Đáng bỏ thì phải bỏ

(PLO) -Sau một loạt các bước đi cẩn trọng, bài bản nhưng cũng rất nhanh chóng và khẩn trương, Bộ Công an đã triển khai thực hiện Nghị định 01/CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu... của Bộ này. Như vậy, chủ trương tinh gọn bộ máy đã thành hiện thực khi Bộ Công an đã bỏ đi 6 tổng cục và gần 60 cục, không ngoài mục đích tăng cường sự vững mạnh, hiệu quả của bộ máy.
Hình minh họa
Hình minh họa

Tuy nhiên, cũng với mục đích tăng cường hiệu lực, hiệu quả bộ máy được lấy làm căn cứ khi người ta muốn thành lập một tổng cục hay một cục hoặc một đơn vị mới tại ngành mình. Thế nhưng, thực tế cho thấy việc nâng cấp từ vụ lên cục hay từ cục lên tổng cục không phải đều “đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra” mà chỉ làm phình to bộ máy, tốn thêm tiền ngân sách để nâng lương và phụ cấp để hưởng tiêu chuẩn, chế độ cao hơn...còn hiệu quả thì chưa thấy.

Đến khó khăn, phức tạp, đụng chạm khi sắp xếp lại tổ chức như ngành Công an mà còn làm được hẳn là các bộ, ngành khác cũng sẽ làm được nếu thực sự có quyết tâm và không ngại va chạm, không sợ mình bị mất quyền lợi hoặc mất ghế.

Chánh Văn phòng Bộ Công an đã nói với báo giới rằng việc các vị tướng Tổng cục trưởng nay sang làm Cục trưởng là chuyện “bình thường”. Không quá đề cao sự phức tạp, cũng không quan trọng hóa những vấn đề thành “nhạy cảm” khi “xếp ghế” và tôn trọng tổ chức, trên cơ sở các quy định pháp luật (ở đây là Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của mỗi ngành) thì ắt là sẽ rút ngắn được con đường tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế từ chủ trương đến hiện thực.

Nói dễ nhưng làm không dễ. Một việc nhỏ như tất cả các trạm thu phí giao thông trên toàn quốc sau một đêm đã thấy đổi tên toàn bộ là “Trạm thu giá”. Sau đó, phải buộc lấy lên tên cũ thì triển khai chậm chạp, lý do đưa ra là mỗi lần đổi tên như thế phải chi phí mất 10 triệu đồng để sửa một chữ theo phương pháp thủ công. Lãng phí, tốn kém đã đành song tại sao lúc đổi thành “giá” thì nhanh như chớp vậy, có ai phàn nàn hoặc chậm trễ gì đâu.

Trên thực tế còn rất nhiều dẫn chứng cho thấy sự trì trệ, chậm chạp của bộ máy khi không được “bôi trơn”, khi không thấy có lợi cho mình. Ngược lại, có những việc nhanh đến bất ngờ, ví dụ như hàng loạt dự án được cấp phép vào đêm trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội hay những quyết định giao đất, cấp phép xây dựng đối với các dự án có quy mô lớn được thực hiện “thần tốc” chỉ trong vài ngày.

Cái gì đáng bỏ thì phải bỏ khi những cái đó cản trở sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân nhân. Thực hiện việc bỏ đó sẽ khó khăn bởi đụng chạm đến quyền lợi của không ít người, đặc biệt những người đó lại chính là người phải nhận trách nhiệm thực hiện công việc bỏ đi những cái đáng bỏ. Trở ngại lớn chính là ở chỗ đó!