

Tuy nhiên, một lần nữa dư luận lại dấy lên bởi những tình tiết giảm nhẹ mà Viện kiểm sát dành cho bị can này như nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, ăn năn hối hận... Theo một lo-gic thông thường thì chỉ một hành vi dâm ô với trẻ em thôi cũng đủ để chứng tỏ một nhân cách không ra gì, hèn kém và bệnh hoạn, đáng phải trừng phạt thích đáng.

Hơn nữa, với một người cả đời làm trong ngành pháp luật, hiểu rõ pháp luật, biết rõ hành vi đó gây tác hại cho xã hội mà vẫn cứ thực hiện thì phải coi đó là tình tiết tăng nặng chứ, bởi không biết mà phạm tội thì được coi là tình tiết giảm nhẹ cơ mà.

Đặc biệt, vụ án xảy ra trong bối cảnh mà nạn dâm ô trẻ em đáng báo động trong toàn xã hội hiện nay mà lại đưa ra những tình tiết giảm nhẹ cho tội phạm loại này khiến dư luận bất bình. Người ta liên tưởng đến các vụ án xét xử “lão tặc” dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu trong phiên sơ thẩm cũng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, già cả, đảng viên,... đã gây ra một sự phản cảm rất lớn trong dư luận xã hội.

Dư luận xã hội thường nghiêng về phần đạo lý nhiều hơn và có phần cảm tính, song pháp luật cũng không thể đi ngược với đạo lý và lại càng phải thể hiện cách giải quyết “thấu lý, đạt tình”.

Thực sự, việc truy tố Nguyễn Hữu Linh ra tòa đã giải tỏa một sự bức xúc rất lớn của dư luận xã hội. Tương tự, việc hoàn tất quá trình điều tra và truy tố 8 bị can tại Sơn La trong việc gian lận thi cử cũng vậy.

Người ta tin rằng, với những chuyển biến tích cực trong việc chống “tham nhũng khoa bảng” này sẽ tác động đến tiến độ đẩy nhanh vụ án tương tự ở Sơn La và Hà Giang và sẽ không dừng lại ở các các bị can đã bị truy tố mà phải mở rộng sang các đối tượng khác có hành vi “chạy điểm” cho con em mình chứ không chỉ ở mức độ “yêu cầu giải trình”, đó chỉ là sự khởi điểm cho một tội danh bị cáo buộc mà thôi.

Sau vụ Nguyễn Hữu Linh đã có một sự tác động đáng kể vào việc xử lý tội dâm ô với trẻ em, từ nhận diện tội danh đến hành vi phạm tội và hình thành nên cả một Nghị quyết của TANDTC đang được thảo luận tại Quốc hội. Có thể, các hành vi gian lận thi cử cũng cần đến những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn ở riêng lĩnh vực này!  

Đọc thêm