Tính kịp thời của pháp luật

(PLVN) - Vừa qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án đấu thầu giá thuốc tại Sở Y tế tỉnh này giai đoạn 2014 - 2015. Đáng chú ý là 4 năm trước đây, báo chí đã phản ảnh những khuất tất, vi phạm quy định, biểu hiện gian dối tại những cuộc đấu thầu giá thuốc với các nhà cung cấp và vai trò chỉ đạo, điều hành của Giám đốc Sở Y tế. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Tại thời điểm đó, Công an hứa hẹn sẽ khởi tố vụ án nhưng phải sau 4 năm, việc đó mới được thực hiện. Hậu quả thì đã rõ, cái thấy được tận mắt là bệnh nhân thiếu thuốc chữa, phải dùng thuốc giá đắt, không đúng chủng loại,... chưa tính đến thiệt hại của ngân sách nhà nước trong việc này. Như vậy, tính kịp thời - một trong những yêu cầu thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đã không được đáp ứng, tất yếu, hệ lụy do việc làm trái pháp luật kéo dài và nặng nề thêm, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.

Ngay tại tỉnh láng giềng của Đắk Lắk là Gia Lai, việc nâng khống mua bán thiết bị y tế bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện lên tới 67 tỷ đồng - một số tiền rất lớn đối với một tỉnh nghèo, nhưng từ đó đến nay, sai phạm này vẫn chưa bị xử lý. Đó cũng có thể coi là một dẫn chứng cho việc thiếu kịp thời.

Cũng phải trải qua một thời gian dài khi dư luận đề cập đến việc Cảng Quy Nhơn bị sang tay tư nhân với giá bèo và sau đó đã tiến hành thanh tra phát hiện rất nhiều vi phạm pháp luật trong việc bán cổ phần Cảng này. Các văn bản trái luật đã bị đề nghị thu hồi và phải phục hồi tỷ lệ cổ phần của Nhà nước tại đây.

Tuy nhiên, những người gây ra sai phạm này, kể cả cơ quan, tổ chức hay cá nhân đều chưa bị động đến, dư luận đòi hỏi những ai gây ra sai phạm cần phải xử lý thích đáng và kịp thời. “Cách chức quá khứ” đối với những trường hợp bị phát hiện sai phạm sau khi đã “hạ cánh an toàn” cũng chỉ là một việc làm bất đắc dĩ, có tác dụng răn đe và giữ kỷ cương phép nước là phải xử lý những người vi phạm khi họ đương chức, đương quyền, vừa ngăn ngừa được hệ lụy xấu, vừa tránh thất thoát tài sản nhà nước, vừa có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh.

Hiện tại, có những việc đang làm nóng dư luận và có những biểu hiện khuất tất hoặc sai trái như tiền thu ở các trạm thu phí giao thông (BOT) vào tay ai cùng với sự minh bạch ở các dự án này. Hoặc, tiền ngân sách được chính quyền địa phương đổ vào cho các chủ đầu tư dự án tâm linh có biểu hiện sai trái cần phải được làm rõ.

Không ít các biểu hiện của lợi ích nhóm được dư luận và báo chí phanh phui nhưng dường như việc vào cuộc của cơ quan chức năng còn rất thận trọng. Nếu kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm, tư túi, thiếu minh bạch thì không những giải tỏa các điểm “nóng” dư luận, đảm bảo kỷ cương, phép nước mà còn bảo vệ được sự công bằng xã hội, làm tăng thêm sự tin tưởng và hào hứng của mọi người vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 

Đọc thêm