Tại sao rác vẫn “tung tăng” xuống phố?

(PLO) - Mặc dù quy định về việc vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố sẽ bị phạt hàng triệu đồng đã chính thức có hiệu lực từ lâu. Tuy nhiên, hiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói, xảy ra tình trạng này phần lớn do ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người vẫn chưa cao.
Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Những tấm biển có cũng như không

Theo nội dung Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2017 thì các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng như vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng. Mặc dù Nghị định đã có hiệu lực, song ghi nhận của phóng viên, ở một số nơi người dân vẫn chưa thực hiện nghiêm túc.

Ghi nhận của phóng viên, trên các tuyến phố như: Xã Đàn, Nguyễn Lương Bằng, Tố Hữu… có rất nhiều túi ni-lon đựng rác, vật liệu xây dựng, phế thải được chất ngay trước cổng nhà thậm chí sát bên thùng rác mở nắp. Chung tình trạng trên, ở trục đường Lương Thế Vinh (khu vực phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) đoạn ngay sát một trường học dù có biển cấm đổ rác của Công an phường nhưng nơi đây vẫn trở thành một “điểm đen” chình ình rác, phế thải.

Đó là các khu vực nội đô, ở trục đường ngoại thành, tình trạng vứt rác bừa bãi còn gây cản trở hoạt động tham gia giao thông và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Cụ thể, trên trục đường 427, nối từ khu đô thị Xa La (Hà Đông) đi huyện Thanh Oai (Hà Nội), qua địa bàn các xã Cự Khê, Tam Hưng, Mỹ Hưng… xuất hiện nhiều bãi rác, phế thải xây dựng nằm ngổn ngang ven đường. 

Riêng đoạn đường 427, chạy qua thôn Cầu, xã Cự Khê, rác thải tồn ứ do nhiều ngày không được xử lý đã chất đống, tràn ra lòng đường, bốc mùi xú uế. Để “xử lý” đống rác thải này, người dân địa phương phải đốt bỏ khiến cả cung đường gánh chịu cảnh khói bụi mù mịt. Theo tìm hiểu, ngoài tình trạng biển “cấm đổ rác” không phát huy tác dụng. Điều dễ nhận thấy khác là, những nơi tập kết rác “lý tưởng” thường ở khu vực có đất trống, vắng vẻ. 

Cần nâng cao công tác tuyên truyền

Theo ước tính, trung bình mỗi ngày đêm, tại Hà Nội phát sinh hơn 6.200 tấn chất thải sinh hoạt. Dù đã có nhiều cố gắng, song do năng lực quản lý, thu gom, xử lý rác thải còn hạn chế, mới có khoảng 70% số lượng rác thải phát sinh hàng ngày được thu gom, xử lý, dẫn tới một lượng lớn rác bị tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều khu dân cư.

Theo tìm hiểu, để linh hoạt hơn trong công tác thu gom rác thải, từ tháng 5/2017 đến nay nhiều đơn vị xử lý, thu gom rác thải đã áp dụng phương pháp linh hoạt thời gian thu gom và đặt các thùng rác công cộng trên tuyến phố trung tâm. Sau một thời gian triển khai, phương thức thu gom này đã bước đầu mang lại lợi ích và hiệu quả. 

Tuy vậy, do người dân vẫn chưa có thói quen mở - đóng nắp khi vứt rác cũng như bỏ rác vào túi buộc kín để tránh phát tán chất thải và mùi nên hàng loạt thùng rác công cộng trở thành “điểm đen” ô nhiễm, bốc mùi xú uế khi hở miệng và không đảm bảo vệ sinh.

Chia sẻ về vấn đề liên quan, đại diện của Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội URENCO cho biết, nhiều người do lo ngại mùi hôi nên vứt rác ngay cạnh thùng chứa. Thậm chí, nhiều cá nhân thiếu ý thức còn để rác lên nắp thùng rác.

“Chúng tôi đã lắp đặt các thùng rác mới có nắp đậy nhưng mọi người vì sự tiện lợi, không muốn bẩn tay chạm vào thùng rác nên cứ mở nắp để vứt rác. Rồi từ xa ném thẳng túi rác vào thùng gây rách lớp túi bên trong khiến nước từ rác chảy xuống. Trong khi đó chúng tôi luôn tạo thuận lợi nhất cho người dân để bỏ rác đúng vị trí, vệ sinh thùng rác và tay cầm thường xuyên. Rất hi vọng mọi người cũng tự nâng cao ý thức của mình trong việc vệ sinh môi trường” – đại diện đơn vị này chia sẻ.

Có thể thấy, việc đổ rác đúng nơi quy định không phải là việc khó thực hiện. Tuy nhiên do tập quán sinh hoạt, thói quen bỏ rác bừa bãi đã hình thành rất lâu, nên việc thay đổi nhận thức của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Một khi mà ý thức bảo vệ môi trường của người dân không thay đổi thì bài toán môi trường vẫn là một vấn đề nan giải.