Nhân văn như giáo dục

(PLO) -Tạo nên một điểm nóng của dư luận, gây nên những phản ứng trái chiều là sự kiện một trường đại học ở Gia Lai nâng cao điểm chuẩn nhằm đánh trượt những thí sinh trúng tuyển.
Điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn của Cao đẳng Sư phạm Gia Lai được nâng lên 23 để loại thí sinh duy nhất trúng tuyển.
Điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn của Cao đẳng Sư phạm Gia Lai được nâng lên 23 để loại thí sinh duy nhất trúng tuyển.

Đáng kể nhất là trường hợp một nữ sinh đạt 22,5 điểm ngành Ngữ văn Sư phạm nhưng trường nâng điểm chuẩn lên 23 để em phải trượt. Lý do được đưa ra là trường không đủ thí sinh trúng tuyển để mở lớp, buộc phải tìm cách đánh trượt các em để những thí sinh này có thể vào học theo nguyện vọng, vì nếu đã đỗ nguyện vọng 1, theo quy chế thì sẽ không được xét đến nguyện vọng 2 nữa. Lãnh đạo nhà trường cho việc nâng điểm đánh trượt thí sinh là một động thái rất “nhân văn”.

Ngược lại, một trường hợp duy nhất chỉ một nữ thí sinh đạt điểm vào ngành Toán Sư phạm chất lượng cao ở Thanh Hóa thì Trường Đại học Hồng Đức vẫn quyết tâm mở lớp dẫu chỉ có một em theo học. Như vậy, xét ra thì động thái của Trường Đại học Hồng Đức nhân văn hơn rất nhiều cái trường cố tình đánh trượt thí sinh “vì quyền lợi của các em” kia.

Dù hết sức tốn kém để duy trì một sinh viên, một lớp nhưng Đại học Hồng Đức không để lãng phí một tài năng sư phạm, có lẽ, lãng phí con người là lãng phí lớn nhất và ngành Giáo dục không vì tiết kiệm mà gây ra thứ lãng phí đó. Nhân văn là ở đấy. Cách hành xử này khiến người ta nhớ tới Nhật Bản khi đất nước này duy trì một đoàn tàu và một sân ga chỉ để đưa đón duy nhất một học sinh đi học.

Một biểu hiện nhân văn khác khi một nữ sinh cũng ở Thanh Hóa, đạt 23,45 điểm nhưng không thể vào đại học vì nhà quá nghèo, em lại là lao động chính trên mấy sào ruộng nuôi cả nhà. Biết chuyện này, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngỏ ý sẵn sàng cấp học bổng cho em để học tại đây. Một sự nhân văn có địa chỉ cụ thể.

Ngành Giáo dục có chủ trương mang tính nhân văn rộng lớn là xóa mù chữ cho tất cả các thành viên trong cộng đồng xã hội. Theo báo cáo của ngành này, tỷ lệ xóa mù đã đạt 90%, tuy nhiên, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho thấy có đến 21% dân số mù chữ. Sự vênh này đã được Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều hôm qua. Ý tưởng nhân văn và hành động nhân văn cách nhau xa lắm, nó cũng có độ vênh lớn như các thống kê ở các ngành khác nhau mà cùng về một lĩnh vực vậy. Nội hàm của giáo dục đã bao gồm nhân văn rồi, vấn đề là ở chỗ thực hiện ra sao!