Đừng để Hooligan ảnh hưởng đến tình yêu ĐT Việt Nam

(PLO) - Người hâm mộ Việt Nam đang đếm từng giờ để được chứng kiến trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa Đội tuyển Việt Nam và Đội tuyển Malaysia vào tối nay 15/12. Hồi hộp thể hiện trên từng nét mặt người. Dẫu bóng đá được “du nhập” vào nước ta nhưng gần như “túc cầu” trở thành môn thể thao “tôn giáo” ở Việt Nam.
Hình minh họa
Hình minh họa

Chưa bao giờ chúng ta khát khao như mùa giải AFF Cup 2018, bởi chờ đợi đã chẵn thập niên, chưa bao giờ chúng ta gần Cúp vàng như lúc này, chưa bao giờ “thế hệ vàng” xuất hiện cho chúng ta tự tin như lúc này, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam chọn được một huấn luyện viên tài ba, hiểu bóng đá Việt, sức mạnh người Việt như ông Park Hang Seo. Tóm lại, “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” hội đủ.

Vâng, thâm tâm ai cũng thầm mong cho đội tuyển nước nhà có một chiến thắng lịch sử nhưng cũng có không ít người lo lắng. Bóng đá mà, không nói trước được điều gì khi tiếng còi chưa khép lại trận đấu.

AFF Cup 2018 - niềm vui chiến thắng, lòng tự hào dân tộc và tình cảm yêu mến dành cho thầy trò Park Hang Seo đã được thể hiện bằng các hình thức đa dạng, sôi nổi, vui tươi.

Ở nhiều nơi, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, cổ động viên và người hâm mộ đã đổ ra đường phố reo hò, ca hát, nhảy múa và diễu hành, làm nên không khí ngày hội bóng đá sôi động trong cả nước. Người dân tập trung ở quảng trường khu vực trung tâm các thành phố lớn cùng hát quốc ca, hô vang: “Việt Nam vô địch, Việt Nam chiến thắng”.

Không thể nói hết cảm xúc, tình yêu của người hâm mộ dành cho đội bóng. Không thể nói hết những gì người hâm mộ hân hoan.

Tuy nhiên, lại tuy nhiên, bên cạnh các hình ảnh đẹp, việc làm hay, nhiều ý nghĩa và thiết thực để ủng hộ và cổ vũ cho Đội tuyển Việt Nam, có không ít người lợi dụng việc chào mừng, có hành vi thiếu kiểm soát, quá khích và phản cảm cần lên án, ngăn chặn kịp thời như việc các nhóm thanh niên quá khích kêu gọi đua xe, nẹt pô và đánh võng trên các đường phố gây mất trật tự, an toàn giao thông. Kết thúc vòng bảng, và ngay cả trong đêm kết thúc trận lượt đi chung kết (dẫu vuột chiến thắng trên sân khách) nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra.

“Bóng ma” Hooligan luôn ám ảnh bóng đá. Có lẽ người yêu bóng đá Việt Nam vẫn chưa quên việc cổ động viên quá khích của Malaysia đã tràn sang khán đài của các cổ động viên Việt Nam để gây gổ tại AFF Cup 2014. Máu đổ trên Shah Alam. Sự hoảng loạn bao trùm, có cả tiếng khóc và nỗi sợ hãi, tất cả đều được tạo ra bởi sự hung hãn của một vài Ultras Malaysia.

Văn hóa cổ vũ bóng đá cần thể hiện cả khi trận cầu đang diễn ra và sau khi kết thúc. Đội nhà thắng/hay thua đều phải được ứng xử văn hóa. Hooligan và cổ vũ phản cảm là đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức về văn hóa cổ vũ và tinh thần fair-play trong thể thao.

Thái quá, lệch chuẩn về phương diện văn hóa, đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự. Dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu hòa bình, thân thiện, văn hóa bóng đá cũng là một thông điệp với thế giới trong môi trường hội nhập.

Yêu bóng đá bằng cả trái tim ngập tràn cảm xúc phải ý thức như vậy.